Thùy Chi được nhiều với 'Hơn em chỗ nào'
Hơn em chỗ nào là MV mới của nữ ca sĩ Thùy Chi hợp tác với ViruSs. Được phát hành vào ngày 5/12/2022 trên kênh YouTube Thùy Chi Official với 847 nghìn subscribers, tính tới thời điểm cuối ngày 6/2, sau hơn 2 tháng, MV đạt xấp xỉ 3,55 triệu views.
Trước đó, sau khi phát hành chừng một1 tháng Hơn em chỗ nào đã từng đứng vị trí số 2 rồi số 1 trending thịnh hành YouTube.
Dẫu được đón nhận trên kênh YouTube nhưng Hơn em chỗ nào chưa thấy xuất hiện trong cả 3 bảng xếp hạng âm nhạc mà chuyên mục thường xuyên tham khảo như BXH Billboard Vietnam Top Vietnamese Songs, Zingchart và nhac.vn.
Một ca khúc "bắt tai"…
Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với ca khúc Hơn em chỗ nào. Trong khi, nếu chỉ nhìn vào cái tên, đã thấy nó đánh trúng tâm lý của khán giả.
Hơn em chỗ nào là một bản ballad có giai điệu đẹp, mở đầu bằng tiếng đàn piano đệm cho nét giai điệu mang tính tự sự: "Tự dưng nghĩ hay lỗi do mình vội đi/ Giá như chậm hơn chẳng lỡ buông lời/ Với tình yêu mình sẽ bớt buồn hơn". Câu tiếp theo, vẫn duy trì tiếng đàn piano đệm cho giọng hát như ở câu đầu tiên: "Tại đôi khi em chẳng thể hiểu được anh/ Trái tim này bên anh chăm sóc chữa lành/ Điều gì đã khiến anh vứt bỏ đi hết".
Ở đoạn nhạc thứ 2 cũng là điệp khúc, tính tự sự vẫn là nét chủ đạo nhưng có sự phát triển trong giai điệu và trong cách thể hiện, đồng thời có sự xuất hiện thêm đàn dây. Đoạn nhạc này cũng gồm có 2 câu: "Phải chăng rằng người ta tốt hơn em chỗ nào/ Tại sao anh mang nỗi buồn giăng kín lối/ Tình yêu vốn đẹp bởi từ cả hai sẽ mang lại ngọt ngào/ Đâu phải làm cho nước mắt rơi đâu".
Xuất hiện một cách nhẹ nhàng ở câu đầu, tiếng đàn dâyngày một rõ nét hơn ở và trở thành âm sắc chính trong câu thứ 2, ứng với ca từ: "Phải chăng rằng người ta ở bên anh lúc buồn/ Cớ sao như vậy không tìm em lúc đấy/ Vậy khi mỗi em một mình người con gái luôn cần tìm/ Anh lại đang vui nơi ấy với ai/ Nước mắt lại rơi".
Sau đoạn nhạc dạo giữa, bộ gõ xuất hiện tạo bước phát triển tiếp theo cho ca khúc. Ngoài 2 đoạn nhạc chính thức, ca khúc còn có đoạn bridge: "Em không thể tin mọi thứ như vậy/ Có ai đau khổ thế này/ Một lần sau cuối/ Cầu xin em đi mà cố gắng níu giữ em được không". Sự xuất hiện đoạn bridge này đã tạo "đất" cho ca sĩ "phiêu" cũng là tạo cao trào trước khi nhắc lại điệp khúc (đoạn 2) trước khi kết thúc.
Với 2 đoạn nhạc tạo một bố cục ngắn gọn,Hơn em chỗ nào cógiai điệu khá "bắt tai", ca từ với văn phong cũng mạch lạc,rõ ràng.
MV "Hơn em chỗ nào"
Hơn em chỗ nào còn có một bản hòa âm hay, "văn minh", rất hợp với lối nghe ballad theo kiểu Hàn Quốc, lại khai thác hiệu quả tiếng đàn piano, đàn dây cũng như bộ gõ. Phần hòa âm lấy piano và dàn dây làm chủ đạo. Có thể nói việc khai thác âm sắc, đặc biệt là bộ tiếng của đàn dây và cách chọn, sử dụng tiếng trống jazz trong bộ tiếng rất khéo léo khiến người nghe có cảm giác như tiếng trống thật, chứ không phải được lấy từ bộ tiếng.
Có thể nói, riêng về phần nghe, Hơn em chỗ nào là một sản phẩm chất lượng - một ca khúc dễ nghe, một bản ballad tròn trịa. Chất lượng làm nhạc sạch và rõ ràng, có những ngắt nghỉ và "rước" cao trào đúng chỗ, tạo cảm xúc cho người hát. Bản hòa âm phù hợp với giọng hát của nữ ca sĩ.
Trong khi đó, ở phần hình cũng rất đáng nói. MV không phô trương, hào nhoáng mà thực hiện khá đơn giản nhưng về mặt cảm xúc thì tạo được ấn tượng cho người xem. Về các nhân vật, ngoài nữ ca sĩ xuất hiện kiêm người chơi piano, trong MV còn xuất hiện 3 nghệ sĩ múa. Về múa, cũng giống như phần âm nhạc, mang tính tự sự và hướng về nội tâm.
Hình ảnh trong MV được thực hiện trong trường quay với tone chủ đạo là tối, nhìn chung khá chỉn chu, phù hợp với phần âm nhạc, tạo được sự đồng cảm về mặt cảm xúc với người nghe.
"Hơn em chỗ nào còn có một bản hòa âm hay, "văn minh", rất hợp với lối nghe ballad theo kiểu Hàn Quốc, lại khai thác hiệu quả tiếng đàn piano, đàn dây cũng như bộ gõ" - nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long.
… và được đón nhận
Thực ra, trước khi ra mắt phiên bản MV, ca khúc Hơn em chỗ nào gắn với giọng hát Thùy Chi đã được khán giả biết đến và yêu thích.
Hơn em chỗ nào là một sáng tác của ViruSs, có thể nói rất phù hợp với giọng hát và phong cách của ca sĩ Thùy Chi. Cô đã từng gây ấn tượng mạnh khi ẩn mình trong vai Tí Nâu thể hiện ca khúc này tại Ca sĩ mặt nạ, một chương trình truyền hình được đánh giá hot nhất năm 2022. Trong chương trình Sóng 23, Thùy Chi có phần thể hiện cùng Mai Tiến Dũng với bản mashup Người như anh và Hơn em chỗ nào. Phần thể hiện của 2 nghệ sĩ đã được khán giả đón nhận và viral khắp mạng xã hội.
Cũng vì đã từng thể hiện rất ấn tượng tại Ca sĩ mặt nạ, lại với một bản hòa âm khác do Hoài Sa band thực hiện, cho nên khi ra MV với bản hòa âm mới do ViruSs thực hiện, Thùy Chi đã nhận được nhiều ý kiến từ khán giả.
"Mình đã nghĩ bản live của Tí Nâu đỉnh lắm rồi. Bản này phối nhẹ nhàng da diết, không cao trào, không lên tone cao vút như bản live, mà trời ơi, nghe đau lòng muốn khóc!", tài khoản @user-vv1qz3bc6k để lại bình luận.
Tài khoản @habui167 cho rằng: "Phải công nhậnThùy Chi truyền tải cảm xúc rất rõ ràng và đúng ý đồ ở cả 2 bản". Cũng theo tài khoản này, bản trong Ca sĩ mặt nạthì "cảm xúc của Chi là giằng xé, nghẹn ngào, cao trào theo đúng bản phối, còn ở bản MV lại đúng cảm xúc của ViruSs khi viết bài hát này, da diết, nhẹ nhàng như một câu chuyện đã qua".
Cùng cảm nhận trên, tài khoản @vstudio3102 cho rằng: "Bản live cùng Hoài Sa band rất năng lượng, cảm xúc bùng cháy; bản này (MV) thì sâu lắng". Tài khoản này miêu tả cụ thể hơn: "Kiểu như bản live là cô gái bị bỏ lại, tức giận kêu gào thì bản MV này cô quay về một mình trong phòng, bên cây dương cầm, đêm vắng và hát một mình vậy. Cô gái đã dần tìm lại sự cân bằng bên trong mình".
"Đây là một trong số ít những bài mà em cảm nhận bản official ra sau còn hay hơn bản live trước đó, vẫn giữ tinh thần của bản đầu tiên em được nghe, kỳ vọng không hề uổng chút nào", tài khoản @chiecnhacxinh bình luận.
Tài khoản @nghamy giải thích: "Bản phối của Hoài Sa band và bản phối này (MV) là 2 màu sắc khác nhau. Một cái là đánh live perform, cần cao trào và sắc nét hơn đáp ứng phần live. Còn bản MV, mang vibe nhẹ nhàng, cảm xúc chân thật sát với ca khúc nhất, thì không thể nào mà đòi hỏi nó phải cao trào, "hú hét", drum rồi hoành tráng như live perform được, chưa kể cách kể chuyện của 2 bản còn khác nhau nữa".
Người viết đồng tình với suy nghĩ này. Bởi, trong cùng một tác phẩm nhưng sử dụng ở 2 mục đích khác nhau, trong không gian khác nhau, phần ý tưởng dựng lên 2 câu chuyện khác nhau thì việc 2 bản phối khác nhau với cách thể hiện riêng là điều hết sức bình thường. Trong khi, nhìn vào phần bình luận bên dưới, có nhiều ý kiến thích bản phối MV cũng là điều dễ hiểu bởi đây là phần bình luận gắn liền với MV.
Nếu ở cuộc thi, dù chỉ là một gameshow giải trí, tính thi thố, trưng trổ vẫn phải được đề cao. Ngược lại, với MV cá nhân thì nghệ sĩ hoàn toàn có thể thể hiện theo đúng những gì mình mong muốn. Và sự thể hiện giản dị, nhẹ nhàng, tự sự như những gì thấy trong MV có thể tạo cảm giác"thật hơn" với con người và giọng hát Thùy Chi mà khán giả đã quen từ nhiều năm qua. Chính vì vậy, MV được nhiều sự hưởng ứng từ khán giả.
Hơn em chỗ nào như nhấn mạnh thêm rằng, giữa những xu hướng âm nhạc đầy màu sắc và chạy theo số đông như hiện nay, có một Thùy Chi vẫn giữ được nét mộc mạc giản dị với giọng hát mang những đặc trưng riêng, được khán giả đón nhận.
Ê-kíp "Hơn em chỗ nào"
Singer: Thùy Chi
Composer: ViruSs
Arranger: True Sound Team
Recording Studio: True Sound
Record, mix, master: True Sound
Vocal Harmonizer: Phan Bách, True Sound Team
Diretor: Gin
Producer: Bối Bối
PA: Minh Thư
AD: Tài Minh
D.O.P: Hoàng Trần
Focus Puller: Bin Ryn
Equipment: Tuấn Vũ Equipment
Lingting: CineHanoi
Điểm: 8,6