Nhật ký Nguyễn Văn Thạc: 'Tím lòng mình và tím cả lòng em…'
(Thethaovanhoa.vn) - Tình yêu của đôi bạn Nguyễn Văn Thạc và Phạm Thị Như Anh trong cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi (Đặng Vương Hưng sưu tầm, giới thiệu, NXB Thanh Niên xuất bản) đã khiến bao trái tim rưng rưng xúc động. Và sau đó, cuốn Hạnh phúc là gì (2 tập) do nhân vật chính của cuốn sách - người bạn gái Như Anh - biên soạn xuất bản đã viết thêm những câu chuyện đời chân thực, cảm động về anh Thạc.
1. Tôi là lớp đàn em sau anh Nguyễn Văn Thạc, chị Phạm Thị Như Anh, cũng có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi văn toàn quốc sau thời điểm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong giá sách của tôi hiện diện những bài văn đoạt giải từ các kỳ thi học sinh giỏi văn trước. Tự lúc nào không biết, bài văn đoạt giải Nhất văn miền Bắc niên học 1969-1970 của anh Nguyễn Văn Thạc Trường cấp 3 Yên Hòa B (Q. Cầu Giấy, TP Hà Nội) đã để lại trong tôi những ấn tượng khó phai.
Cũng như bao người hâm mộ bài văn của anh, tôi không có cơ may được gặp chàng học sinh giỏi văn ấy. Anh – người lính binh nhì Nguyễn Văn Thạc - đã ra đi để lại tuổi hai mươi căng tràn sức sống cho Tổ quốc, cho nhân dân trong nỗi tiếc thương của gia đình, người thân, thầy cô giáo… và nhất là lỗi hẹn với mối tình trẻ trung, lãng mạn đẹp như một bài thơ. Người bạn gái học cùng trường cấp III Yên Hòa B đã thổi hồn cho chàng lính trẻ thăng hoa những bức thư, bài thơ nồng ấm, nóng bỏng, yêu thương. Chị chính là nguồn cảm hứng bất tận để anh bộc bạch mọi buồn vui.
2. Tình yêu của đôi bạn Nguyễn Văn Thạc và Phạm Thị Như Anh đã đi vào trong các trang sách, được đông đảo bạn đọc nâng niu, đón nhận. Chính vì thế, ngày đó, tôi không khỏi bồi hồi khi lần đầu tiên đến gặp chị.
Nơi chị hẹn gặp tôi là số 72 Nguyễn Du – ngôi nhà, gắn với những kỷ niệm của hai người. Ngôi nhà đó là một chút “hồi môn” từ bố mẹ và đã được Như Anh tình nguyện dành làm Văn phòng Quỹ Mãi mãi tuổi hai mươi mà chị là một trong những người sáng lập.
Trước mặt tôi là một Như Anh với vóc dáng nhỏ nhắn, cương nghị. Chị xuất thân trong một gia đình trí thức nổi tiếng. Ông ngoại là Tiến sĩ, luật sư Hồ Đắc Điềm, từng làm Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính TP Hà Nội. Phụ thân chị là luật sư Phạm Thành Vinh, cháu ruột của liệt sỹ Phạm Hồng Thái, từng là Chủ tịch Hội Sinh viên Đông Dương, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng. Thân mẫu chị là bà Hồ Thị Thể Tần - một cô giáo dạy văn trường Trưng Vương II. Bà cùng chồng là dịch giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng, như: Con đường đau khổ, Chuông nguyện hồn ai... Chính cha mẹ đã truyền niềm đam mê văn chương cho chị. Ngày 27/7/1971, Như Anh được cử đi học Vật lý tại Trường Đại học Tổng hợp Minsk (Liên Xô cũ). Năm 1977, chị tốt nghiệp bằng Đỏ và năm 1985 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Cộng hòa dân chủ Đức…
Định cư ở nước ngoài kể từ khi sang nước Nga học tập, nhưng nhìn chị từ trang phục, phong thái, cử chỉ… dường như khó tìm thấy “nét ngoại”. Tất cả ở chị đều toát lên vẻ lịch lãm nhưng vô cùng giản dị, đằm thắm; sự thông minh, sáng láng nhưng lại rất gần gũi, chân thành. Hình như chất Việt đã thấm đẫm trong tâm hồn chị. Hai chị em tôi nhâm nhi từng giọt cà phê, nhìn ra hồ Thiền Quang lặng sóng.
Chị lần giở từng di vật của anh Thạc mà chị đã cất giữ suốt bấy lâu. Gương mặt chị nao nao cảm xúc. Đôi mắt đượm buồn ngân ngấn. Xòe trên bàn tay gân guốc của chị là chiếc khăn mùi xoa viền những bông hoa xanh mà chị đã tặng anh ngày nhập ngũ. Cuốn sổ nhỏ này là những bài thơ của anh với nét chữ đẹp, đều, cứng cỏi, nhưng lại rất bay bổng.
Chị đưa tôi bức ảnh chụp cảnh sinh viên Trường Đại học Tổng hợp “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu” và nói: “Anh Thạc cắt từ báo gửi sang Liên Xô cho chị đấy”. Chị lần giở từng bức thư trong tập thư cũ đã ngả màu. Toàn bộ những bức thư này anh viết ở Nhã Nam và viết đường hành quân đã được gửi về nhà từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh), trước khi vào mặt trận và hy sinh sau đó gần hai tháng.
Ngày ấy do điều kiện thời chiến, bưu điện đã gửi giấy báo nhận bưu phẩm đến lần thứ ba mới đến nhận. Rất may, nếu bưu phẩm trả lại người gửi thì... Tôi bỗng nhớ lại câu chuyện anh Nguyễn Văn Thục - anh ruột liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc kể và cách xử sự thật thông minh. Nhận bưu phẩm, anh trai là người đầu tiên đọc những trang ghi chép của cậu em trai. Đọc trọn phần ghi chép, anh Thục hiểu Như Anh chính mới là chủ nhân là của cuốn sổ thiêng liêng này và mới xứng đáng giữ kỷ vật thiêng liêng này.
Cầm trên tay toàn bộ số thư anh Nguyễn Văn Thạc, tôi mới tin nhà thơ Đặng Vương Hưng đã không quá lời khi thật có lý khi nhận xét về viết thư thì một kỷ lục được xác lập khi chưa có ai phá nổi anh sinh viên Khoa Toán cơ Nguyễn Văn Thạc “Chỉ riêng với một người bạn gái, trong 4 tháng anh viết cho cô tới… 500 trang thư, có thư dày tới… 54 trang”.
Bất giác ấp một lá thư lên ngực, rồi chị đưa tôi xem bức thư đặc biệt thất lạc 33 năm của anh.
“Em biết không, đây là lá thư truân chuyên nhất trong hàng trăm bức thư anh Thạc viết cho chị. Nó thiêng lắm, diệu kỳ lắm em ơi, vì sau 33 năm lá thư mới đến tay người nhận” - chị Như Anh chậm rãi kể - “Bức thư anh Thạc viết đề ngày 30/5/1972, nhưng đến năm 2005, chị mới nhận được. Thời điểm ấy (1972) chị đang học ở Liên Xô. Anh Thạc ở chiến trường. Bức thư gửi đến địa chỉ gia đình chị. Em gái chị nhận được đã cài vào một quyển truyện. Tình cờ, chị Nguyễn Kim Ngọc, người quen của gia đình, sinh viên Y khoa mượn cuốn sách đó và đọc bức thư. Càng đọc, chị Kim Ngọc càng xúc động và gìn giữ bức thư như một báu vật thiêng liêng. Đến khi đọc nhật ký Chuyện đời (năm 2005), bác sĩ Kim Ngọc mới biết anh Nguyễn Văn Thạc đã hy sinh. Vào tháng 7/2005, bác sĩ Kim Ngọc đã trao bức thư đó cho chị”.
Thế là bức thư có một cuộc hành trình suốt 33 năm mới về tay chủ nhân của nó. Chạm mắt vào những dòng chữ nồng nàn yêu thương trong bức thư lưu lạc ly kỳ 33 năm, tôi thực sự xúc động: “Nếu như số phận không cho Như Anh gặp Thạc, thì Như Anh hãy tin rằng Thạc mang Như Anh trong tim theo suốt cuộc đời này... Thạc sẽ sống vĩnh viễn... dù trong giây lát... Như Anh ơi, Thạc sống nhé, sống vĩnh viễn và vĩnh viễn là của Như Anh (nếu Như Anh muốn) vĩnh viễn là của riêng Như Anh (nếu Như Anh muốn)...”.
Chị đưa tôi xem những dòng chữ run rẩy, tràn nhòa nước mắt loang lổ không đọc nổi khi biết tin anh hy sinh…
3. Cô chủ quán cà phê đường Nguyễn Du mở ca khúc Đêm trắng (thơ Nguyễn Văn Thạc, nhạc Nguyễn Thụy Kha) nghẹn thắt nỗi nhớ tràn trào, rồi đến Màu tím hoa mua da diết một tình yêu chớm hé trong xa cách ngàn trùng. Màu tím hoa mua được phổ nhạc từ bài thơ của anh do ca sĩ Lê Anh Dũng thể hiện. Tôi đã nghe ca khúc này từ chính Anh Tuấn – bạn học cùng lớp K15 Khoa Toán cơ, trường Đại học Tổng hợp với anh Thạc. Đọc bài thơ Màu tím hoa mua trong một đêm trắng tháng 9/2005, Tuấn đã phổ thành ca khúc cùng tên. Giai điệu du dương, trữ tình day dứt tâm trạng hồn hậu của anh bộ đội nhớ người yêu bắt gặp màu hoa mua tím trên chặng đường hành quân qua tuyến lửa Quảng Bình:
Cứ mỗi lần hành quân qua đây
Lòng tôi lại nhớ em da diết
Màu tím hoa mua chẳng phải chưa hề biết
Nhưng đến giờ tôi mới hiểu màu hoa…
Tôi đã đi rất xa em rồi
Chẳng dễ về thăm em trong phố nhỏ
E ấp cánh hoa mua vào trong sổ
Tím lòng mình và tím cả lòng em…
Kỷ vật là kỷ niệm của riêng họ, là tình cảm của riêng hai người với những cung bậc nhớ thương vời vợi. Kỷ vật là vật thiêng có ý nghĩa lớn lao cho tình yêu chớm hé. Đúng là kỷ niệm có chủ nhân sở hữu là anh Thạc, chị Như Anh, nhưng nó không còn là chuyện của hai người, kỷ vật của đôi bạn Trường cấp 3 Yên Hòa B mà nó đã trở thành nỗi niềm, cảnh ngộ, ký thác câu chuyện tình yêu của bao đôi lứa thời kháng chiến chống Mỹ. Cái hương hoa bưởi cứ “thơm cho lòng bối rối” (Hương thầm - Phan Thị Thanh Nhàn); cái “màu đỏ như cái màu đỏ ấy” trong Cuộc chia ly màu đỏ (Nguyễn Mỹ)… đã đi theo người lính suốt chặng đường hành quân và chính tình yêu đã làm nên điều kỳ diệu, làm nguồn mạch cho “sự sống tươi nguyên” như chính chuyện tình yêu của nhà thơ Hồ Ngọc Sơn với người bạn đời của mình gửi gắm trong bài thơ Tình em:
Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi?
Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống…
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng