Nhà văn Ma Văn Kháng - gom sự đời lên trang sách
(Thethaovanhoa.vn) - Bên cạnh Mùa lá rụng trong vườn được trích đoạn đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12, cho đến thời điểm hiện tại, ông đã có 20 tiểu thuyết, hơn 200 truyện ngắn được xuất bản. Trong đó có nhiều tác phẩm nổi bật như các tiểu thuyết Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Mưa mùa Hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú… Gần đây nhất, năm 2019, ở vào tuổi 83, ông xuất bản tiểu thuyết Mãi mãi một thời Thiếu sinh quân.
Là một người có thói quen ghi chép và quan sát tỉ mỉ, mọi diễn biến của cuộc sống xung quanh đều được nhà văn Ma Văn Kháng thu vào đôi mắt tinh nhạy của mình. Như cách nhà văn vẫn thường nói đùa với mọi người rằng: “Chỉ cần máy ghi âm của một điệp viên, cứ ghi chép lại, cũng đã thấy cuộc sống tươi đẹp, phong phú và lạ lùng như thế nào, không cần hư cấu thêm gì cả”.
- Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK (kỳ 3): Nhà thơ Y Phương - Một đời nặng lòng với văn hóa 'người đồng mình'
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 2): 'Làm anh' – 'bài thơ quốc dân' về tình cảm anh em
“Viết chính câu chuyện của đời mình”
Xưa nay, nhiều người vẫn quan niệm rằng, viết tiểu thuyết luôn cần phải hư cấu, viễn vọng với cuộc sống đời thực để trang viết có sức hấp dẫn nhờ phần bay bổng trong tâm hồn của nhà văn. Có lẽ điều này lại trái ngược với quan điểm của Ma Văn Kháng. Sau hàng chục tiểu thuyết đã xuất bản và ghi được dấu ấn lớn, cho đến nay, ông vẫn khẳng định một điều chắc nịch rằng: “Có thể nói toàn bộ những tác phẩm của tôi là những trải nghiệm của đời tôi. Đó là một khuynh hướng, một đặc điểm trong sáng tác của tôi. Không đi viết chuyện của người khác mà viết chính câu chuyện của đời mình. Chính vì điều đó giúp cho tác phẩm của tôi có thêm phần sinh động”.
Có thể nói, hiếm có nhà văn nào lại có một cuộc đời nhiều trải nghiệm sống khổ sở như nhà văn Ma Văn Kháng. Được trực tiếp lắng nghe những chia sẻ về cuộc đời, về nghề viết, về đời sống văn chương của người nhà văn này mới thấu hiểu tại sao những trang viết của ông lại thẫm đẫm sự đời đến như thế.
Suốt tuổi trẻ của mình, nhà văn Ma Văn Kháng sống và làm việc ở một tỉnh miền núi xa xôi - Lào Cai. Sau 22 năm, trở về Hà Nội làm việc, dường như cái khổ vẫn đeo bám, nhà văn từng sống ở một nơi chỉ như túp lều con con, vẻn vẹn 8 - 9m2 ở ngõ 221 Nguyễn Khuyến với những khó khăn, thiếu thốn đến cùng cực.
Thế nhưng, chính những hoàn cảnh sống ấy lại là nguồn văn liệu dồi dào cho những sáng tác, nói như nhà văn Bùi Đình Thi thì “Ma Văn Kháng như chuột sa chĩnh gạo”. Sống ở giữa không gian, thời gian đầy chất liệu của tiểu thuyết. “Cuộc sống xung quanh diễn ra vô cùng sinh động và phong phú. Người ta trò chuyện, chửi mắng nhau, người ta kèn cựa nhau, người ta vui vẻ, yêu thương nhau, cứ ghi chép lại cũng đã thấy cuộc sống tươi đẹp, phong phú và lạ lùng như thế nào, không cần hư cấu thêm gì cả” - nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ.
Nhớ lại những năm tháng cơ cực nhất của đời mình, trong cuốn hồi ký Những năm tháng nhọc nhằn, những năm tháng nhớ thương, nhà văn Ma Văn Kháng viết: “Trong những ngày cơ khổ ở túp nhà ổ chuột trong cái hẻm thuộc ngõ 221 phố Nguyễn Khuyến, viết được trang nào là lại cất xuống gầm giường cùng đám nồi niêu xoong chảo, tôi đã có được tiểu thuyết Mưa mùa Hạ. Những ngày ăn đói mặc rét, chân tay tê cóng co quắp vì bệnh thấp khớp, ở ngôi nhà tập thể trên phố Cốc Lếu tỉnh Lào Cai, tôi đã viết được Đồng bạc trắng hoa xòe…”.
Balzac - bậc thầy của tiểu thuyết văn học hiện thực từng cho rằng: “Nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại”. Điều này có lẽ đúng với nhà văn Ma Văn Kháng. Những trang viết thấm đẫm chất đời, giàu chất tự truyện nổi bật lên là tinh thần hướng đến cái đẹp, trân trọng và đề cao con người nhân bản.
Với nhà văn Ma Văn Kháng: “Viết là sự ngẫu hứng có tính nghệ thuật cao, đồng thời là sự phản ánh vốn sống, ký ức, kỷ niệm của nhà văn. Sống rồi mới viết chứ không thể vừa sống vừa viết được. Viết là hệ quả tất yếu của sự trải nghiệm, trải nghiệm phải được trau chuốt, phải được ấp ủ, lên men ở trong người để trở thành vốn sống, máu thịt của bản thân. Không phải ghi chép hiện thực là có thể viết được ngay, phải sống và trải nghiệm trước đã. Như vậy, phải sống một thời gian, vốn sống phải tiềm ẩn trong cảm xúc, trong nhận thức ở con người mình, biến động và bật trội lên thành cảm hứng sáng tác”.
Sở hữu một trữ lượng lớn vốn sống từ những trải nghiệm của chính mình là một lợi thế để nhà văn Ma Văn Kháng “chỉ cần khẽ có nhân tố bên ngoài tác động là cảm hứng sáng tác có thể tuôn ào ào, chảy ròng ròng xuống trang giấy một cách dễ dàng”. Đó là một trong những câu trả lời lý giải vì sao nhà văn lại viết sung sức đến thế.
Nghề văn là… “món nợ đời không bỏ được”
Từ truyện ngắn đầu tay Phố cụt đăng trên báo năm 1961, tính đến nay đã gần 60 năm, nhà văn Ma Văn Kháng theo đuổi nghiệp cầm bút. Trong giới văn chương, có lẽ nhà văn Ma Văn Kháng là một cây bút viết sung sức bậc nhất, vượt ra ngoài quy luật của tuổi tác. Điều này được minh chứng bằng tiểu thuyết Mãi mãi một thời Thiếu sinh quân được xuất bản năm 2019, khi nhà văn ở vào tuổi 83.
Nói về sức hấp dẫn của nghề văn, nhà văn Ma Văn Kháng từng chia sẻ: “Nhà văn cặm cụi với từng con chữ, tôi thích hình dung người viết văn ở nước ta như vậy. Và sức hấp dẫn của nghề văn với tôi, trước hết là thế, là ở sự cặm cụi âm thầm với từng con chữ, để rồi qua tổng thể phóng chiếu như thấm nhuần phép lạ, tạo nên một chế phẩm văn chương hoàn thiện, đẹp lộng lẫy nguy nga”.
Có thể nói, nhà văn Ma Văn Kháng đã dành trọn cả cuộc đời mình cho văn chương, cho nghề văn. Bởi nhà văn luôn coi nghề văn là một duyên nợ đời mình. “Như một cái nghiệp đeo vào mình, quàng vào mình, dứt ra không được, một món nợ đời mà không bỏ được. Nhà văn cũng được đào tạo nhưng có ai bắt anh phải viết không? Không viết cũng được có sao đâu, anh hứng thì viết, không hứng thì thôi. Nhưng tại sao lại viết? Vì có cảm hứng tự thân, một yêu cầu tự thân, và yêu cầu ấy là một duyên nợ của cuộc đời mà mỗi người tự gánh vác, tự đeo vào đời mình, đeo đẳng suốt cuộc đời mình và mình sẽ cố gắng để thực hiện, thỏa mãn nhu cầu của bản thân mình, rồi đóng góp cho xã hội” - nhà văn Ma Văn Kháng bộc bạch.
Ở vào độ tuổi ngoài 80, đã đi qua thời điểm sung sức nhất của bút lực, ông thừa nhận: “Thực ra mà nói, đời người có hạn, nghệ thuật là vô cùng. Tôi cảm nhận rằng những năm sung sức của tôi còn kéo tương đối dài so với nhiều nhà văn, tôi viết được trong thời gian khá lâu. Thời sung sức của tôi có thể nói là giai đoạn tôi viết Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, Côi cút giữa mảnh đời, Một mình một ngựa... Những tác phẩm sau này tôi vẫn cố giữ được ngọn lửa nhiệt tình và cảm hứng nghệ thuật rất dồi dào của bản thân, nhưng vẫn thấy được dần dần sức cảm nhận, bút lực đã tan loãng đi. Đó là hiện thực mà không nhà văn nào có thể chống lại được. Đó là quy luật tất yếu của tuổi tác”.
Dẫu sự hữu hạn của đời người cản ngăn nhà văn tìm được cảm hứng sáng tạo thế nhưng đối với tác phẩm văn chương, nghệ thuật thì ngược lại. Nói như nhà văn Nga - Xantưkhôp Sêđrin (Saltykov Shchedrin): “Nghệ thuật nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Những tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng cũng vậy, những truyện ngắn thấm đẫm nhựa sống cuộc đời, những tiểu thuyết biên niên thời đại của nhà văn vẫn sẽ sống và vẹn nguyên giá trị ở mọi thời điểm lịch sử mãnh liệt và bền bỉ đúng như cách nhà văn Ma Văn Kháng sống trọn đời mình với văn chương.
Vài nét về Ma Văn Kháng Nhà văn Ma Văn Kháng, tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh năm 1936 tại Hà Nội, là một cây bút lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông viết nhiều và thành công ở hai thể loại: truyện ngắn và tiểu thuyết. Với những đóng góp quan trọng đối với nền văn học hiện đại Việt Nam, nhà văn Ma Văn Kháng đã nhận nhiều giải thưởng văn học danh giá: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1985), Giải thưởng Văn học Đông Nam Á - ASEAN (1998), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh (2012). |
Công Bắc