Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến thay Kiều khóc Đạm Tiên
(Thethaovanhoa.vn) - Nguyễn Vĩnh Tiến kể, anh là “fan” của Truyện Kiều. Bà nội bắt anh học thuộc Truyện Kiều từ ngày còn thơ bé. Vì thế mà những câu Kiều cũng như ngấm vào trong máu thịt.
Những ca khúc của Nguyễn Vĩnh Tiến lấy cảm hứng từ Truyện Kiều chỉ vẻn vẹn dăm câu, nhưng đầy ám ảnh: “Cuộc đời như sóng trên sông thời gian/ Nước chảy một dòng/ Bến đục, bến trong… Người đẹp như cây liễu bên sông/ Đôi khi, buồn không thấy bóng…”.
Ám ảnh “Truyện Kiều”
15 năm làm nhạc, bỗng dưng Nguyễn Vĩnh Tiến “bén duyên” sân khấu với phần âm nhạc trong vở diễn giành HCV Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế Thân phận nàng Kiều. Hai ca khúc Kiều ca, Bạc mệnh oán khá ám ảnh người nghe bởi những ca từ chất chứa nỗi buồn về thân phận người phụ nữ.
Trả lời câu hỏi Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã gợi cảm hứng sáng tạo thế nào, nhạc sĩ của Bà tôi cho biết, anh vốn rất thích nhạc kịch, đã từng viết kịch bản và dựng vở Tấm Cám theo phong cách hiện đại.
“Nhưng việc làm nhạc cho vở rối thể nghiệm Thân phận nàng Kiều của đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng là một sự tình cờ qua lời giới thiệu của một người bạn lâu năm. Tuy nhiên, nhận lời mời tham gia dự án, tôi phải chịu áp lực lớn về thời gian. Vì thế, một mình tôi trong thời gian ngắn không thể đáp ứng được nên tôi mời thêm nhạc sĩ Trần Đức Minh cùng làm. Tôi chịu trách nhiệm viết các ca khúc trong đó, còn anh Minh sẽ phối khí làm phần khí nhạc” – Nguyễn Vĩnh Tiến chia sẻ.
Theo lời kể, trong một tháng, anh và ê-kíp “chạy đua với thời gian”, làm việc ngày đêm, thậm chí có những đoạn nghệ sĩ vừa tập, vừa phải nhìn kịch bản cũng như cách diễn tập của nghệ sĩ để viết bài hát ngay tại chỗ. Với tốc độ làm việc khủng khiếp như vậy, trong vòng một tháng, họ đã hoàn thành xong, trong khi thông thường thì phải mất nửa năm.
“Tôi có sự cảm thông sâu sắc với Thân phận nàng Kiều bởi lẽ, vở kịch này là thể nghiệm, các nhân vật hoàn toàn mới được tạo nên bởi họa sĩ Lê Đình Nguyên, mang tính chất ẩn dụ; thoại mới; và cuối cùng, câu chuyện được nhìn nhận ở một góc độ khác. Vở rối đương đại khiến tôi cảm thấy tràn đầy cảm hứng…
Tôi gắn bó rất lâu với văn học, từ bé bà nội đã dậy và tôi thuộc lòng Truyện Kiều. Lớn lên, dù có quên dần nhưng đây là dịp để tôi nhớ lại một tác phẩm vĩ đại của Việt Nam. Đây là thử thách đối với tôi bởi tôi là một nhà thơ đương đại, việc soạn ca từ không phải lấy trong Truyện Kiều, từ Bạc mệnh oán, Kiều ca, Hoạn Thư ca... Âm nhạc cũng vậy, chỉ khai thác chút âm nhạc dân gian, tỉ lệ 20%, còn lại 80% là đương đại, đó là thử thách khiến tôi thấy mình phải có sự nỗ lực rất lớn”.
Với Bạc mệnh oán, Nguyễn Vĩnh Tiến thay mặt Thúy Kiều viết ca khúc này, mang nỗi than thở của nàng Đạm Tiên.
“Tôi đã tạo ra câu chuyện, lời than thở dựa vào cốt truyện của Truyện Kiều cộng với sự tưởng tượng của người nghệ sĩ đương đại để viết ca khúc. Có thể đây là ca khúc đầu tiên của Việt Nam viết về Đạm Tiên”.
Trong khi đó, Kiều ca, nối tiếp Bạc mệnh oán, tóm tắt toàn bộ cuộc đời nàng Kiều.
“Hai bài này được chọn lọc trình diễn trong liveshow Tiền duyên như là giới thiệu một phần của nhạc kịch Kiều, được trao gửi cho Thanh Lam – vì tôi cảm nhận Thanh Lam cũng khá lận đận đường tình duyên nên rất thích hợp hát bài này – và y như rằng, Thanh Lam thích ngay, cô ấy thể hiện trên sân khấu thành công rực rỡ” – Nguyễn Vĩnh Tiến nói thêm.
Luôn gay gắt và khắc nghiệt với ca từ
Nguyễn Vĩnh Tiến được đông đảo công chúng biết tới với ca khúc Bà tôi gắn với giọng hát Ngọc Khuê. Nhưng anh chàng kiến trúc sư thực sự gắn bó với văn chương, nghệ thuật từ hàng chục năm trước đó. Thời kì những năm 1990, Hà Nội có loạt nhóm thơ ca như Hội thơ thanh xuân, rồi Hương đầu mùa. Còn Tiến và các bạn thì lập nhóm Hoa lạ.
Nguyễn Vĩnh Tiến kể: “Xuất phát điểm của tôi trước khi đến với âm nhạc là văn chương, thơ ca. Điều ấy cho tôi lợi thế, ca từ cũng trở nên dễ dàng hơn so với những người khác khi họ lựa chọn ca từ trong âm nhạc. Nhưng xuất phát điểm về mặt chính thống tôi lại là dân chuyên toán đam mê vật lý và hình học không gian, thế nên mới chọn nghề kiến trúc để theo đuổi. Bởi vì nghề kiến trúc đòi hỏi năng lực tổng hợp, bản thân bạn phải giỏi toán, giỏi vật lý, giỏi tưởng tượng thì mới hình dung ra được…”
Thế mà gã kiến trúc sư những tưởng chỉ loanh quanh với những con số và hình học không gian lại bất ngờ đến với âm nhạc. Đầu tiên là được giải Bài hát Việt, cuộc thi về ca khúc trên sóng truyền hình ở Việt Nam. Vốn không tin vào các giải thưởng vì nghĩ là đều có sự sắp xếp, nhưng khi nhận giải thưởng cho ca khúc Bà tôi vào tháng 7/2005, Nguyễn Vĩnh Tiến tiếp tục gửi Giọt sương bay lên và lại giành giải Nhất tháng 11/2005.
“Thừa thắng xông lên, năm 2006, tôi tiếp tục đưa ra Ông tôi, sau đó đến Mẹ tôi và những thị xã vắng vào năm 2009, sau đó là Cha tôi và những cánh cò giấy… Tính cách tôi làm gì cũng theo… bộ. Có thể đó do đầu óc kiến trúc tác động” – nhạc sĩ cười.
Năm 2019 vừa qua, sau 15 năm “bén duyên” âm nhạc, Nguyễn Vĩnh Tiến mới làm liveshow chính thức thức đầu tiên (sau loạt minishow tổ chức tại Việt Nam và nước ngoài) với tên gọi: Tiền duyên.
Khi được hỏi, có vẻ như, ca từ thời anh viết Bà tôi, cách đây 15 năm rất khác, dễ cảm hơn là Kiều ca, Bạc mệnh oán, Cắt tiền duyên... của hiện tại, anh đã chia sẻ rất thẳng thắn rằng: “Tôi phải tự đặt ra thử thách cho chính mình vì số lượng tác phẩm của tôi hiện giờ lên tới 300, mình không thể tự lặp lại. Giờ phải hay hơn, nếu mình hài lòng với chính mình thì rất chán. Với ca từ, tôi luôn gay gắt, khắc nghiệt. Nếu khán giả khó cảm thì đành phải nghe theo hệ thống, chứ người nghệ sĩ không thỏa hiệp”.
“Hai bài Kiều ca, Bạc mệnh oán được chọn lọc trình diễn trong liveshow Tiền duyên như là giới thiệu một phần của nhạc kịch Kiều, được trao gửi cho Thanh Lam - vì tôi cảm nhận Thanh Lam cũng khá lận đận đường tình duyên nên rất thích hợp hát bài này. Và y như rằng, Thanh Lam thích ngay, cô ấy thể hiện trên sân khấu thành công rực rỡ”, (Phát biểu của Nguyễn Vĩnh Tiến). |
Quang Đức
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý