Nhạc sĩ Nguyễn Quang: Tái lập 'những chặng đường' của nhạc Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Những số đầu tiên của Âm nhạc Việt Nam những chặng đường vừa lên sóng VTV. Đây là một trong những chương trình hiếm hoi kết hợp giữa phim tài liệu và trình diễn ca khúc, từ đó đưa khán giả tiếp cận với các cột mốc quan trọng trong sáng tác của các nhạc sĩ, cũng như giá trị riêng của mỗi tác phẩm.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang, đạo diễn chương trình, đã có những chia sẻ về quá trình thực hiện series này.
* Trong buổi ra mắt, anh kể rằng vài năm trước mình có đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II làm việc và bắt gặp nguồn tư liệu phong phú để bắt tay làm chương trình này. Nhưng có lẽ đó, chỉ là một cú hích cho những gì đã ấp ủ từ lâu?
- Ý tưởng làm một chương trình về các bài nhạc xưa tôi đã có cách đây 5 - 7 năm nhưng thật tình là không biết thực hiện như thế nào. Thứ nhất tư liệu tôi không có. Thứ hai, những người liên quan đến bài hát hoặc có nghiên cứu về âm nhạc thì ở rải rác khắp nơi nên biết đâu mà kiếm.
Ban đầu, chương trình dự định chỉ phát bài hát và nói kỹ về nội dung bài hát để khán giả hiểu rõ hơn. Đó là thời điểm người ta tranh cãi nhiều về nhạc sang, nhạc sến, về tác giả bài hát và ca từ… Nhưng khi bắt tay vào làm bản demo, tôi không ưng ý vì thấy không có gì đặc biệt. Bởi thế, tôi quyết định chuyển sang làm “người thật việc thật” với chia sẻ của người thân, bạn bè, nhà nghiên cứu âm nhạc, đồng thời sử dụng các nguồn thông tin lưu trữ cho chương trình này.
* Phải chăng, việc kể những câu chuyện đằng sau bài hát là điều dễ gây tò mò và thu hút khán giả cho chương trình?
- Khi biết được những câu chuyện ấy người nghe sẽ “thấm” hơn rất nhiều nhưng ca sĩ hát cũng hay hơn. Ví dụ, trong bài hát Trở về của nhạc sĩ Châu Kỳ, nếu biết được ông viết trong lúc về quê nhìn mọi thứ điêu tàn, vợ con bỏ mình sau một cơn lũ lụt thì người ta sẽ tê tái hơn nhiều với những câu Về đây mong tìm bóng chiều mơ/Mong tìm mái tranh chờ/Mong tìm thấy người xưa.
Hoặc, nếu hiểu về bài Dư âm của Nguyễn Văn Tý, ta sẽ thấy ca từ càng đẹp khi chỉ một câu hát đã bao gồm cả thời gian, không gian, nhân vật, âm thanh, tưởng tượng: Đêm qua mơ dáng em ôm đàn dìu muôn tiếng tơ...
* Vì sao chương trình lại nhọc công ghi hình ca sĩ hát trực tiếp tại phòng trà cùng với ban nhạc, trong khi chưa chắc khán giả nghe qua ti vi, âm thanh sẽ hay như anh mong muốn?
- Khi tôi chịu trách nhiệm mời ca sĩ hát thì tôi sẽ góp ý để họ hát hay hơn hoặc góp ý khi họ hát sai lời. Tôi cũng nghe thử các bản thu của ca sĩ khi gửi đến casting, nhiều bản bị hát sai lời nên muốn sử dụng phải thu lại. Đó là một khó khăn về thời gian và kinh phí. Mặt khác, bản thu âm sẵn lại không như ý mình muốn, không đồng bộ, bản phối không dẫn dắt đến câu chuyện chương trình vừa nói trước đó.
Khi chúng tôi ghi hình trực tiếp, có lúc khán giả nói rằng ca sĩ không biểu cảm hoặc hơi nhăn nhó. Thật ra, đó là khi họ buông lỏng theo cảm xúc để thể hiện bài hát (cười).
* Được biết, “Âm nhạc Việt Nam những chặng đường” sẽ chỉ đi đến hết những năm 1970. Sao anh không đi tiếp những giai đoạn sau?
- Chương trình này tựa như một series phim tài liệu về lịch sử âm nhạc Việt, mà theo tôi những gì được gọi là lịch sử thì phải cách thời điểm hiện tại ít nhất 40 - 50 năm. Chính vì vậy, chương trình này có thể sẽ dừng lại ở đầu những năm 1980 với dòng nhạc truyền thống cách mạng, mà tôi hay gọi là nhạc Trường Sơn. Đây chỉ là “những chặng đường” chứ không phải toàn bộ con đường. Và chặng đường ấy được đánh dấu bằng những cột móc lịch sử của đất nước ta: từ năm 1930 khi những nốt “nhạc Tây” bắt đầu vào Việt Nam cho đến năm 1945, giai đoạn 1946 -1954 và từ 1955 tới vài năm sau 1975.
- Nhạc sĩ Nguyễn Quang đàn trong 'Vàng son một thuở' tưởng nhớ cha Nguyễn Ánh 9
- Nhạc sĩ Nguyễn Quang ở Mỹ nhưng làm serie chương trình tại Hà Nội
* Anh có hài lòng về những ca sĩ trẻ hát trong chương trình này không?
-Với họ, tôi chỉ yêu cầu ở mức độ hát đúng, thể hiện được các ý trong bài hát và tôn trọng lời nhạc chứ chưa đặt vấn đề hát hay hát dở. Nhìn chung, tôi quý các bạn ấy khi họ hiểu được ý nghĩa của chương trình và rất nỗ lực để thể hiện.
Còn lại, nếu so sánh ca sĩ trẻ hát nhạc xưa với các danh ca ngày trước thì rất khập khiễng, làm vậy dễ khiến họ thoái chí. Ngày xưa, tác giả sáng tác một ca khúc đã nhắm tới người hát. Họ sẽ mời ca sĩ đến nói về ý nghĩa bài hát và đích thân tập cho ca sĩ từng nốt trước khi thu băng, hoặc ca sĩ sẽ hát cùng lúc với ban nhạc và được nhạc sĩ hoà âm trực tiếp sửa luôn tại chỗ. Ca sĩ trẻ bây giờ không được như vậy, nhưng nếu họ cố gắng thì sẽ không tệ.
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Chương trình Âm nhạc VN những chặng đường phát sóng lúc 16 giờ 25 từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần trên kênh VTV3, phát lại vào lúc 18 giờ trên kênh VTV4. |
Lam Hạnh (thực hiện)