Nhiếp ảnh gia đường phố Hans Eijkelboom: 20 năm lột tả sự nhàm chán của con người
Eijkelboom (65 tuổi, người Hà Lan) vừa công bố sách ảnh 500 trang mang tên Con người của thế kỷ 21. Đó là những bức ảnh ông chụp trên các đường phố đông đúc nhất, những trung tâm mua sắm sầm uất nhất thế giới ở Amsterdam, New York, Paris, Thượng Hải… từ năm 1993.
Không phân biệt được Sao Paulo và Mátxcơva
“Bạn nghĩ vẻ ngoài của mình độc đáo? Ồ, Hans Eijkelboom đã đặt bạn vào bộ lạc những người trông giống nhau” – tờ Guardian viết.
Eijkelboom gọi công việc của mình là “ghi chú bằng hình ảnh”. Cách làm việc của ông như sau: đến một thành phố, tìm một đường phố lớn, chọn một phông nền cố định và chụp những người qua lại trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Sau khi chụp xong, ông chọn những bức ảnh điển hình nhất và ghép lại trong cùng một bức ảnh lớn, rồi chú thích ngày giờ và địa điểm.
Nghe có vẻ khó, vì có những ngày Eijkelboom chụp thành công và những ngày khác thì công cốc. Nhưng cách làm việc tỉ mẩn đã giúp Eijkelboom ghi lại những cảnh đời thực mà như trong các buổi trình diễn thời trang. Đó là các xu hướng như túi đeo chéo nam theo phong cách Louis Vuitton trên đường phố Paris năm 2006, đồ bộ denim cho nam trên đường phố Amsterdam năm 2007, nam giới trượt patin và không mặc áo khoe cơ bắp trên đường phố New York năm 1997.
Phía nữ giới có các xu hướng như áo mũ lông ở Amsterdam vào năm 2004, áo phông hoạt hình ở Thượng Hải năm 2005, chị em mặc đồng phục công sở khoác tay nhau cũng ở Thượng Hải vào năm 2005.
Nếu chỉ 1 hay 2 người thì những bức ảnh không thể gây ấn tượng. Nhưng ở đây ta có hàng chục người, với cùng một phong cách ăn mặc. “Giờ đây, ở Mátxcơva hay Sao Paulo, ta cũng sẽ tìm thấy những bộ đồ giống nhau” – nhà nhiếp ảnh nói.
Thông điệp Eijkelboom muốn đưa ra qua bộ ảnh 20 năm của mình là sự nhàm chán về vẻ ngoài của con người đang chiếm lĩnh các thành phố lớn trên thế giới, trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai. “Trong 10 năm qua, điều đó càng thể hiện rõ. Mọi trung tâm mua sắm lớn trên thế giới giờ đây đều có những nhãn hàng giống nhau” - ông nói.
“Những người mặc áo phông in chữ”
Eijkelboom thực hiện bộ ảnh kỳ công này một phần nhờ cảm hứng từ công trình “Con người thế kỷ 20” của August Sander - một nỗ lực ghi lại hình ảnh xã hội Đức trong 53 năm, từ 1911 đến 1964.
Để ghi lại những hình ảnh chân thực, Eijkelboom phải dùng thủ thuật, trong đó máy ảnh đeo trên người và anh chụp bằng dây bấm mềm đặt trong túi áo. Người bị chụp hình sẽ không hề biết về "cái bẫy" của Eijkelboom nên trong các bức ảnh họ rất tự nhiên.
Càng chụp, Eijkelboom càng nhận rõ rằng con người ăn mặc ngày càng giống nhau hơn. Có lẽ họ cố để trông độc đáo, nhưng thực ra họ ngày càng giống nhau. Có lúc, hàng tá người cùng mặc áo phông màu vàng dù kiểu dáng có khác nhau đôi chút. Rõ ràng những người này không rủ nhau mặc "đồng phục", nhưng vô tình họ giống nhau quá đỗi.
“Đó là một sự tiến triển kỳ lạ” – Eijkelboom nói - “Đây không phải là một dự án có chủ đích, nhưng kết quả thì cuốn sách đã chỉ rõ rằng dường như có một cuộc chiến bên trong xã hội. Các hãng thời trang lớn đã phủ sóng lên bề ngoài của chúng ta, bằng cách sản xuất những mẫu quần áo giống nhau”.
“Khi bạn đến phố mua sắm Kalverstraat ở Amsterdam, ai cũng mặc áo phông in dòng chữ. Các dòng chữ có vẻ khác nhau, nhưng người ta thì đều giống nhau, đều là các cá nhân "mặc áo phông in chữ”. Điều này có một phần liên quan đến sự phổ biến của Internet.
Sau khi đi qua một loạt thành phố lớn, gần đây, Eijkelboom chuyển hướng sang các thành phố ít nổi tiếng hơn về du lịch. Đặc biệt, ông quan tâm đến thành phố lớn thứ hai nước Anh là Birmingham, nơi “không có quá nhiều khách du lịch và có thể ghi lại hình ảnh con người Anh chân thực, chỉ chịu ảnh hưởng của nền văn hóa xung quanh họ”. Cuốn sách và triển lãm kèm theo về Birmingham sẽ được công bố trong năm 2015.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa