Nhạc sĩ Hình Phước Liên và những giai điệu khỏe khoắn, hiền hòa
Hình Phước Liên có nhiều bài hát thiếu nhi được nhiều khán giả thuộc lòng, ví dụ như Cô giáo em là hoa ê-pang, Năm 2000 của chúng em, Ngôi nhà của chúng ta... Những giai điệu ấy từ lâu đã trở thành kỷ niệm của nhiều người trong những buổi văn nghệ ở trường và những giờ sinh hoạt đoàn - đội.
Bài hát Ngôi nhà của chúng ta của Hình Phước Liên càng đến gần hơn với học sinh khi nó đã được đưa vào sách Âm nhạc 8, bộ Chân trời sáng tạo.
Mong ước về môi trường sống tốt đẹp cho mọi người
Bài hát Ngôi nhà của chúng ta được nhạc sĩ Hình Phước Liên viết vào năm 1986 để dự thi. "Tôi nhớ năm đó, tổ chức UNICEF Việt Nam phát động một cuộc thi âm nhạc viết cho thiếu nhi về bảo vệ hòa bình và môi trường sống. Tôi gửi bài hát Ngôi nhà của chúng ta, cùng với một bài hát khác có tựa là Bài ca bông sen trắng, để dự thi và được giải Khuyến khích" - ông kể về tác phẩm của mình.
Bài hát này được ông viết với 2 đoạn bằng nhịp 2/4, tiết tấu nhanh, tươi vui, hồn nhiên, mở đầu bằng một câu đơn: "Ngôi nhà chung của chúng ta/là trái đất màu xanh bao la/Ngôi nhà chung của chúng ta/là trái đất màu xanh hiền hòa" rồi phát triển, chuyển qua đoạn tiếp theo và kết lại bằng cách lặp lại câu mở đầu để khẳng định thêm một lần nữa. Ca từ của bài hát thật đẹp, với một ý về thiên nhiên hòa ca là nắng mai, biển sóng, dòng sông, cánh rừng, là giọng chim trong veo, là ngọn lửa ấm, hòn sỏi con; và một ý về con người hòa ca trong tình thân ái "để trái đất ấm trong tình thương"... Thiên nhiên và con người trong bài hát hòa vào nhau, cùng nhau tạo thành những khung cảnh và thanh âm thanh bình.
"Tôi viết bài hát này trong nỗi ám ảnh của những năm chiến tranh. Tôi muốn nền hòa bình được lan tỏa mãi trên trái đất này và trẻ em các châu lục đều được bình yên" - nhạc sĩ chia sẻ thêm về cảm xúc của mình khi viết.
Không chỉ trong Ngôi nhà của chúng ta, người nghe còn thấy một niềm vui mọi người hòa ca cùng thiên nhiên trong nhiều bài hát khác của nhạc sĩ Hình Phước Liên, Năm 2000 của chúng em là một ví dụ: "Em mong ước đến năm 2000/Và mong ước chiến tranh sẽ tàn/Để trái đất chỉ còn tiếng hát... Mùa Xuân sang thênh thang phố vui/Và mùa Đông trôi qua rất êm... Mọi màu da như hoa ấy thôi/Trái đất của chúng ta là vườn hoa khoe màu sắc mới".
"Có những thông điệp tôi chỉ gửi gắm được khi viết cho thiếu nhi"
Nhạc sĩ Hình Phước Liên đã sáng tác khoảng 300 bài hát, trong đó con số dành cho thiếu nhi là 40. Rõ ràng, số lượng bài hát thiếu nhi không chiếm tỷ lệ cao, nhưng lại đem đến cho ông thành tựu lớn hơn so với các thể loại khác. Nên nhiều người đã nghĩ rằng ông là nhạc sĩ viết cho thiếu nhi.
Thật ra, ngoài thiếu nhi, Hình Phước Liên viết nhiều cho quê hương đất nước, tình ca và cả nhạc phim, nhạc sân khấu, nhưng lạ thay, những giai điệu thân ái, hiền hòa của ông dành cho thiếu nhi từ lâu đã âm thầm đi vào lòng cả người lớn và trẻ nhỏ nhiều hơn cả.
Ông nói: "Tôi nâng niu chúng vì có những điều tôi muốn nói với cả người lớn, nhưng chỉ có thể gửi gắm khi sáng tác cho thiếu nhi, ví như thông điệp trong câu hát: "Mọi màu da như hoa ấy thôi/Tiếng nói chung của chúng ta chính là nụ cười" của bài Năm 2000 của chúng em. Tôi mong thế giới cư xử với nhau bằng nụ cười và hiểu nhau qua nụ cười, không còn bất cứ sự phân biệt nào từ màu da, ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng...điều này hơi khó nói khi viết nhạc người lớn".
Hình Phước Liên viết bài hát này vào năm 1988 và thông điệp ấy chưa bao giờ cũ vì tiếng súng vẫn chưa dứt hẳn trên trái đất này. Nhạc sĩ là người yêu sự sống, nhìn thấy cái đẹp trong từng chuyển động của thiên nhiên và con người nên ông thở dài mỗi khi trái đất không được bình yên. Bài hát Năm 2000 của chúng em được ra đời sau một tiếng thở dài như thế và sau cả những lần ông thấy sự sống và cái chết thật gần trong những năm tháng chiến tranh.
Nhạc sĩ kể một kỷ niệm: "Hồi đó, má tôi thường nói năm 2000 sẽ tận thế. Tôi nhìn con trai rồi nghĩ, năm 2000 con mình vừa bước vào tuổi 18 - lứa tuổi quá đẹp, nên không thể chết, nó còn chưa biết yêu. Thế là ca từ và giai điệu cứ quanh quẩn trong đầu, tôi viết xong thì hát cho má nghe, bà nói "hay đó con"!
Ông viết cho thiếu nhi bằng trăn trở của người lớn và không giới hạn kỹ thuật khi viết. "Tôi không cho rằng viết nhạc thiếu nhi thì không được viết khó, mà phải cho dễ thuộc, dễ hát. Cốt lõi là phải viết hay. Một bài hát hay thì tự các em sẽ hát và sẽ thuộc thôi".
Vậy nên, những bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Hình Phước Liên thường có tiết tấu nhanh, khỏe khoắn, có khi chuyển đoạn nhanh và quãng cao.
Ông chưa bao giờ định hình mình là một nhạc sĩ chuyên viết cho thiếu nhi, nhưng cái duyên của ông với những bài hát thiếu nhi cứ gắn bó với nhau và đem đến cho nhau niềm vui như vậy. Cô giáo em là hoa ê-pang, Chú bò nhỏ và bác tàu lửa là 2 trong chùm 3 ca khúc được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; Năm 2000 của chúng em được bình chọn vào 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20, do báo Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện.
"Tôi không cho rằng viết nhạc thiếu nhi thì không được viết khó, mà phải cho dễ thuộc, dễ hát. Cốt lõi là phải viết hay. Một bài hát hay thì tự các em sẽ hát và sẽ thuộc thôi" - Hình Phước LiêniìnhHi2nh.
Nhạc sĩ trưởng thành từ phong trào
Tìm hiểu về hoạt động của nhạc sĩ Hình Phước Liên thì nhận thấy ông là người năng động, nhiệt tình từ khi còn tham gia trong đội văn nghệ quần chúng của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Khánh Ninh (nay là huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) cho đến khi công tác tại Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa.
Ông chia sẻ: "Nói đúng đắn thì tôi là nhạc sĩ của phong trào và có những bài hát gắn liền với các sự kiện của quê hương đất nước". Ông không ngại cho biết:"70% sáng tác của tôi là viết theo đơn đặt hàng, ví dụ như 11 lần tôi viết nhạc cho các đợt Liên hoan du lịch biển Nha Trang. Và, tôi luôn viết cẩn trọng, đề tài hoặc sự kiện nào không có cảm xúc thì tôi không nhận. Xét cho cùng thì bài nào cũng được đặt hàng để viết cả, người ta đặt hàng hoặc tôi tự đặt hàng cho tôi".
"Đơn đặt hàng" đối với ông giống như được gợi ý đề tài còn việc sáng tác vẫn là những cảm xúc nồng nhiệt của riêng ông.
Hình Phước Long nói cuộc đời đã đưa đẩy ông trở thành nhạc sĩ. Ông được cử đi học để trở thành cán bộ quản lý văn hóa (đầu những năm 1980, ông học Trường Lý luận và Nghiệp vụ văn hóa II tại TP.HCM) nhưng từ anh em cơ quan đến quần chúng nhân dân đều xem ông là người sáng tác nhạc hơn là nhà quản lý.
Bắt đầu đến với âm nhạc từ những lần tập tành chơi đàn guitar, mandolin... năm 15 tuổi, từ đó đến nay, âm nhạc luôn mang lại cho Hình Phước Liên nhiều niềm vui. Về niềm vui vật chất, âm nhạc đã đem lại cho ông một nguồn thu nhập khá, bên cạnh khoản lương từ cơ quan. Về niềm vui tinh thần, mỗi lần về quê nhà Ninh Hòa, ông thường nghe người dân ở đây hát bài Ơicon sông Dinh, hoặc đến quán ăn, quán cà phê thường có người nhận ra và chào hỏi… Ông kể cả những lá thư tay ngày xưa nhiều "em thiếu nhi" hâm mộ gửi mà ông vẫn còn giữ - nay có lẽ họ đều đã trưởng thành.
Một niềm vui của gia đình nhạc sĩ cũng nên được kể là ông có người anh trai là nhạc sĩ Hình Phước Long nổi tiếng với những bài hát về Trường Sa và 2 anh em đều đã nhận được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật trong 2 đợt khác nhau.
Ngoài âm nhạc, Hình Phước Liên có không ít đóng góp cho tỉnh Khánh Hòa ở góc độ nhà nghiên cứu văn hóa. Lễ hội cầu ngư và lễ bỏ mả của người Raglai được ông viết nhiều bài nghiên cứu, làm hồ sơ đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận năm 2012. Đến nay, dù đã nghỉ hưu 10 năm, nhưng ông vẫn chưa bao giờ hết nồng nhiệt với các hoạt động âm nhạc và văn hóa của quê nhà.
Vài nét về nhạc sĩ Hình Phước Liên
Sinh năm 1954 tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Nghệ danh: Khánh Hải. Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Các giải thưởng chính: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022 cho chùm 3 bài hát Chú bò nhỏ và bác tàu lửa, Cô giáo em là hoa ê-pang, Lấp lánh Cam Ranh; Giải thưởng Đào Tấn năm 2024 cho 2 bài hát Bà về dự chốn non tiên, Chiều nghiêng tháp cổ...