Nhận định bóng đá Hà Nội vs HAGL: Cuộc hẹn thượng đỉnh… 20 năm
(Thethaovanhoa.vn) - Khó có thể nhớ được lần gần nhất mà Hà Nội FC đối đầu với HAGL trên tư cách 2 ứng cử viên vô địch là khi nào, dù suốt 20 năm lịch sử của V-League đã không ít lần người ta đợi chờ điều này xảy ra để trả lời cho câu hỏi: Bầu Hiển hay bầu Đức mới là người thành công với bóng đá.
Giống và khác nhau
Thời điểm mà bầu Hiển mới bắt đầu làm bóng đá chuyên nghiệp thì bầu Đức đã khánh thành Học viện HAGL Arsenal JMG, tức là ở giai đoạn phát triển cao nhất mà một CLB bóng đá tại Việt Nam từng làm được cho đến tận bây giờ. Tầm nhìn và tham vọng của bầu Đức khi đó đã vượt xa so với mặt bằng chung của V-League, và tất nhiên, lúc ấy chưa ai biết gì về bầu Hiển.
Nên chẳng có gì ngạc nhiên khi Hà Nội T&T gần như copy công thức thành công của HAGL giai đoạn đầu, tức là tập hợp nhiều cầu thủ ngôi sao ở nơi khác về để gặt hái thành công nhanh đến mức có thể. Tuy nhiên, nếu HAGL vô địch ngay năm đầu tiên góp mặt tại V-League thì Hà Nội T&T lại thất bại, phải đến mùa thứ 2, sau khi đã tăng cường thêm lực lượng, họ mới đăng quang ở V-League 2010. Nhưng ngay trận đấu cuối cùng của mùa giải đó, khi đến sân Pleiku với tư cách “tân vương”, Hà Nội T&T đã nhận thất bại muối mặt 1-4 trong ngày vui. Đó là sự kiện mà thời điểm đó người ta tin rằng nếu có thành công thì Hà Nội T&T cũng chỉ là một phiên bản lỗi của HAGL mà thôi. Điều này được chứng minh ở lần vô địch thứ 2 của Hà Nội T&T mùa 2013, khi đó HAGL chỉ kém đội bóng Thủ đô 3 điểm trên bảng xếp hạng và 2 lần đối đầu trong mùa giải đó, HAGL thắng 1 hòa 1.
Tất nhiên, ở thời điểm hiện nay, mọi thứ đã rất rõ ràng. Hà Nội T&T (Hà Nội FC) đang là đội bóng thành công nhất V-League với 5 danh hiệu vô địch. Họ không cần phải nhìn lại quá khứ để “hơn thua” với HAGL. Nhưng có một sự thật là giữa 2 đội bóng này vẫn còn thiếu một trận đấu, một mùa giải để thực sự trở thành “kỳ phùng địch thủ” của nhau.
Mọi thứ xuất phát từ lứa cầu thủ khóa đầu tiên Học viện HAGL Arsenal JMG. Từ năm 2015 đến nay, dù không có thành tích nổi bật, nhiều thời điểm còn đối diện nguy cơ xuống hạng, nhưng HAGL vẫn là đội bóng được hâm mộ nhất Việt Nam, điều mà chính Hà Nội FC cũng không thể làm được.
Trong 10 trận đấu đông khán giả nhất sân Hàng Đẫy khi Hà Nội FC thi đấu, thì chắc chắn không dưới 7 trận xuất hiện HAGL. Điều này có nghĩa, dù thành tích của Hà Nội FC có vượt trội thì họ vẫn không phải là đội có lượng người xem nhiều nhất V-League.
Tương tự như chuyện Hà Nội FC đóng góp nhiều “quân” nhất cho đội tuyển quốc gia, nhưng HAGL vẫn luôn là đội cung cấp cầu thủ đứng thứ 2 với mức chênh lệch rất nhỏ.
Cuộc hẹn 20 năm
Do không cùng thời điểm bắt đầu, nên giữa HAGL và Hà Nội FC có khá ít thời gian để xem nhau là đối thủ cạnh tranh chức vô địch. Mùa gần nhất là HAGL đua vô địch là vào năm 2013, nhưng kỳ thực, năm đó lực lượng HAGL không quá mạnh, vị trí thứ 3 mùa đó được xem là bất ngờ lớn với đội của bầu Đức. Hơn nữa, “những đứa trẻ bầu Đức” cũng chưa xuất hiện. Đối thủ của Hà Nội T&T khi đó là Bình Dương và SHB Đà Nẵng.
Mùa trước, khi HAGL thực sự tạo ra được dấu ấn về thành tích với sự có mặt của HLV Kiatisuk cũng như tập hợp đầy đủ dàn cầu thủ khóa 1 Học viện, thì bất ngờ Hà Nội FC không giữ được sức mạnh của mình. Đó là năm yếu kém nhất của đội bóng Thủ đô, nếu giải đấu không bị hủy ở vòng 12 thì chưa biết chừng Hà Nội FC còn rơi vào nhóm đá play-off trụ hạng. HAGL lỡ một danh hiệu còn V-League thì mất đi cuộc hò hẹn đỉnh cao.
Chính vì thế mà trận đấu tại sân Hàng Đẫy vào Chủ nhật này trở nên đặc biệt khi 2 đội đang ở vị trí đầu bảng, đều sẵn sàng để đua tranh vô địch đến cùng và họ đang có phong độ tốt. Đội bóng nào thắng trong trận này, hẳn nhiên sẽ được xếp vào vị trí số 1 trong cuộc đua vô địch, nhất là ở mùa giải mà không có nhiều đội bóng chơi tốt hơn họ.
Điều thú vị là cả bầu Đức lẫn bầu Hiển ở thời điểm này đều đã “nghỉ ngơi” để tận hưởng bóng đá một cách trọn vẹn. Họ đã có những cách làm bóng đá khác nhau, nhưng điểm chung là sau bao nhiêu năm, chẳng có ông bầu nào ở Việt Nam vượt qua được cái bóng của họ và giữ nguyên được cảm xúc bóng đá như ngày đầu.
HAGL theo đuổi chiến lược học viện đào tạo, còn Hà Nội FC lại làm bóng đá trẻ theo mô-týp hiện đại, phát triển các tuyến trẻ để tạo ra sự kế thừa liên tục theo kiểu sàng lọc nhân tài. Về lý thuyết, họ đều thành công khi đóng góp nhiều nhất nguồn nhân lực cho đội tuyển quốc gia. Chỉ có điều, bầu Hiển thành công về mặt thành tích, còn bầu Đức lại giữ nguyên quan điểm không xem danh hiệu là thước đo.
Với những gì đã sau gần 15 năm làm bóng đá, nếu hỏi bầu Hiển muốn điều gì đặc biệt này, có lẽ cũng chỉ là một trận đấu “hơn thua” với HAGL, khi đối thủ được xem là mạnh nhất. Còn với bầu Đức, thì chắc chắn là ông sẽ muốn có một chức vô địch đúng dịp kỷ niệm 20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp. Và điều đó sẽ không thể tuyệt vời hơn bằng chính việc đánh bại rồi vượt qua sự thống trị của Hà Nội FC.
Long Khang