Nhận nhiều phản ánh giá thành không xứng với chất lượng, Tà Xùa đang dần đánh mất vị thế thiên đường săn mây "quốc dân"?
“Mình sẽ không trở lại Tà Xùa nữa?”, thấy dòng mở đầu này, hẳn nhiều người cũng phần nào hình dung được sau đó sẽ không phải là một bài viết ca ngợi tích cực về trải nghiệm du lịch ở Tà Xùa.
Thực ra, chuyện du khách phản ánh về dịch vụ du lịch ở một nơi nào đó không phải là điều mới lạ, song, mỗi lần như vậy là một lần để những người “đam mê xê dịch”, yêu du lịch cùng ngồi xuống nhìn nhận và đánh giá.
Blogger du lịch lên tiếng
Những tháng đầu năm 2023, Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La) luôn lọt vào top những địa điểm vùng núi phía Bắc được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội. Trong các hội nhóm, người người, nhà nhà xin, hỏi và chia sẻ kinh nghiệm du lịch. Du khách tới đây cũng có đa dạng các trải nghiệm, đi xe thong dong, ngồi cafe săn mây, nghỉ dưỡng, ngắm cảnh cũng được, mà lên tham gia trekking ở các cung đường cũng không quá khó khăn.
Đến nay, trào lưu lên Tà Xùa vẫn đang phủ sóng cõi mạng, song đi kèm với đó đã xuất hiện một số ý kiến trái chiều. Đỉnh điểm chính là bài viết trên trang fanpage của một blogger sở hữu 11 ngàn lượt thích và 47 ngàn follower, cũng là người với câu nói được nhắc đến ở phần mở đầu.
Theo như chia sẻ, nam blogger đã đến Tà Xùa 3 lần, anh thừa nhận nơi đây rất đẹp, đặc biệt vào mùa xuân, “những bản làng được khoác lên một chiếc áo mới rực rỡ, đẹp một cách kiêu hãnh bởi hoa đào”. Thế nhưng, trong cả 3 chuyến đi, anh đều gặp những trải nghiệm không đáng có về dịch vụ.
“Mình đến đây lần đầu vào cuối năm 2021, mọi thứ rất tuyệt vời chỉ có duy nhất về vụ phòng ốc. Nhưng rồi một năm sau, Tà Xùa thay đổi như vũ bão, hot lên nhờ MXH và chất lượng dịch vụ ngày càng đi xuống”, nam blogger viết.
Đồng thời, anh chàng đã chỉ ra 3 điều tưởng chừng như cơ bản nhưng lại bất cập nhất trong dịch vụ du lịch ở Tà Xùa: phòng nghỉ, nhà hàng, phương tiện di chuyển.
Thứ nhất, phòng ở Tà Xùa “ngáo giá”, bán quá đắt, giá gấp đôi và gấp 3 so với các địa điểm khác. Đổi lại, cung cách phục vụ không như mong đợi. “Độc lạ ở chỗ bán phòng giá cuối tuần, chưa thấy nơi nào bán phòng tính giá cuối tuần cho cả 3 đêm thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật, một điều hết sức vô lý!”. Chưa kể, cách giải quyết của nhân viên homestay về giấy tờ tùy thân của khách cũng chưa thỏa đáng.
Thứ hai, về hàng quán ăn uống: “Quán ăn trên Tà Xùa hiếm có nơi nào bán ngon, đã thế còn giá trên trời. Mình đã từng sốc vì một lon nước giá 35.000đ, mâm nướng 4 người gần 800.000đ trong khi nơi khác chắc chỉ 500.000đ - 600.000đ”.
Thứ ba, về dịch vụ đi lại: “Xe thì chạy không có lịch trình cố định, hẹn giờ này nhưng đón khá muộn. Lần 2 mình đợi 1.5 tiếng, lần 3 đợi 2 tiếng mới được tài xế đón. Thuê xe máy thì có lúc không có mũ bảo hiểm, đi đường đèo và hay sương mù thì thứ cần nhất lại không có”.
Nhiều ý kiến đồng tình
Ở phần bình luận dưới bài viết, không ít tài khoản đồng tình với chia sẻ của nam blogger và kể lại những thứ không hay của họ ở Tà Xùa.
“Em cũng mới đi, phòng cho 2 người giá 500.000đ, nhà vệ sinh ở ngoài, trong phòng chỉ có 1 chiếc giường và cái kệ gỗ cũ, cửa kéo ra đóng vào rất ồn. Nồi lẩu cho 2 người giá 500.000đ. Thuê xe máy 2 tiếng 100.000đ không kèm xăng. Đi một lần cho biết chứ không có lần hai.”
“Homestay mình ở, hình ảnh lúc tư vấn book phòng và ảnh thực tế rất khác nhau. Và phòng khi nhận không hề được dọn dẹp.”
“Nhà mình đi du lịch Tà Xùa ngày mùng 4 tết vừa rồi, chủ nhà trọ bảo để xe ô tô bên ngoài yên tâm, ko mất mát gì. Sáng ra yên tâm trả phòng lấy xe đi, đến trưa phát hiện mất cả 4 cái nắp chân van xe ô tô. Việc rất nhỏ nhưng rất bực mình! Ngay đầu năm!”
“Không chỉ Tà Xùa, một số nơi ở vùng Đông - Tây Bắc khác giá phòng cũng đắt hơn mặt bằng chung 200.000đ - 300.000đ”.
“Anh này đi có mây, có đào đẹp mà còn chán, mình đi vừa mưa, không có mây, phòng lại đắt giật mình, trong phòng thì có mùi lạ, ăn cũng ba chấm… Chỉ có cảnh đẹp của thiên nhiên núi rừng làm mình ấn tượng”.
Bên cạnh đó, có những bình luận nêu quan điểm khách quan hơn trước phản ánh gay gắt của mọi người về chất lượng dịch vụ ở Tà Xùa.
“Ảnh lên facebook còn kéo màu ầm ĩ cơ mà, mọi thứ đều có cái giá của nó, quảng cáo phông bạt hấp dẫn người đến thì đi kèm với dịch vụ tệ, Tà Xùa phát triển quá nhanh và phục vụ lợi ích thiểu số, không phải phát triển bền vững. Nó cũng là thiên đường đã mất trong mắt mình, rác thải, xây dựng ồ ạt, phá cảnh quan. Nhưng mình thấy bài review đang mang lại thiên hướng tiêu cực quá, làm mất đi nhiều tính thuyết phục. Mình cũng mong tương lai Tà Xùa sẽ khác, ít nhất không phải như bây giờ”, một tài khoản viết.
Còn với Ngô Xuân, người vừa “bắt trend” đi Tà Xùa: “Mình không ăn nhiều tại đây vì mang theo đồ ăn lên, nhưng những quán mình được mọi người gợi ý hay bắt gặp rồi tới ăn đều không gặp tình trạng đội giá. Quán bún chả ở đối diện homestay của mình bán 30.000đ/bát, là bún chả chan, vị không giống dưới này nhưng không hề dở. Còn lúc đi ăn lẩu, mình ghép nhóm với mấy bạn nữa, lúc chia ra vẫn bằng mình đi ăn ở Hà Nội”.
Những người làm dịch vụ ở Tà Xùa nói gì?
Nhìn vào thực tế, Tà Xùa không thể nào so sánh với những địa điểm du lịch khác như SaPa hay Tam Đảo được bởi chỉ mới được chú ý một vài năm. Hiện tại, ở đây mới lác đác 1, 2 resort, nhà nghỉ và loại hình phổ biến nhất là homestay. Chia sẻ với những trải nghiệm không tốt về dịch vụ phòng nghỉ của một số du khách, anh T.T.Q, đại điện của 1941M Homestay cho biết:
“Đúng là giá cả ở Tà Xùa đang rất cao, giá phòng nhà mình cũng thuộc hàng top ở đây. Ngoài nguyên nhân là vùng du lịch hot ra cũng như các địa điểm vùng cao khác, do vị trí xa xôi, quá trình vận hành, xây dựng khó khăn, giá thuê bất động sản cao. Trong khi ấy, khách chỉ tập trung vào cuối tuần, lễ tết, còn ngày thường lại vắng vẻ”.
Để bù lại cho phần cơ sở vật chất thiếu tiện nghi, những người làm homestay như anh Q. đã dồn tâm sức cho các góc trang trí để không chỉ đẹp khi lên hình mà chính các vị khách cũng cảm nhận được ngay tại đây. Ngoài ra còn đầu tư vào chất lượng đồ ăn và những thứ như dầu gội sữa tắm từ thiên nhiên, chăn ga thổ cẩm, đồ uống nhà làm.
“Căn bếp là thứ chúng mình chăm chút nhất. Nhà mình không dùng hạt nêm, bột ngọt, chỉ dùng nước mắm truyền thống, dầu lạc tự ép và mỡ lợn bản. Có lẽ 1941M là homestay hiếm hoi cung cấp gà bản, lợn bản trong các bữa ăn của du khách. Cũng có vài khách có trải nghiệm không vui nhưng mình tự hào nói rằng chưa có khách nào phải ấm ức khi tạm biệt”, anh Q. nói.
1941M Homestay không có cơ sở vật chất tốt nhất nhưng luôn cố gắng bù đắp bằng cách phục vụ, chiều lòng du khách.
Phục vụ du khách đi tour đã nhiều năm, Bích Huệ đưa ra một số lý giải với mong muốn mọi người sẽ nhìn du lịch Tà Xùa một cách tổng thể hơn. Theo chị, ở Tà Xùa chủ yếu là người Mông sinh sống, cách ăn uống của họ đơn giản, dường như cái gì có thể luộc là họ sẽ luộc hết.
“Lên đây các bạn đừng bao giờ gọi hải sản vì chắc chắn đều là hàng đông lạnh, hãy ăn gà đen, cá tầm. Còn không thể so với dưới xuôi vì thực phẩm trên này không có quá nhiều, dù nhập được từ nơi khác thì chi phí cũng rất cao”.
Về xe cộ, có người so sánh rằng tại sao SaPa vẫn đi được xe "tình yêu" sang - xịn - mịn, chị Huệ lý giải:
“Mình cũng từng thắc mắc như mọi người và cho đến khi trực tiếp trải nghiệm phượt xe máy ở đoạn đường từ Bắc Yên lên Tà Xùa. Đường đã sửa nhưng nhiều khúc cua nhỏ, xe cabin khó có thể di chuyển lên. Xe giường nằm thì chỉ có đi đêm, trước kia xe 2 tầng vẫn được phép đi, nhưng vì tình trạng sạt lở, các xe to như vậy không đủ an toàn nên mới phải dừng lại ở Bắc Yên rồi có xe trung chuyển lên. Nhưng việc nhồi nhét khách là có thật, hiện tình trạng này đang dần được cải thiện rồi”.