Nhạc sỹ Cồ Huy Hùng: Tình cảm của kiều bào ta và bạn bè quốc tế giúp chúng tôi thăng hoa trên sân khấu
(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sỹ Cồ Huy Hùng, Trưởng khoa Âm nhạc Truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chia sẻ những kỷ niệm lưu diễn nước ngoài của anh, cùng trăn trở với sự phát triển của âm nhạc truyền thống Việt Nam.
* Xin chào nhạc sỹ Cồ Huy Hùng. Việc đem các nhạc cụ truyền thống Việt Nam ra biểu diễn ở nước ngoài, cá nhân anh thấy hiệu quả đến đâu?
- Hiện nhạc cụ dân tộc đã được cải tiến rất nhiều cả về thiết kế lẫn khả năng trình diễn. Để trả lời câu hỏi của bạn, trước tiên tôi nói về khả năng trình tấu. Nếu như trước kia, một nhạc cụ truyền thống như cây đàn bầu, đàn tỳ bà... có công năng sử dụng đặc thù, chỉ dùng trong số ít các môn nghệ thuật - ca nhạc dân gian như ả đào, chầu văn... thì ngày nay tính ứng dụng của chúng khi phối kết hợp trong dàn nhạc giao hưởng phương Tây là rất lớn.
Ví dụ, cây đàn bầu chỉ với một dây, nhưng các nghệ sỹ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (HVANQG) có thể trình diễn thoải mái cùng dàn hợp xướng cả ta lẫn tây, có thể chơi làm nền cho ca sỹ, làm nền cho nhạc cụ khác (sáo, đàn tỳ bà) chơi solo, và cũng có thể đảm nhiệm phần solo một ca khúc hoàn chỉnh. Đã có những bản nhạc, những giáo trình viết riêng cho đàn bầu.
Đó chỉ là một ví dụ cho thấy tính ứng dụng cao của nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Còn về sự đón nhận của khán giả ngoài nước thì bạn nên hỏi khán giả cho khách quan. Từ góc nhìn chúng tôi, các nghệ sỹ, tôi chỉ xin kể một câu chuyện: có lần chúng tôi đi biểu diễn 3 tháng ở châu Âu qua nhiều nước như Pháp, Đức, Bồ Đào Nha... ở đâu kiều bào ta cũng đến xem đông lắm. Xem xong, họ kéo tay kéo chân chụp ảnh cùng, xin số điện thoại liên lạc; có người còn khẩn khoản mời chúng tôi qua nhà họ ăn bữa cơm rau dưa đạm bạc Việt Nam. Bạn biết không, xa nhà lâu bữa cơm ấy tôi nhớ lắm, sao mà ngon thế! Nói thế chắc bạn cũng hiểu tình cảm kiều bào ta với âm nhạc dân gian. Tình cảm của kiều bào ta và bạn bè quốc tế giúp chúng tôi thăng hoa trên sân khấu.
*Vậy còn khán giả nước ngoài họ cảm nhận sao, thưa anh?
- Chuyến gần nhất chúng tôi đi trình diễn cho các bạn Hàn Quốc trong chuỗi sự kiện Viet Nam Culture Festival do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tổ chức, trước đó nữa là Nhật Bản và Trung Quốc – những nước có nền âm nhạc truyền thống rất phát triển thì kể cả những nhà chuyên môn bên họ cũng đánh giá cao âm nhạc truyền thống của ta về độ độc đáo.
Còn khán giả, tôi lấy ví dụ khán giả Hàn Quốc đi, chúng tôi chơi bài nào họ vỗ tay, đu đưa, lắc lư theo giai điệu bài đó. Một người bạn Hàn Quốc nói với tôi, âm nhạc truyền thống Hàn Quốc và Việt Nam có điểm chung là đều có khá nhiều nét buồn trong giai điệu, vì thế mà khán giả nghe dễ cảm lẫn nhau vì bản thân khán giả Hàn Quốc cũng quen với kiểu âm nhạc đó rồi. Họ được giáo dục, lớn lên trong thứ âm nhạc buồn, da diết, nặng về tự sự, trữ tình... giờ gặp một nền âm nhạc có nét tương đồng cũng dễ cảm hơn.
* Tôi thấy các nhạc cụ dân tộc khá cồng kềnh, vậy làm thế nào các anh mang chúng đi lưu diễn dài ngày?
- Chúng tôi thường xuyên phải đi biểu diễn nước ngoài, nên các nhạc cụ tiêu chí là phải gọn nhẹ nhưng âm thanh vẫn phải hay, đảm bảo chất lượng. Ví dụ chiếc trống dân tộc chúng tôi đã cải tiến gọn hơn, cho tất cả trống tum vào bên trong chiếc trống bass, lá cymbal và hit-hat cũng nhét vào đó. Chỉ duy có phần chân trống là để ngoài, thế là gọn tối đa.
Hay cây đàn bầu, trông thì nó thế này nhưng khi xếp gọn lại nó ko to và dài hơn hộp đựng đồ trang điểm của chị em. Cây đàn T’Rưng, nhạc cụ truyền thống ở Tây Nguyên cũng thế, chúng tôi xếp gọn nó lại.
Nói chung kể thì dài, nhưng làm sao để các cây đàn của chúng ta dù gọn vẫn phải chơi hay đã và vẫn đang là trăn trở các thế hệ nghệ sỹ khoa Âm nhạc Truyền thống Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
* Xin cảm ơn nhạc sỹ Cồ Huy Hùng!
P.V