Nhiệm vụ 'khó nhằn' trong năm 2024 của các nền kinh tế phát triển
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, thước đo lạm phát chính thức của Cục Thống kê Australia cho thấy tốc độ tăng trưởng giá tiêu dùng đã giảm hơn một chút so với dự kiến, từ mức 5,4% trong bản cập nhật quý cuối cùng hồi tháng 9/2023 xuống còn 4,1%. Xét theo quý, lạm phát giảm từ 1,2% trong quý III/2023 xuống còn 0,6%.
Các yếu tố chính đóng góp vào mức tăng trong quý IV/2023 là nhà ở (tăng 1%), rượu và thuốc lá (tăng 2,8%), bảo hiểm và dịch vụ tài chính (tăng 1,7%), thực phẩm và đồ uống không cồn (tăng 0,5%).
Bộ trưởng Tài chính Australia Jim Chalmers cho biết tỷ lệ lạm phát đã giảm đáng kể so với mức đỉnh 7,8% cách đây một năm. Ông nói với các phóng viên: “Nhiệm vụ của chúng tôi vẫn chưa hoàn thành, nhưng đây thực sự là một diễn biến đáng hoan nghênh và là một tiến bộ đáng khích lệ”.
Các nhà dự báo dự kiến sẽ có một sự suy giảm đáng kể trong tháng 12/2023, nhưng kết quả thậm chí còn khả quan hơn, với mức tăng 4,3% hàng năm và 0,8% trên cơ sở hàng quý.
Nhà kinh tế trưởng Carlos Cacho cho biết Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương) sẽ hài lòng khi thấy các con số trung bình và mức trung bình bị cắt giảm thấp hơn đáng kể so với dự báo của chính họ. Ông nói: “Họ đã kỳ vọng rằng lạm phát cuối năm trong tháng 12/2023 sẽ ở mức 4,5% cho cả mức trung bình và mức trung bình cắt giảm, thế nhưng thay vào đó, con số thực tế là 4,1% và 4,2%”.
Giá trị trung bình được cắt giảm (thước đo chính của lạm phát cơ bản nhằm loại bỏ những thay đổi giá bất thường hoặc tạm thời) đã giảm từ mức 5,1% trong quý III/2023 xuống 4,2%.
Với những con số lạm phát quan trọng thấp hơn dự báo của RBA, hầu hết các nhà kinh tế cho rằng khả năng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 2/2024 là rất mong manh.
Nhà kinh tế của EY Cherelle Murphy cho biết ngân hàng trung ương không có lý do gì để tăng lãi suất vào tuần tới, nhưng khuyến nghị những người đi vay vốn đang mong đợi lãi suất được cắt giảm nên kiên nhẫn. Bà cho biết việc cắt giảm năm nay có thể là quá sớm vì rủi ro có thể kéo dài đến năm 2024. Bà nói: “Áp lực lạm phát vẫn còn hiện hữu – bao gồm nhu cầu nhà ở tiếp tục mạnh mẽ, phí bảo hiểm tăng và thị trường lao động thắt chặt”.