Nhân 'Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi': Viết cho trẻ em khó hay dễ?
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/1/2022 vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã có một sự kiện lớn: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự Lễ Phát động “Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi và Trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất”.
Được vinh dự có mặt trong sự kiện này, là một người đã sống với phong trào văn học thiếu nhi nhiều năm qua, tôi xin có vài lời tâm sự cùng các bạn trẻ đang đi vào văn học thiếu nhi hiện nay.
Gần đây tôi có đọc lại một bài báo của nhà thơ Định Hải đã in ở báo Văn nghệ năm 1982. Khi bàn về thơ thiếu nhi, ông có viết: “Làm thơ thiếu nhi chỉ có thể thành công bằng con đường hóa thân thành các em.Ngoài ra, khi ta đứng ở cương vị người lớn để nói với các em, hoặc cảm nghĩ và làm thơ về các em thì đó không phải là thơ thiếu nhi…”.
Nhà thơ Định Hải (tên thật là Nguyễn Biểu sinh năm 1937) có tập thơ đầu tiên Chồng nụ chồng hoa (1970) khi ấy ông 33 tuổi. Nhà thơ Phạm Hổ (1926-2007) có bài thơ thiếu nhi đầu tiên Chú bò tìm bạn (1957) khi đó ông 31 tuổi. Nhà thơ Võ Quảng (1920-2007) có bài thơ thiếu nhi đầu tiên Gà mái hoa (1957) khi ấy ông 37 tuổi.
Như vậy cả 3 nhà thơ- những người khơi mở dòng thơ thiếu nhi Việt Nam đều làm thơ cho thiếu nhi khi đã là người trưởng thành. Các ông khác với nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa làm thơ ở tuổi thiếu nhi (6 tuổi đến 15 tuổi). Nhà thơ Định Hải cùng với nhà thơ Võ Quảng, nhà thơ Phạm Hổ đều “thành công bằng con đường hóa thân thành các (trẻ) em”, để có những bài thơ thiếu nhi để đời như Ai dậy sớm (Võ Quảng); Đàn gà con (Phạm Hổ) Trái đất này là của chúng mình (Định Hải).
Như vậy toàn bộ việc “khó hay dễ” trong khi viết cho trẻ em đều ở chỗ “hóa thân thành trẻ em” như thế nào. Khi hóa thân để viết cho trẻ em không phải là cách giả vờ ngây thơ theo kiểu bắt chước giọng trẻ con để mua vui dễ dãi và hời hợt. Sự ngây thơ của nhà văn viết cho trẻ em là sự “ngây thơ” của người từng trải.
Nữ sĩ Xuân Quỳnh(1942-1988) sau khi đã trải qua những sóng gió của tình yêu, sau khi đã là mẹ của 3 đứa con đã trở về với sự trong trẻo thơ ngây. Xuân Quỳnh đã hóa trẻ thơ trong những bài Bầu trời trong quả trứng. Nhà thơ đã biến thành một “lòng đỏ trứng gà”, “một bào thai” để tưởng tượng ra sự ra đời của mình. Từ việc ngủ yên ổn trong quả trứng-Lòng mẹ “Không có gió có nắng/ không có lắm sắc mầu…”,chú gà con biết đập vỡ vỏ trứng và bước ra đời với gió lộng, nắng reo, con cắt, con diều, có bão có mưa, có no có đói…Khi ấy giữa đói rét lo sợ có lúc chú gà con nghĩ: Sao không quay lại cái vỏ trứng đó? Để rồi lại nhận ra rằng: “Tôi ngày nay đã lớn/Tôi ngồi trong chắc chật”…Kết thúc bài thơ, Xuân Quỳnh đã để cho chú gà con ngẩng đầu nói với trời xanh: “Này trời xanh tôi ở/ Biết rằng tôi lớn khôn”. Bài thơ có lối nói ngây thơ, cách nghĩ trẻ thơ mà thấm sâu một triết lý dấn thân, biết là khổ và biết tự giải thoát! Đó là sự “ngây thơ sáng suốt” mà nhà thơ người mẹ mong muốn nói với con.
Nhà thơ Huy Cận (1919-2005) là tác giả những tập thơ Lửa thiêng (1940); Vũ trụ ca (1942). Ông có những câu thơ bày tỏ những cảm xúc lãng mạn vô bờ bến như trong bài Vạn lý tình: “Tương tư đôi chốn tình ngàn dặm/ Vạn lý sầu lên núi tiếp mây…!”. Năm 1967, giữa lúc chiến tranh ác liệt, Huy Cận đã cho ra mắt tập thơ thiếu nhi Hai bàn tay em. Khi ấy nhà thơ đã vào tuổi 48, ông đã hóa thân thành một cô bé lên 9 lên 10 để trò chuyện với bàn tay của mình trong bài thơ này. Có lẽ nhiều người thường cho rằng thơ thiếu nhi chỉ nói chuyện vui vẻ, không có chuyện buồn. Nhà thơ Huy Cận lại biết nói ra được cái buồn trẻ con trong một khổ thơ xinh xắn và tinh tế: "Những lúc em buồn/ Tay ôm má phịu/ Em yêu bàn tay/ Cái gì cũng hiểu”.
4 câu thơ nho nhỏ đã chia sẻ tình cảm với trẻ thơ và lại nói với người lớn rằng: Trẻ em có những tâm tư vui buồn mà người lớn chưa biết, chưa hiểu. Các em ấy chỉ chia sẻ với bàn tay của mình thôi. Trẻ em đọc những câu thơ ấy thích lắm!
Các nhà thơ lớn với tình yêu con trẻ đã có thể hóa thân vào trẻ em để nghĩ như trẻ em, nói như trẻ em mà lại truyền cảm cho trẻ em những điều sâu xa về cuộc sống và con người thấm thía trong những câu chữ tình cảm nhẹ nhàng.
Không chỉ trong thơ, trong văn xuôi các nhà văn cũng đã hóa thân thành trẻ con. Nhà văn Đoàn Giỏi (1925-1989) viết tác phẩm Đất rừng phương Nam (1957) khi ông 32 tuổi. Trong Đất rừng phương nam, Đoàn Giỏi đã hóa thân vào nhân vật chú bé An. Cuộc kháng chiến bùng nổ, An đã bị lạc gia đình rồi phiêu dạt theo dòng sông qua những xóm chợ vùng quê, quán rượu… và lưu lạc vào đất rừng phương Nam tới tận Cà Mau…
Tác phẩm Đất rừng phương Nam là một tác phẩm viết về thân phận trẻ em trong chiến tranh. Nhà văn Đoàn Giỏi đã viết về cuộc kháng chiến từ góc độ thân phận của một em bé. Khi đọc Đất rừng phương Nam theo bước đường phiêu lưu của An, tôi đã được gặp Ông già bắt rắn rồi chú Võ Tòng, những nhân vật người Nam bộ nghĩa hiệp hào sảng nổi bật trong thiên nhiên hoang sơ, bí ẩn.
- Sáng tác văn học - gieo hạt giống nhân ái và cái đẹp vào tâm hồn trẻ
- 'Văn học phải hun đúc ý chí, nghị lực vươn lên của thế hệ trẻ'
- Văn học Việt Nam năm 2021 nhìn lại: Từ 'đại tự sự' Covid-19 đến văn học thiếu nhi
Ông già bắt rắn đã cưu mang chú bé An.Ông cùng với chú Võ Tòng khiến chú bé An yêu quý hâm mộ. Có thể nói rằng cuốn Đất rừng phương Nam không chỉ có nhân vật chú bé An được yêu quý mà còn những nhân vật Ông già bắt rắn, chú Võ Tòng cùng thiên nhiên đất rừng phương Nam đã làm nên sự thành công của cuốn sách. Tôi liên tưởng đến tác phẩm Không gia đình của Hector Malot bên cạnh nhân vật chú bé Rémi là nhân vật cụ Vitalis - người chủ gánh xiếc rong. Cụ Vitalis là người cưu mang chú bé mồ côi Rê-mi không nơi nương tựa rồi đưa Rê-mi vào một cuộc hành trình mưu sinh đi khắp nước Pháp. Có thể nói rằng Rê-mi nhờ cụ Vitalis mà nên người. Cụ Vitalis là nhân vật đã làm nên sự thành công của danh tác Không gia đình.
Như vậy viết cho thiếu nhi, tác giả không chỉ “hóa thân” trọn vẹn vào trẻ em với những suy nghĩ ngây thơ đúng với tâm sinh lý của lứa tuổi. Viết cho thiếu nhi tác giả còn “hiện thân” thành các nhân vật người lớn thiện lành, đồng hành với tuổi thơ, dẫn dắt tuổi thơ qua những nỗi khổ của thân phận làm người.
Trong thơ, nhân vật người lớn ẩn trong giọng điệu và hình tượng thơ. Trong Hai bàn tay em, trong Bầu trời trong quả trứng và trong Bài ca trái đất các nhà thơ Huy Cận, Xuân Quỳnh và Định Hải đều thể hiện cái tôi người lớn của mình ẩn trong hình tượng Hai bàn tay, trong hình tượng Bầu trời và trong hình tượng Trái đất.
Nhà văn Lê Phương Liên