'Nhật ký thời chiến' - Di sản quý các Anh hùng để lại cho thế hệ sau
(Thethaovanhoa.vn) - Những dòng nhật ký trong trẻo, đầy ước vọng về một cuộc sống thanh bình. Những lời thề quyết tâm thắng quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Những tâm sự dịu dàng, đằm thắm yêu thương xen lẫn tự hào… những trang viết riêng tư nhưng mang cả tinh thần dân tộc và hơi thở của thời đại ấy lần đầu tiên đứng chung trong một bộ sách có tên "Nhật ký thời chiến Việt Nam".
Những trang viết đầy máu lửa chiến trường
Chắc hẳn nhiều bạn đọc trong và ngoài nước vẫn chưa quên câu chuyện về cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và Nhật ký Đặng Thùy Trâm của Anh hùng, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Hai cuốn nhật ký lừng danh, với hàng triệu bản in đã được phát hành, được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Tuy nhiên, với một đất nước đã trải qua nhiều năm chiến tranh như Việt Nam không chỉ có 2 tác phẩm ấy, còn có hàng ngàn cuốn nhật ký khác cũng đầy máu lửa chiến trường, được viết bởi những người lính trên khắp các mặt trận. Mỗi cuốn nhật ký sẽ là những câu chuyện đời, những câu chuyện về cuộc chiến tranh, về tuổi trẻ…
- Chuyện ít ai biết về bản thảo ‘Nhật ký Đặng Thùy Trâm’ bằng tiếng Anh
- Người giữ Nhật ký Đặng Thùy Trâm trở lại Hà Nội
Lần đầu tiên, những dòng nhật ký ấy được tập hợp, tuyển chọn để đưa vào in trong một bộ sách có tên Nhật ký thời chiến Việt Nam. Cùng với 2 cuốn nhật ký lừng danh Mãi mãi tuổi 20 và Nhật ký Đặng Thùy Trâm, bộ sách còn giới thiệu những cuốn nhật ký đầy máu lửa chiến trường khác như: "Gửi lại mai sau" của tác giả Nguyễn Hải Trường (tức liệt sỹ Công an nhân dân Vũ trang Nguyễn Minh Sơn). Hay những trang viết của các văn nghệ sỹ nổi tiếng như Nhật ký chiến trường của Dương Thị Xuân Quý; Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong; Nhật ký Vượt Trường Sơn của Phạm Quang Nghị; Những ngày trong vòng vây của Trần Mai Hạnh; bộ ba Nhật ký Bê trọc của Phạm Việt Long và Nhật ký đi B của Triệu Bôn…
Bên cạnh đó, trong bộ sách này, bạn đọc còn được tiếp cận những trang viết hiếm hoi mang đầy chất văn hóa tâm linh trong nhật ký Trở về trong giấc mơ của Trần Minh Tiến – chàng cầu thủ bóng đá đẹp trai, có mối tình đẫm nước mắt với cô văn công xung kích xứ Hà Đông xưa; hoặc nhật ký "Tài hoa ra trận" đầy chất văn chương lãng mạn của chàng họa sỹ Hoàng Thượng Lân (bạn cùng lứa của 2 họa sỹ nổi tiếng là họa sỹ Thành Chương và họa sỹ Lê Trí Dũng)…
Bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam cũng tập hợp hầu hết đại diện các quân binh chủng: Mãi mãi tuổi 20" đại diện cho thế hệ lính sinh viên nhập ngũ 6/9/71 tại chiến trường Quảng Trị; nhật ký Gửi lại mai sau của Nguyễn Hải Trường – đại diện cho thế hệ những chiến sỹ Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) đầu tiên; nhật ký Trời xanh không biên giới của Đặng Sỹ Ngọc là của lực lượng Pháo Cao xạ ở chiến trường Khu 4 cũ; nhật ký Bão lửa cầu vồng của Nguyễn Văn Thân là của lực lượng Pháo binh mặt đất; còn Nhật ký Hoàng Công Sơn đại diện cho binh chủng Đặc công; nhật ký Tây tiến viễn chinh đại diện cho thế hệ các chiến sỹ làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia thập niên 80…
Khi đọc Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, nhật ký Những ngày trong vòng vây của Trần Mai Hạnh, Nhật ký chiến trường của Dương Thị Xuân Quý, Nhật ký Bê trọc của Phạm Việt Long, hay Nhật ký đi B của Triệu Bôn…, bạn đọc sẽ thấy các tác giả giống nhau ở một điểm: Họ đều là những phóng viên chiến trường, nhật ký đều được viết trong nửa cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 tại chiến trường miền Nam. Mỗi người một góc nhìn, bổ sung cho nhau, phản ánh sự thật ác liệt đến trần trụi. Những trang viết đầy máu lửa ấy, bao năm rồi vẫn như nóng hổi hơi thở chiến trường, bởi sự sống và cái chết là ranh giới quá mỏng manh.
Còn nhật ký Tây tiến viễn chinh của Trần Duy Chiến, được viết đầu thập niên 80 tại chiến trường Campuchia, bạn đọc sẽ thấy tác giả viết rất nhiều về những "thói hư tật xấu" trong sinh hoạt của người Tiểu đội trưởng và những đồng đội trong đơn vị. Điều bi tráng là sau chiến tranh, hầu hết các nhân vật nhiều "thói hư tật xấu" đó và kể cả tác giả đều hy sinh…
Theo nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng, Chủ biên bộ sách, dù sự xuất hiện của các tác giả có khác nhau về tuổi tác, trình độ văn hóa và những trang ghi chép khác nhau về chiến trường, về thời gian… nhưng các trang nhật ký trong bộ sách này đều giống nhau ở một điểm chung: Đó là những tâm sự của những người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng cả cuộc đời mình cho tương lai đất nước.
Trong bộ sách này, bạn đọc sẽ gặp những dòng nhật ký như những lời thơ ngân vang, trong trẻo, đầy thiết tha ước vọng về một cuộc sống thanh bình; những lời dặn dò như những lời di chúc, những lời thề quyết tâm thắng quân xâm lược, những lời hứa bảo toàn danh dự của những người con yêu quý của Tổ quốc trong cảnh đất nước có chiến tranh, những niềm thương yêu cháy bỏng, những nỗi nhớ thương da diết, khắc khoải, những bồn chồn lo âu, mong đợi… Bạn đọc cũng sẽ được biết những tâm sự dịu dàng, đằm thắm yêu thương xen lẫn tự hào trong những trang viết riêng tư, nhưng mang cả tinh thần dân tộc và hơi thở của thời đại.
Qua những trang nhật ký sinh động, cụ thể từng ngày từng tháng của các văn nghệ sỹ, bạn đọc có thể hình dung ra cuộc sống, chiến đấu vô cùng ác liệt, thiếu thốn ở chiến trường trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Nơi đầy bom đạn, hiểm nguy, sự sống và cái chết cận kề bên nhau và hầu như không có ranh giới. Họ thật sự là những người con của Tổ quốc, của dân tộc trong những ngày đạn bom, máu lửa, với những nỗi niềm chung vì hòa bình, hạnh phúc của nhân dân, đất nước và cả những nỗi niềm riêng tư của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cảnh.
Di sản tư liệu cho mai sau
Nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng, Chủ biên bộ sách chia sẻ, là một nhà văn, đồng thời cũng là một người lính đã từng trực tiếp cầm súng bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, ông hiểu thế nào là chiến tranh cùng sự hy sinh, mất mát. Nghề làm báo đã giúp ông đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, để tìm hiểu nhiều sự kiện, nhân chứng và sưu tầm tư liệu... công việc viết văn đã giúp ông "ngộ" ra một điều: Đôi khi, chính những trang nhật ký, ghi chép sổ tay... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, xưa cũ, lại mang đến những thông tin, tư liệu cực kỳ quý báu. Chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn...
Và ý tưởng làm một bộ sách tư liệu về chiến tranh qua những trang nhật ký được viết trong thời chiến đã hình thành như thế. Tháng 12/2004, vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, cuộc vận động Sưu tầm và Xuất bản bộ sách Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam được Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" phát động với sự hưởng ứng nồng nhiệt của đông đảo công chúng. Các tác phẩm: Mãi mãi tuổi hai mươi, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Sống để yêu thương và dâng hiến, Gửi lại mai sau, Tài hoa ra trận, Nhật ký Vũ Xuân, Trở về trong giấc mơ, Tây tiến viễn chinh... chính là kết quả của cuộc phát động này.
Sau 16 năm kể từ khi phát động (2004 - 2020), năm 2020, bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam do Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" và Câu lạc bộ "Trái tim người lính" tổ chức thực hiện đã được xuất bản. Bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang, với hơn 30 tác phẩm của hơn 30 tác giả.
"Điều đặc biệt là 2/3 trong số các tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều anh chị đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) được thân nhân của các anh, chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển lại, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Đó là những di vật thiêng liêng của gia đình gửi đến với hy vọng: Sau khi cuốn sách được phát hành, biết đâu sẽ tìm được phần mộ liệt sỹ, hoặc thông tin mất tích của người thân..." - Nhà văn Đặng Vương Hưng ngậm ngùi chia sẻ.
Đánh giá về bộ sách, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ Nhất Hội Nhà văn Á – Phi) khẳng định, không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương. Họ viết trong đói khát, trong bom đạn, trong chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề, tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ, sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng: "Bộ sách mang một giá trị lớn lao ngay lúc này chúng ta cũng chưa thể nhận ra hết giá trị của những trang nhật ký ấy. Nhiều năm sau chiến tranh Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu chiến tranh của Mỹ đã khẳng định: phát hiện lớn nhất của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là phát hiện ra nền văn hóa Việt Nam. Bởi thế mà những trang nhật ký của những người lính giải phóng Việt Nam đã trở thành một giá trị vô cùng to lớn, làm lên bộ hồ sơ đặc biệt về văn hóa Việt Nam chứ không chỉ là một loại hồ sơ đặc biệt về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước".
Trung tướng Tiến sỹ khoa học quân sự, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp; nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Chủ tịch Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" cho rằng, bộ sách là công trình có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và mang tính nhân văn sâu sắc. Có thể xem bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam như một tượng đài Di sản phi vật thể được các Anh hùng - Liệt sỹ, các cựu chiến binh để lại dấu ấn của tâm hồn mình cho thế hệ sau…
Chính vì vậy, việc tập hợp được những cuốn nhật ký đó lại, biên soạn và in ấn thành một bộ sách đó là một việc làm vất vả, khó khăn, nhưng đầy ý nghĩa mà Quỹ "Mãi mãi tuổi 20", nhóm tác giả và gia đình, thân nhân của các thương binh, liệt sỹ, các cựu chiến binh… đã làm. Những trang nhật ký thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt ấy sẽ là những di sản quý giá mà lớp lớp thế hệ sau cần gìn giữ, trân quý.
Phương Lan/TTXVN