Nhạc sĩ Ánh Dương đã 'bay' trên những dặm đường
Nhạc sĩ Ánh Dương - tác giả của ca khúc nổi tiếng Chào em cô gái Lam Hồng - đã qua đời ngày 8/11/2022, tại nhà riêng ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Ông để lại rất nhiều ca khúc cách mạng, sáng tác trong thời kỳ kháng chiến. Ngoài ca khúc bất hủ Chào em cô gái Lam Hồng, nhiều bài hát của ông cũng được người yêu nhạc biết đến, như: Tiếng trống tòng quân, Tạm biệt em, hợp xướng Vinh quang quân khu chúng ta...
Nhạc sĩ của nhiều ca khúc cách mạng
Nhạc sĩ Ánh Dương, tên khai sinh là Lê Văn Dương, sinh năm 1935, tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình yêu văn nghệ.
Năm 18 tuổi, chàng thanh niên Ánh Dương bắt đầu đi theo cách mạng. Ông nhập ngũ trong đợt tổng động viên phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, làm lính xung kích trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào, lính tình nguyện ở Campuchia; sau đó hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp tại Đoàn Văn công Đại đoàn 325 (Quân khu IV).
Trưởng thành từ phong trào văn nghệ chống thực dân Pháp, năm 1955, ông được cử đi học về âm nhạc trong 3 năm, do chuyên gia Triều Tiên trực tiếp giảng dạy. Năm 1958 ông trở về công tác tại Đoàn Văn công quân khu IV, có lúc là ca sĩ giọng nam trầm hát đơn ca, có khi lại tham gia hát bè, dàn dựng, phối khí, chỉ huy, sáng tác…
Nhạc sĩ Ánh Dương từng tâm sự rằng: “làm văn nghệ lúc đó làm cho vui, thích thì làm thế thôi, có ai nghĩ đến tiếng tăm gì đâu. Làm phục vụ thôi. Nó hay tự nó nổi tiếng”.
Nhiều người đã nghĩ rằng, Ánh Dương là mẫu người nhạc sĩ chỉ viết một bài. Đó là bài “Chào em cô gái Lam Hồng” - như ngọn lửa bùng cháy một lần. Song thật ra không phải như vậy, nhạc sĩ viết khá nhiều và những tác phẩm của ông đều có công chúng riêng. Ông đã khéo léo vận dụng dân ca Nghệ Tĩnh để làm nên nhiều tác phẩm âm nhạc dễ hát, dễ thuộc và đầy tình người.
Năm 1960, nhạc sĩ Ánh Dương cho ra đời bài hát “Hoa đào nở trên biên giới” được nhiều người yêu thích, với những lời ca ngọt ngào: “Kìa nghìn hoa đào đương đua nở/ Thắm khắp biên giới/ Có người bên suối nước trong/ Tiếng vọng bên rừng/ Nơi non ngàn...”. Ca khúc “Dốc lòng dốc sức giải phóng miền Nam” (1965) của ông còn là một trong mười bài quy định mà toàn quân học thuộc trong thời chống đế quốc Mỹ.
Bên cạnh đó, nhiều ca khúc khác của ông cũng được nhiều người biết đến, như: Tiếng trống tòng quân, Tạm biệt em, O dân quân và chàng lính pháo trẻ, Phu Cham Xy, Hành khúc Sư đoàn Sông Lam (Giải thưởng Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc)… và đặc biệt là bản hợp xướng Vinh quang quân khu chúng ta (1958) đã vang lên trên khắp các chiến trường khu IV.
Không chỉ sáng tác bài hát, ông còn viết thơ giao hưởng Tượng đài chiến thắng (1979) cho dàn nhạc hơi (Huy chương vàng Hội diễn toàn quốc, 1980), ballade cho giọng hát và dàn nhạc Hồi tưởng một đêm về Bác (dựa theo thơ Minh Huệ), nhạc cho múa (Múa Tày Hạy, giải thưởng Hội diễn năm 1981) và nhạc cho dân ca kịch Liên khu V.
Khiêm tốn, giản dị, yêu lao động nhưng nhạc sĩ Ánh Dương chỉ viết những gì ông thực sự thấy có ý nghĩa. Nhạc sĩ từng nói: “Tôi cả đời sáng tác nhưng chỉ ưng ý chừng vài chục tác phẩm”. Ông được kết nạp vào Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 1969.
Năm 2007, nhạc sĩ Ánh Dương được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật với cụm 4 ca khúc, gồm: Chào em cô gái Lam Hồng, Dốc lòng dốc sức giải phóng miền Nam, Hoa đào nở trên biên giới, Phu Cham Xy và thơ giao hưởng Tượng đài chiến thắng. Ông cũng được tặng Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất.
Nhạc phẩm bất hủ “Chào em cô gái Lam Hồng”
Ít ai biết rằng nhạc phẩm Chào em cô gái Lam Hồng lại được viết ra trong thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh tại quân khu IV. Thời điểm đó, đế quốc Mỹ bắn phá ác liệt trên các tuyến đường và các mặt trận. Cũng đúng lúc ấy, mọi người cần lời ca, tiếng đàn của lực lượng văn nghệ hơn bao giờ hết. Các Đoàn văn công, trong đó chủ lực là đoàn Văn công quân khu IV, đã có mặt trên các chiến trường để đem lại bài ca, tiếng hát, đem lại niềm tin quyết thắng.
Nhạc sĩ Ánh Dương từng kể rằng: “Thời kỳ đó, đoàn chúng tôi chịu rất nhiều tổn thất. Anh Nhiếp diễn viên múa, anh Văn là ca sĩ đã hy sinh vì bom... Khu IV gian khổ lắm, bom đạn bời bời như thế. Anh em văn công sẵn sàng hy sinh, dũng cảm lắm, hầu như không sợ chết là gì”.
Vào mùa hè năm 1967, nhạc sĩ Ánh Dương là cán bộ của Đoàn văn công Quân khu 4 được cử đi dự Đại hội thi đua Quyết thắng tỉnh Hà Tĩnh, tổ chức tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn.
Dự Đại hội xong, ông được mời về giúp đỡ Đoàn văn công Tỉnh đội đóng ở xã Nhân Lộc, huyện Can Lộc. Tuy đường về không xa nhưng địch đánh phá rất ác liệt, và phải đi vào ban đêm. Đêm hôm đó, trăng mờ, trời lất phất mưa, máy bay địch bắn pháo, sáng rực trời. Trên đường liên tục có các nữ thanh niên xung phong ra chào, hỏi thăm nhạc sĩ rất thân tình và vui vẻ. Đồng chí Hảo, Chủ nhiệm Chính trị, người đưa nhạc sĩ về, nói rất muốn có một tác phẩm viết về những nữ thanh niên xung phong can trường, dũng cảm này. Họ quên cả thân mình để con đường thông suốt.
Con đường 15A bom đạn cày đi, xới lại, hai bên không còn màu xanh, sống chết kề trong gang tấc, thế mà các cô gái mới mười tám, đôi mươi kiên cường bám trụ suốt ngày đêm. Xe đang chạy tự nhiên phải dừng lại. Bom nổ trước mặt. Mặc cho máy bay đang gầm rú, các cô hối hả lấp hố bom cho xe qua. Họ xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Mỗi chiếc xe đi qua trọng điểm lại bắt gặp tiếng nói, tiếng cười, lời chào thân thiện. Thỉnh thoảng lại có giọng hò bằng làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh vút lên làm xao xuyến lòng người: “Hỡi anh chiến sĩ lái xe / Chiến thắng anh về vui với chúng em… nhé”.
Chứng kiến những hình ảnh cảm động đó, trong nhạc sĩ chợt trào lên cảm xúc: “…cô gái Lam Hồng/ Giữa tiếng bom gào đạn nổ vẫn nghe vang vang câu hò trên đường…”. Ngay trong đêm đó, ông hoàn thành ca khúc Chào em cô gái Lam Hồng. Sau khi về Tỉnh đội, nhạc sĩ Ánh Dương đã đem ca khúc dàn dựng cho anh chị em diễn viên.
Đầu năm 1968, tại Đại hội thi đua Quyết thắng toàn Quân khu IV, Đoàn văn công đã dàn dựng bài hát Chào em cô gái Lam Hồng thành tiết mục tam ca để chào mừng Đại hội. Không ngờ bài hát lại cuốn hút người nghe đến thế! Chẳng mấy chốc, ca khúc lan ra toàn Quân khu, người trên sân khấu hát, khán giả ở dưới cũng vỗ tay hát theo...
Năm 1969, nhạc sỹ Đỗ Nhuận khi đó là Tổng Thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam vào dự Đại hội Quyết thắng Quân khu 4 tổ chức ở Tân Kỳ (Nghệ An), khi nghe bài hát này, ông đã ghi âm đem về Hà Nội gửi Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng rộng rãi. Kể từ đó, sức lan tỏa của ca khúc mới rộng rãi và đi vào đời sống âm nhạc của mọi tầng lớp trong xã hội.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận từng xét rằng, nét độc đáo hiếm có của “Chào em cô gái Lam Hồng” trước hết là ở tiết tấu. Bài hát này rất nhanh, rất khác lạ. Nhịp điệu lôi cuốn, có thể nói rằng chưa có tác phẩm nào mà âm nhạc lại mạnh mẽ lôi cuốn như tác phẩm này. Tiết tấu nhanh ngay từ đầu mà nét nhạc khúc chiết, chặt chẽ khiến cho tác phẩm dễ dàng gợi ra cảm hứng về đoàn quân vô tận đang vượt lên gian khó chi viện cho chiến trường.
Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam từng chia sẻ: "Nhạc sĩ Ánh Dương có nhiều sáng tác trong thời kháng chiến. Bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng” thể hiện rõ tinh thần quân dân, là tác phẩm tiêu biểu trong số đó. Ca khúc này không chỉ thể hiện hình tượng âm nhạc mà còn cho thấy hình tượng văn học nghệ thuật, hình tượng đất nước trong thời kỳ kháng chiến. Lời ca của bài hát như tuyên ngôn của bao con người giai đoạn đó - những năm tháng mà âm nhạc chính là vũ khí sắc bén của dân tộc".