Nhạc sĩ Hồng Kiên nói về 'Giai điệu Tổ quốc': Hòa nhạc 'không khán giả' là trải nghiệm lớn trong đời
(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh dịch Covid-19, chương trình hòa nhạc Giai điệu Tổ quốc vẫn diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ 20h10 ngày 22/8/2020 nhưng không có khán giả thưởng thức tại chỗ, mà được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1. Đây được xem là một sự chuyển mình lớn, một dấu hiệu đáng mừng cho thị trường âm nhạc Việt Nam mùa dịch.
Xoay quanh buổi hòa nhạc đặc biệt và ý nghĩa này, Giám đốc âm nhạc - nhạc sĩ Hồng Kiên đã có cuộc trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).
Hòa nhạc đầu tiên không khán giả
* Ở thời điểm dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, nhiều chương trình văn hóa - giải trí chọn giải pháp an toàn là dừng hoặc hoãn lại, việc vẫn tổ chức hòa nhạc “Giai điệu Tổ quốc” có thể nói là quyết tâm lớn của ê-kíp sản xuất. Anh đánh giá như thế nào về điều này?
- Theo tôi đây là sự cố gắng rất lớn của ban tổ chức cũng như các đơn vị thực hiện. Trong mùa dịch Covid-19, với mong muốn đem những chương trình chất lượng nhất đến cho khán giả, nhất là khán giả truyền hình, Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cùng Công ty Mỹ Thanh và ê-kípsản xuất đã có rất nhiều nỗ lực. Chúng tôi giữ chương trình, thực hiện đúng như kế hoạch đã cam kết.
Về âm thanh, ánh sáng, về thiết bị, sân khấu, ê-kíp hậu đài, sản xuất, tổng duyệt… tất cả mọi thứ chúng tôi vẫn thực hiện giống như chương trình live concert cho hàng nghìn khán giả. Trong ê-kíp sản xuất, có cộng sự cho là “hơi phí” khi không cắt bất cứ một phần nào nhưng lại biểu diễn không khán giả. Tuy nhiên, điều đó thể hiện cách làm của chúng tôi, đã đề ra cái gì, nói cái gì thì chúng tôi làm đúng như thế và đó là sự tự trọng của việc làm nghề. Tôn trọng khán giả, tôn trọng lẫn nhau trong ê-kíp cũng như tôn trọng chính bản thân mình.
* Việc thực hiện hòa nhạc khi không có khán giả trực tiếp tại nhà hát, cả anh và ê-kíp đã gặp phải những thách thức nào?
- Về phía nghệ sĩ tham gia hòa nhạc, việc không có khán giả đúng là một thách thức đối với họ. Đặc biệt chương trình làm “live” hoàn toàn, càng tạo áp lực cho nghệ sĩ tham gia, làm sao phải giữ được khoảnh khắc hay nhất để đến khi trình diễn mới phát tiết ra.
Tuy nhiên chính áp lực lại tạo ra động lực cho những nghệ sĩ đích thực tham gia, họ phải có đủ trình độ, đủ sự trải nghiệm, đủ kinh nghiệm để thể hiện các ca khúc, “chiết xuất” ra được sự tinh tế, tinh hoa nhất để đưa đến khán giả theo dõi qua truyền hình trực tiếp.
Việc không có khán giả tại chỗ là điều bất khả kháng, không ai muốn cả. Số lượng nhạc công là 30 người và ở dưới khán phòng không có khán giả cũng là trải nghiệm lớn trong đời. Chúng tôi vẫn đang tập luyện và nói với nhau rằng: Đây có thể là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm nghệ thuật.
* Theo anh, sự khác biệt lớn nhất ở hòa nhạc “Giai điệu Tổ quốc” so với các chương trình khác là ở điểm nào?
- Sự khác biệt lớn nhất là việc chơi nhạc và thể hiện các ca khúc đầy tâm huyết nhưng ở dưới không có khán giả. Chúng tôi tập trung cho hàng triệu khán giả truyền hình. Và chương phải xoay chuyển mang yếu tố truyền hình nhiều hơn. Vì vậy chúng tôi phải chỉnh sửa những bài hát và những mối nối liên kết, để khán giả ngồi tại nhà xem chương trình cũng cảm nhận như mình đang ngồi tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Và khán giả ở xa cũng cảm nhận được không khí, thông điệp, nỗi niềm của Ban tổ chức muốn đưa đến những giai điệu đúng nghĩa là giai điệu Tổ quốc.
Vậy lần này có thể nói rằng, 30 nhạc công trên sân khấu cũng chính là 30 khán giả, chúng tôi vừa chơi nhạc vừa nói chuyện với nhau, vừa thưởng thức bằng ngôn ngữ âm nhạc. Và trải nghiệm đó chắc chắn là rất đáng nhớ và khác biệt.
* Liệu có phải chính sự khác biệt đó, khiến “Giai điệu Tổ quốc” là chương trình hòa nhạc đầu tiên trên sóng truyền hình được tổ chức theo hình thức này?
- Thực ra nói về hòa nhạc, đến thời điểm này Giai điệu Tổ quốc lại có may mắn là chương trình đặc biệt như vậy. Nó là chương trình live concert không có khán giả với một dàn nhạc đồ sộ là sự kết hợp giữa dàn nhạc bán cổ điển semi classic với dàn nhạc điện tử, được phát sóng trên truyền hình. Đúng là lần đầu tiên tại Việt Nam có một chương trình như thế.
* Đã bao giờ anh thử hình dung những người nghệ sĩ sẽ chạnh lòng mà bớt đi sự thăng hoa khi nhìn xuống khán phòng vắng bóng khán giả, liệu chất lượng chương trình vì thế mà ảnh hưởng?
- Tôi nghĩ ngược lại. Bởi vì, nếu đúng mùa show, ca sĩ hay ban nhạc đi diễn thường xuyên. Sự dàn trải về thời gian khiến khả năng biểu diễn sẽ mai một đi. Thế nhưng trong mùa dịch, thời gian không dàn trải thì sự đau đáu với nghề nhiều hơn. Chắc chắn là khi không được hát nhiều, những người nghệ sĩ họ sẽ nhớ sân khấu, dàn nhạc cũng vậy, không chơi nhiều cũng sẽ nhớ sân khấu. Trong “mùa nhớ” này, có một chương trình như Giai điệu Tổ quốc được tổ chức, một nghệ sĩ như tôi rất biết ơn vì trong mùa dịch vẫn được đi làm, vẫn được chơi nhạc, thực sự là chơi nhạc.
Đặc biệt hơn là không có khán giả, người nghệ sĩ chuyên nghiệp họ sẽ phải tìm cách lấy nguồn cảm hứng bằng tưởng tượng. Trí tưởng tượng của người nghệ sĩ phải phong phú hơn, phải chuẩn bị trước khi ra sân khấu những cảm xúc cho riêng mình để làm sao thể hiện ca khúc tốt nhất. Đó cũng là một trải nghiệm. Tôi nghĩ điều này sẽ chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với việc biểu diễn có khán giả.
* Là là người trực tiếp xây dựng và theo sát mọi hoạt động của chương trình từ khi hình thành ý tưởng, theo anh điều gì làm nên dấu ấn đặc biệt của hòa nhạc “Giai điệu Tổ quốc”?
- Tôi nghĩ rằng nếu khán giả tinh ý sẽ nhìn ra một điểm nhấn trong phần âm nhạc. Vẫn là những bài hát quen thuộc, vẫn là câu chuyện xung quanh bài hát cũ nhưng cách đưa vào trong chương trình của chúng tôi thật sự kỹ lưỡng. Ví dụ như chỉ có bài số 3 và bài số 4 mà đổi lại vị trí thành số 4, số 3 đã là sự trăn trở, bàn luận rất kỹ của ê-kíp sản xuất.
Để chọn được các tác phẩm công diễn phù hợp đã là một kỳ công rất lớn. Chúng tôi không làm việc theo cách thông thường là ca sĩ thích hát bài gì là đăng ký, mà chúng tôi lên danh sách bài hát và các ca sĩ tham gia sẽ hát theo những cụm nội dung xuyên suốt chương trình.
Khán giả để ý sẽ thấy không bao giờ có chuyện ca sĩ xếp hàng ra hát, mà ởchương trình lần này, ca sĩ ra nhiều lần. Ví dụ nhóm OPlus họ hát 4 bài thì ra 4 lần. Không sao cả. Vấn đề là họ tin tưởng, họ tôn trọng ý tưởng cũng như cách làm việc của đơn vị tổ chức. Điều này rất quan trọng và là sự khởi đầu cho những sáng tạo về nghệ thuật.
Bản thân tôi làm giám đốc âm nhạc, với ca sĩ, tôi nghĩ rằng, họ đến với mình với sự tin tưởng. Sự tin tưởng đó là gì? Nghĩa là họ đẩy áp lực về phía mình, bản thân mình chịu áp lực nhiều hơn. Nhưng điều đó cũng là sự sung sướng của người làm nghề. Khi mà mình được toàn quyền xây dựng một bức tranh, sắp xếp những mảng màu để có được tổng thể tốt nhất, hay nhất, hòa quyện nhất và nâng ca sĩ lên tốt nhất, dàn nhạc tốt nhất, mọi thứ đều được nâng lên ở mức độ đúng nghĩa gọi là nghệ thuật.
Có thể nói hòa nhạc Giai điệu Tổ quốc là sự hội tụ của tất cả những nghệ sĩ từ trẻ đến gạo cội, cũng như nhạc công, nếu nói là tinh hoa thì hơi khoe khoang nhưng đều là những người chơi với nhau rất lâu và họ cùng lý tưởng và lý tưởng đó sẽ được tỏa sáng trong Giai điệu Tổ quốc lần này.
Giữ lại niềm tin với âm nhạc
* Theo anh, sau cùng thì hòa nhạc “Giai điệu Tổ quốc” sẽ để lại những giá trị nào?
- Khi chương trình đang diễn ra, tôi thích nhất được làm khán giả theo dõi chương trình của chính mình. Thường thường, tôi vẫn giảm bớt phần trình diễn của chính mình để ngồi nghe lại dàn nhạc, nghe lại cái mình làm, sẽ có những điều mình phải rút kinh nghiệm, có những cái khiến mình tự hào... Và những trải nghiệm, cảm xúc cứ thế đan xen nhau lẫn nhau, tạo ra những câu hỏi: Cái đích của người làm nghề trong thời điểm này ở đâu? Có như ngày xưa, làm nghề để mơ ước cái này, cái kia hay không?
Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, mọi thứ dường như đều qua và trôi đi rất nhanh. Nhưng chính vì những thứ qua rất nhanh như thế mà những điểm nhấn như Giai điệu Tổ quốc tôi nghĩ là thứ tinh khiết, là hạt nhân để giữ lại niềm tin với âm nhạc. Chúng tôi không dám nói mình làm “trend” với thị trường hay đi tiên phong trong những xu hướng mới. Những điều đó không phải. Chúng tôi đang gìn giữ những cái giá trị nhất của âm nhạc, Giai điệu Tổ quốc giống như “bảo tàng” của âm nhạc Việt Nam. Bảo tàng vang lên bằng âm nhạc chứ không phải là bằng những hiện vật. Điều đó thúc đẩy được cả một ê-kíp lớn vẫn miệt mài, cày cuốc để tiếp tục thực hiện.
Nếu không có một niềm tin như vậy làm sao chúng tôi có thể luôn luôn giữ một ngọn lửa. Và ngọn lửa đó hy vọng rằng sẽ được truyền lại cho thế hệ nghệ sĩ tiếp theo trẻ hơn để biết trân trọng những giá trị âm nhạc của dân tộc.
* Với cương vị là giám đốc âm nhạc của chương trình, anh mong muốn điều gì khi chương trình được diễn ra?
- Hòa nhạc lần này không phải là một cơn chấn động, cũng chẳng phải là một cú “áp phe” gì quá lớn ở thị trường âm nhạc. Nhưng nó sẽ là một sự đọng lại, một niềm tin vào một thế hệ nghệ sĩ trẻ sẽ tài năng hơn, năng động hơn, niềm tin vào những người làm nghề mặc dù khó khăn, trăn trở nhưng vẫn vững tin để tiếp tục theo đuổi, niềm tin vào cuộc sống sẽ tốt hơn. Đó là điều tôi mong muốn nhất từ sau những chương trình mà tôi xây dựng.
Những giá trị âm nhạc đích thực sẽ sống được bằng những thứ nó làm ra. Đó lại là điều mơ mộng trong thời điểm này nhưng hy vọng càng nhiều thì tôi càng nhìn ra được “ánh sáng ở cuối đường hầm” càng sáng hơn để tin trong tương lai sẽ thực hiện được.
Và đây cũng có thể là bước đệm rất mạnh để sau đợt dịch này, cả ê-kíp của Giai điệu Tổ quốc sẽ có những ý tưởng, có lộ trình để xây dựng những chuỗi chương trình tương tự mới lạ hơn cho đa dạng đối tượng khán giả.
* Xin cảm ơn anh với cuộc trò chuyện và chúc cho buổi hòa nhạc thành công!
Về hòa nhạc “Giai điệu Tổ quốc” Chương trình hòa nhạc Giai điệu Tổ quốc do Ban Văn nghệ - Đài truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Công ty Mỹ Thanh phối hợp tổ chức. Đêm hòa nhạc Giai điệu Tổ quốc bao gồm 3 chương: Đất nước lời ru; Bài ca người lính và Khát vọng. Giám đốc âm nhạc chương trình là nhạc sĩ Hồng Kiên, NSƯT Trần Ly Ly kết hợp với đạo diễn Phú Trần xây ý tưởng và đảm trách phần biên đạo múa. Hòa nhạc có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tài năng được công chúng biết đến như: Tùng Dương, Trọng Tấn, Uyên Linh, Vũ Thắng Lợi, Dương Hoàng Yến, Đỗ Tố Hoa, bé Trịnh Nhật Minh, bé Kiều Minh Tâm, nhóm OPlus, nhóm bè VK, các nghệ sĩ múa Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, ban nhạc In The Spotlight, dàn dây Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, dàn kèn Big K... Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 20h10 ngày 22/8/2020 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhưng không có khán giả thưởng thức mà được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam. |
Công Bắc (thực hiện)