Nhà văn Nguyễn Danh Lam & tiểu thuyết 'Cuộc đời ngoài cửa': Nhặt nhạnh những mảnh đời bình dị
(Thethaovanhoa.vn) - Từ khi nhận được cuốn tiểu thuyết vừa phát hành Cuộc đời ngoài cửa (Phương Nam & NXB Hội Nhà văn) do nhà văn Nguyễn Danh Lam gửi tặng, lòng tôi cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ... Có cảm giác, anh viết cuốn tiểu thuyết này chẳng mấy khó nhọc. Cứ lững thững đi dạo rồi nhặt nhạnh bao cảnh đời bình dị bắt gặp mà viết ra.
1. Dù nhà văn Nguyễn Danh Lam có dặn trước rằng cuốn sách mỏng thôi, cỡ 260 trang, thì anh vẫn kinh ngạc khi hay tôi đã đọc xong cuốn sách và nhắn nhủ sẽ giới thiệu trong Sách và Người tuần này. Chắc bị ám ảnh về việc đồng nghiệp ít khi đọc văn nhau, hoặc viết bài báo thì chỉ cần điểm qua cái thông cáo báo chí về tác phẩm là xong..., nên nếu anh chàng sinh năm 1972 này kinh ngạc thì tôi cũng không lấy làm lạ.
Tôi “biết” Nguyễn Danh Lam theo cái duyên tình cờ, bắt đầu từ tiểu thuyết Giữa vòng vây trần gian do Đông A & NXB Hội Nhà văn cho ra mắt năm 2005. Giữa vòng vây trần gian nằm trong dòng chảy của “Văn Mới”. “Văn Mới” không chỉ gồm các tuyển tập truyện ngắn chọn lọc hàng năm, mà còn có cả những tác phẩm văn học Việt Nam “lạ và độc đáo” do họa sĩ Trần Đại Thắng thực hiện, bên sự hỗ trợ tuyển chọn giới thiệu của nhà văn Hồ Anh Thái. Dòng “Văn Mới” đã khích lệ rất nhiều sáng tạo của các tác giả đang hăng say với những đổi mới về cách kể và văn phong.
Sau loạt “Văn Mới”, gần đây, dường như không còn tìm thấy được phong trào sáng tác mạnh mẽ như thế. Nhiều tác phẩm văn xuôi sau này cứ chìm dần nhạt dần, để đến nỗi đánh mất đi ít nhiều niềm tin của bạn đọc về sự sâu sắc, đậm đà của văn chương nước nhà.
Đọc Giữa vòng vây trần gian của Nguyễn Danh Lam hồi đó, ám ảnh nhiều nhất trong tâm trí tôi đến lúc này vẫn là sự lạc lõng cô đơn cùng cực của con người giữa biển nhân sinh và bất trắc cuộc đời. Tiểu thuyết mang nặng bao chiêm nghiệm về ý nghĩa tồn tại của kiếp sống luôn bị vây kín trong vòng xoáy trần gian. Cách kể trong cuốn sách cũng lạ, cứ miên man theo tâm thức mà không cần một bộ khung cốt dẫn dắt. Bảo tóm tắt lại truyện thì không thể, tác phẩm ám ảnh người đọc bằng không gian tâm tưởng của tác giả qua từng con chữ. Mà thế là đủ cho một văn tài.
Sang năm 2010, nhà văn Nguyễn Danh Lam nhận được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam cho cuốn tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc, sau giải Nhì cuộc thi Truyện ngắn của Tuấn Báo Văn nghệ Hội nhà văn 2006 – 2007, thì tôi thấy đường văn chương đã trải thảm hoa hồng (dù sau mỗi cánh mỏng vẫn loáng thoáng gai nhọn) cho người tưởng sau khi Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. HCM, thì sẽ chọn nghiệp mỹ thuật.
2. Từng phỏng vấn viết bài về Nguyễn Danh Lam, từng điện thoại hẹn hò gặp gỡ nhau... vậy mà lúc này, chúng tôi chưa từng... giáp mặt nhau lần nào. Ngày trước, nếu dừng lại việc đọc tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam để ngẫm ra tác giả, tôi cứ ngỡ đấy là kẻ ít nói, lầm lũi cô đơn mang dáng vẻ tự kỷ tuyệt vọng không thể hòa nhập với bất cứ mối quan hệ nào... thì khi nghe chuyện từ cánh văn chương mới hay Nguyễn Danh Lam vui vẻ, nhiệt tâm, thích quan tâm đến mọi sự ‘thế thái nhân tình”, hễ có gì chướng mắt thì chộp ảnh tung facebook bình luận ngay tắp lự, sẵn lòng đặt vé để bay ngay về Hà Nội chỉ để đi chơi rong ruổi với anh chị em đồng nghiệp một ngày... và hơn nữa còn nhắng nhít hài hước, thậm chí còn giỏi cả buôn... “chuyện bậy”.
Trong tiểu thuyết Cuộc đời ngoài cửa, Nguyễn Danh Lam lại thoát ra khỏi những tếu táo bông đùa đa sự, thành một ông già kể chuyện thâm trầm. Lần này, hoàn toàn có thể tóm tắt về hành trình của một cựu giáo viên bỏ nghề chỉ có thể nhắm mắt ngủ khi vùi say trong men bia, để lại đằng sau một gia đình tan nát, lang thang trên nẻo đường khám phá vùng miền cùng cô con gái lầm lũi, ít nói, ít muốn chia sẻ, niềm thích thú duy nhất là cái điện thoại để tán gẫu với bạn (kể cả người bạn mà cô bé chẳng ưa gì), lướt web hay chơi game.
Có cảm giác Nguyễn Danh Lam viết cuốn tiểu thuyết này chẳng mấy khó nhọc. Cứ lững thững đi dạo rồi nhặt nhạnh bao cảnh đời bình dị bắt gặp mà viết ra. Quay trở lại Lạc giữa vòng vây trần gian, nhân vật chính cứ mải miết giữa dòng sông không thấy đâu là bến đậu, nhưng rồi vẫn tìm ra được cái bến “vô thường”. Sang Cuộc đời ngoài cửa, có cảm giác Nguyễn Danh Lam đã đi lạc khỏi bến ấy.
Thì cứ kệ dòng đời chảy, bởi con người khi đã sinh ra luôn mang sự cô đơn từ tiền kiếp, nên cứ buông bỏ mặc kệ kể cả khi trong lúc bão bùn vây khốn không biết neo đậu vào đâu, thì hãy cứ tìm bến vô thường trong tâm trí. Đừng để lạc mất nó. Mọi sự sẽ an ổn thôi.
Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa