Nhạc sĩ Quốc Trung: Muốn phát triển thì đừng 'ôn nghèo nhớ khổ' những ngày xa xưa
(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội đang đón những cơn gió mùa đầu tiên về trong mùa Thu này. Đó cũng là dấu hiệu cho một kì lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa - Monsoon đang đến gần. Tuy nhiên, với những gương mặt quốc tế và trong nước xuất hiện khá mới mẻ trong Monsoon 2017, mục đích đem đến đại chúng sức sống, sự sáng tạo của cộng đồng âm nhạc quốc tế của BTC đang bị khán giả nhìn nhận ở chiều hướng không mong đợi.
- Nhạc sĩ Quốc Trung: Thanh Lam hát hay hơn vì đã bớt... điên
- Nhạc sĩ Quốc Trung: Choáng với thiết bị phục vụ Monsoon
- Nhạc sĩ Quốc Trung: Mơ Tết là không gian văn hóa đẹp
Nghệ sĩ Quốc Trung đã có cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).
Indie không phải thể nghiệm hay khó nghe
* Với những thắc mắc hay nguyện vọng của khán giả, liệu có phải chỉ là vìhọ chưa hiểu bản chất chương trình hay vì họ cần một sự cân bằng giữa các gương mặt nghệ sĩ lạ và quen nhưng anh không đáp ứng, không muốn chiều khán giả?
- Không phải tôi không muốn chiều khán giả! Vì tôi chủ đích pha trộn các dòng nhạc khác nhau và các nghệ sĩ nối tiếng để thu hút khán giả đồng thời giới thiệu với họ các dòng nhạc và nghệ sĩ mới trong suốt những kỳ Monsoon trước đây cũng như năm nay.
Nghệ sĩ dòng chính thống (mainstream) hay nổi tiếng thuộc về một nền công nghiệp âm nhạc có tính toàn cầu,họ sẽ chỉ chiều lòng khán giả khi khán giả mang lại lợi nhuận cho họ. Vậy khi chúng ta chưa có thị trường, chưa mua nhạc của họ,đến mua vé rẻ của Monsoon còn đắn đo thì sao họ lại phải đến đây để chiều chúng ta?
Hơn nữa không phải bạn cứ có tiền là mời được họ đến, khi họ có những tour diễn hàng trăm buổi trên khắp thế giới và được lên kế hoạch trước 1-2 năm trong khi Monsoon chúng tôi vẫn không chắc chắn được ngày và địa điểm tổ chức.
* Vậy có gì để nói về âm nhạc cũng như những gương mặt nghệ sĩ tham gia sân chơi lần này?
- Indie, tức là các nghệ sĩ đó không phụ thuộc vào sự định hướng của các hãng băng đĩa và công ty quản lý lớn còn nhạc của họ không phải là thứ khó nghe hay thể nghiệm. Indie đôi khi còn có sự phóng khoáng, tự do và đa dạng hơn.
Và các gương mặt tham dự Monsoon 2017 đa số đều rất trẻ,nhưng lại định hình phong cách rất rõ ràng.Tôi tin là nếu ai thích sẽ là fan của họ rất lâu. Đó cũng là một cách xây dựng khán giả trung thành và bền vững của các nghệ sĩ trẻ.
* Nhưng indie tại Việt Nam vẫn là “hàng không phổ biến” nên chuyện giá vé bị kêu ca vì không ai muốn trả tiền cho món ăn mà mình chưa biết có ngon hay không. Anh có chủ quan không khi cho rằng những gì mình đem về từ quốc tế là chất, là hay?
- Là người làm âm nhạc có kinh nghiệm, đi nhiều tôi tự tin ở thẩm mỹ và sự lựa chọn của mình chứ,tất nhiên là không bao giờ nó đáp ứng được tất cả.
Nhưng thử hỏi nếu không có nghệ sĩ mới, nếu không ủng hộ cho họ phát triển thì bao giờ chúng ta mới có nghệ sĩ tài năng và nổi tiếng?
Và nếu mục đích của chúng ta là xây dựng thương hiệu văn hoá và thói quen thưởng thức mới mà lại đưa những thứ quen, cũ hay những “món ăn tầm thường và mất vệ sinh” thì chúng ta cứ “cơm đường cháo chợ” mãi sao?
Hy vọng khán giả thay đổi thói quen
* Nói đi cũng phải nói lại. Thực ra, nhiều khán giả cho rằng, so với việc bỏ tiền ra tận nước ngoài thì đi nghe nhạc mới của thế giới ở Monsoon là quá rẻ. Chắc Monsoon năm nào tổ chức cũng... lỗ?
- 3 năm tổ chức,số lỗ tăng lên gấp 3 lần điều này không phải người trong nghề mà ai cũng có thể nhìn thấy.Monsoon được tổ chức tại Hoàng Thành vì vậy không thể tuỳ tiện là nơi quảng cáo cho các nhãn hàng để có tài trợ,mức giá phổ cập cho mọi người nên nguồn thu chưa bao giờ vượt quá 20% kinh phí sản xuất, chưa kể là dự án đòi hỏi một nguồn nhân lực lớn và thời gian làm việc gần hết trong năm.
Tuy nhiên việc đó nằm trong tiên lượng của tôi. Tôi chỉ hy vọng sẽ thay đổi được thói quen thưởng thức,ý thức về việc xây dựng kế hoạch sớm và dài thì mới có thể tiếp tục và chúng tôi cũng tìm được những nhà tài trợ thực sự là nhà bảo trợ văn hoá để cùng nhau xây dựng cho cộng đồng.
* Thế nên “Yêu nhạc một cách phóng khoáng, sáng tạo và thích thú với cái mới” - mong muốn này của anh nghe chừng vẫn chưa đạt được dù đã đi qua mấy kỳ Monsoon...
- Âm nhạc với chúng ta đa phần vẫn là gợi nhớ đến ký ức mà chưa thực sự là nhu cầu cho đời sống tinh thần. Càng chậm phát triển thì người ta lại hay nhớ đến “ngày xưa”.
Chúng ta đi sau và lạc hậu, vậy nên nhìn vào các nước phương Tây để xây dựng thị trường. Họ đã đúc kết từ sự phát triển của mình và điều đó đúng với toàn nhân loại.Đừng nguỵ biện là người Việt chỉ có thể ăn được cơm!
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Monsoon 2017 diễn ra từ 10-12/11 tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội tiếp tục cuộc hành trình đem đến những dự án âm nhạc mới của 12 nghệ sĩ, nhóm nhạc độc lập (indie):DJ Lost Frequencies (Bỉ), Chris Minh Doky & The Electric Nomads (Đan Mạch), Biuret (Hàn Quốc), Garden City Movement (Israel), I WearExperiment (Estonia), Lavagance (Slovakia), Lowly (Đan Mạch),The Other Shi (Đức),Đông Hùng, nhóm Ngọt và Da LAB (Việt Nam). |
Ngọc Minh - Ảnh: Intetnet.