Nhận phong bao lì xì từ cả bà nội và bà ngoại, con gái tôi hồn nhiên nói 1 câu khiến hai bên họ hàng ngượng chín mặt
Tết đến xuân về là dịp gia đình, người thân sum vầy. Chúng ta ngồi bên nhau để trò chuyện về một năm đã qua và gửi những lời chúc tụng cầu mong một năm mới tốt lành. Với trẻ nhỏ, đây là khoảng thời gian vui nhất năm, vì các em được mặc quần áo mới, ăn nhiều món ngon, rồi còn được nhận tiền mừng tuổi.
Tuy nhiên, dịp vui này sẽ trở nên kém vui nếu như người lớn không dạy dỗ thật kỹ cho trẻ về những phong tục ngày Tết, đặc biệt là ý nghĩa tục lì xì. Chẳng hạn như câu chuyện mà gia đình chị H. (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã gặp phải ngay trong ngày mùng 1 Tết.
Cả nhà chị H. và nhà chồng đều ở Hà Nội, nhưng nhà ngoại gần hơn nên Tết nào vợ chồng chị H. cũng đưa con về nhà ngoại rồi mới đến chúc Tết nhà nội. Mấy năm trước, con gái 6 tuổi của chị H. còn nhỏ nên tiền mừng tuổi đều do bố mẹ giữ. Năm nay, con đã lớn nên chị H. quyết định cho con tự cầm, bố mẹ sẽ hướng dẫn cách tiết kiệm, chi tiêu sau.
Lúc sang nhà nội, khi vợ chồng chị đang ngồi nói chuyện với bố mẹ và họ hàng thì con gái từ phòng trong chạy ra, cầm trên tay cả phong bao lì xì của bà nội, bà ngoại rồi hồn nhiên bảo mẹ: "Cái này đẹp hơn (phong bao của bà nội) nhưng ít tiền, cái này xấu hơn (phong bao của bà ngoại) nhưng nhiều tiền".
Câu nói của con khiến chị H. tái mặt, họ hàng cười ngượng, còn bà nội thì mặt đỏ bừng, ánh mắt thấy rõ sự tủi thân. Vốn dĩ nhà ngoại chị có điều kiện hơn nên thường mừng tuổi cháu đến 500k, còn nhà nội, ông bà không khá giả nên chỉ mừng cháu 100k. Chị H. chưa bao giờ để ý điều này, ai ngờ con gái lại hồn nhiên như thế.
"Tôi chỉ sợ mẹ chồng suy nghĩ, tưởng mình mượn lời cháu để chê bà không hào phóng", chị H. tâm sự.
"Văn hóa nhận lì xì" - Chuyện cũ nhưng chưa bao giờ hết hot
Lì xì là phong tục có từ rất lâu đời của người Á Đông, tượng trưng cho sự may mắn và tài lộc. Người lớn tặng lì xì cho trẻ với mong muốn trẻ chóng lớn và khỏe mạnh hơn.
Phong bao lì xì mang rất nhiều ý nghĩa sâu xa và tốt đẹp. Phong bao là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích không đáng có. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn.
Số tiền trong mỗi bao lì xì dù ít hay nhiều đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, có ý nghĩa biểu trưng cho một năm mới tốt đẹp và sung túc. Ý nghĩa của một chiếc bao lì xì không nằm ở số lượng là bao nhiêu mà chính là ở những thông điệp mà nó muốn gửi gắm tới người được nhận.
Để tránh rơi vào những tình huống trớ trêu như chị H., cha mẹ cần dạy con thật kỹ về ý nghĩa của phong bao lì xì như trên.
Sau khi đã dạy con biết được ý nghĩa tục lì xì ngày Tết, bố mẹ cần dạy con cách ứng xử đúng đắn. Khi được lì xì, trẻ cần phải thể hiện sự biết ơn và lễ phép, đưa 2 tay ra nhận, sau đó nói lời cảm ơn. Cha mẹ có thể làm mẫu để trẻ tập theo những động tác đơn giản như đưa hai tay nhận lấy, khoanh tay nói lời cám ơn, gửi lời chúc sức khỏe, may mắn… Một đứa trẻ ngoan, biết cảm ơn chắc chắn sẽ khiến người lớn cảm thấy vui vẻ trong những ngày đầu xuân năm mới.
- Dạy trẻ tuyệt đối không mở phong bao lì xì trước mặt khách
Trẻ nhỏ vì tò mò nên nhiều khi vô tư mở phong bao lì xì trước mặt. Không chỉ vậy nhiều trẻ còn ngơ ngác hỏi: "Sao chú/bác mừng ít thế?". Hành động xấu này chắc chắn sẽ làm cho khách cảm thấy khó chịu.
Cha mẹ có thể dặn con là những đồng tiền này dùng để xua đuổi quỷ dữ khi con ngủ. Vì thế, con tuyệt đối không được xé bọc lì xì ra. Con có thể gửi mẹ cầm giúp hoặc cha mẹ chuẩn bị cho con một chiếc túi nhỏ để đựng phong bao lì xì. Khi trở về nhà, con cần cho tất cả những phong bao đó vào trong một chiếc túi và đặt dưới gối ngủ của con.
Quan trọng nhất, cha mẹ cần nhắc nhở con lì xì là phong tục tốt đẹp. Thứ quan trọng nhất là tấm lòng của người lớn, không phải số tiền ít/nhiều bên trong.