Nhạc sĩ Dương Thụ: 'Nghệ thuật đang trở về với suối nguồn trong trẻo'
(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ Dương Thụ vừa “đỡ đầu” cho một nhóm nghệ sĩ indie Hà Nội hoàn thành và phát hành CD Đi và đi gồm 6 bài do chính các bạn sáng tác và thể hiện… CD này là sản phẩm đầy tay chương trình Cà phê Âm nhạc Gương mặt trẻ của Cà phê thứ Bảy Hà Nội do ông làm giám đốc.
“Đi và đi là khát vọng sống, là tình yêu của tuổi 20, một bày tỏ mạnh dạn, đơn giản, vừa quen mà vừa lạ của các bạn trẻ thuộc dòng nhạc underground” - nhạc sĩ Dương Thụ bắt đầu cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).
Ông nói tiếp:
“Làm nhạc để bày tỏ, không chạy theo tiền bạc và danh tiếng, những người như thế đang xuất hiện ngày một nhiều. Nghệ thuật đang trở về với suối nguồn trong trẻo của nó. Đi và đi là một sản phẩm còn thô, nhưng chứa đựng được tinh thần đó”!
* Nghĩa là, theo ông, đang có sự “trỗi dậy” của indie?
- Indie thời nào cũng có. Nhưng bây giờ nhờ các phương tiện hiện đại thì dòng nhạc này được công chúng biết đến nhiều hơn. Nếu nói đúng nghĩa underground thì nó là "ngầm", không thuộc dòng chính thống và cũng không thuộc dòng showbiz. Họ (những người theo dòng indie) rất yêu âm nhạc, tự sáng tác, tự hát nhưng không chạy theo gì cả. Họ thực hiện ước mơ âm nhạc của mình bằng cách tự thu âm rồi đưa lên mạng và có những người đã có được lượng người nghe riêng cho mình.
Họ vô cùng trong sáng, làm âm nhạc vì chính mình, làm âm nhạc vì tình yêu và vì những người yêu mến họ, không quan tâm đến tiền lẫn danh.
Phần lớn những người chơi indie đều là những người có học thức, nên theo tôi thấy họ sáng tác rất văn minh, ngôn ngữ rất mới so với nhạc pop. Tôi không phản đối họ tham gia sâu vào showbiz và kiếm nhiều tiền, nhưng quả thật, như tôi đã nói, họ đã trở về với suối nguồn trong trẻo nhất của sự sáng tạo: là anh, bắt đầu từ sự rung động của anh và anh làm, rồi đưa nó đến người nghe, sau đó lại trở lại với anh. Cái vòng đó được lặp đi lặp lại nhưng không thông qua tiền và danh.
* Vậy ông “đỡ đầu” cho một số nghệ sĩ indie Hà Nội ra CD để làm gì, thưa ông?
- Sau nhiều năm theo dõi, tôi đã quyết định làm một CD tặng cho nhóm indie Hà Nội. Đương nhiên để làm được việc đó, tôi cũng đã phải bỏ tiền túi ra và mỗi người đóng góp thêm một chút. Đây không phải là làm kinh doanh mà trước hết là để các bạn ấy, những người đồng cảm với các bạn ấy có một sản phẩm.
Đi và đi cũng là sản phẩm mở đầu cho chương trình dài hơi “Gương mặt trẻ” mà tôi đã từng thực hiện dang dở. Và sau CD này sẽ là những gương mặt trẻ hơn, mới hơn.
Từ những năm 1980, tôi từng làm Đêm trẻ, Nhạc trẻ ở TP.HCM và thường xuyên làm việc với các bạn trẻ nên đây cũng là công việc thân thuộc của tôi hàng ngày, không có gì khó khăn lắm.
Tôi muốn nghệ thuật phải bắt đầu từ những người trẻ như thế này vì tôi tin rằng trong số họ, sau này sẽ có người trở thành những người sáng tác tử tế. Xuất phát điểm nó cần phải như thế. Họ không cần gì cả ngoài ngoài âm nhạc và bạn nghe. Và việc tham gia cùng với họ, thực hiện sản xuất chuyên nghiệp cho họ là để muốn ghi lại một cái gì đó mà theo tôi nó rất tốt, rất xứng đáng và rất có triển vọng.
* Trong dòng chảy indie hiện nay mà ông theo dõi, ông ấn tượng với cá nhân/nhóm nào nhất?
- Nói chung mỗi người một vẻ, nhưng tựu trung họ đã mang đến những sinh hoạt âm nhạc vô cùng trong sáng, rất mới mẻ. Tôi thường xuyên lên mạng thì thấy còn rất nhiều người hay chứ không riêng gì những người mà tôi đã làm CD cho họ.
Đó chính là một tin vui, một tín hiệu vui cho đời sống âm nhạc. Vì thế, đừng nhìn vào những chỗ kiếm tiền để đánh giá đời sống âm nhạc mà hãy nhìn vào những người sáng tạo nhưng không quan tâm đến tiền. Và tôi nghĩ bản chất của nghệ thuật là phải bắt nguồn từ những mầm mống như thế.
* Nhưng trong công chúng, đâu đó vẫn còn những hoài nghi, thậm chí “xem thường” indie. Ông có thấy thế không?
- Tôi không thấy như thế. Tôi thấy mỗi người đều có fan riêng của mình. Tôi chỉ lấy ví dụ như Thái Vũ, cậu ấy thật khủng khiếp, fan của cậu ấy rất đông, điều đó chứng tỏ indie cũng đầy sức hấp dẫn và lôi cuốn người nghe đấy chứ. Còn âm nhạc, có người thích dòng này, người khác ghét dòng kia, âu cũng là chuyện bình thường, chúng ta không nên bi quan về việc đó.
* Vậy hẳn ông rất lạc quan về tương lai của indie ở Việt Nam?
- Bất cứ một nền âm nhạc nào thì cũng có một dòng như thế này! Ngày xưa tôi cũng là dân indie, không dính đến đoàn văn công hay đài đóm nào cả. Tôi cũng cứ âm thầm làm âm nhạc như các bạn trẻ bây giờ. Tôi tin indie sẽ không chỉ tồn tại mà còn rất phát triển, vì thời đại ngày nay, âm nhạc là cho tất cả mọi người chứ không giống như xưa anh phải vào đoàn văn công thì mới thành ca/nhạc sĩ, phải có chân trong ban nhạc nổi danh mới có tiếng.
Giờ khác rồi, chỉ cần một cây đàn, bạn có thể tự hát, thu âm bằng điện thoại rồi đưa lên mạng là cũng có người nghe và có thể tự đo được khả năng cống hiến của mình.
* Xin cảm ơn nhạc sĩ Dương Thụ!
Vài nét về CD “Đi và đi” Đi và đi lựa chọn 2 giọng hát solo là Trâm Anh và Mademoiselle (tên thật là Nguyễn Hồng) và 3 ban nhạc: Veranda, HUB và Bluemato. CD gồm 6 bài: Lười - The Veranda, Hoa - HUB ft Mạc Mai Sương (vocal) và Lương Nguyệt Diệu (violin), Lam - Trâm Anh, Đi và đi - HUB ft Triệu Quân Thụy (vocal), Lương Nguyệt Diệu (violin), Rơi - Mademoiselle, Ngựa hoang - Bluemato. |
Phạm Huy (thực hiện)