Nhà văn Linh Lê tái xuất với 'Đào': Chẳng dễ dàng để đi một lối khác!
(Thethaovanhoa.vn) - Vậy là sau gần 7 năm, Linh Lê mới tái xuất cùng tiểu thuyết Đào. Quãng ngơi vừa qua chị dành cho việc in một tập thơ (năm 2015) và việc riêng. Khác các tiểu thuyết như Không khóc ở Kuala Lumpur, Mùa mưa ở Singapore, Người tình Sài Gòn, cuốn sách lần này tuy viết về đời kỹ nữ nhưng thiên về khai thác nội tâm và vắng hẳn cảnh nóng.
Tiểu thuyết Đào của Linh Lê tuy được cho là lấy cảm hứng từ hiện thực, nhưng cũng phảng phất một chút không khí từ Kiều, khi mà các kỹ nữ phải “Cung thương làu bậc ngũ âm/ Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”. Cũng như những sách trước đây của Linh Lê, báo chí và dư luận đang khá hào hứng với Đào, và khu vực TP.HCM sách đang bán chạy.
Hai cái tôi ngược chiều
Điểm nổi bật và cũng hơi “quái đản” của Đào là có hai nhân vật chính cùng xưng “tôi”, họ đi từ “kẻ đối nghịch” thành “tình đồng nghiệp”. Họ chia nhau 38 chương của tiểu thuyết, mỗi người 19 chương, xen kẽ lần lượt cái tôi của Quyên, rồi đến cái tôi của Cát.
Ít có tiểu thuyết nào viết về hai cái tôi, lại theo hai dòng ý thức ngược chiều nhau giống như Đào, đây là điều quái đản đầu tiên. Sự quái đản tiếp theo chính là dù có ý tìm kiếm nhau (ít nhất là Quyên muốn tìm kiếm Cát), nhưng cuối cùng sự gặp mặt chóng vánh của họ có cũng như không, vì dường như ai đã có con đường nấy rồi.
Chính cấu trúc kép và ngược này làm cho Đào khó đọc hơn các tiểu thuyết trước đây của Linh Lê rất nhiều. Với nhiều độc giả chưa quen với cấu trúc hơi phức tạp, có thể đọc đến nửa cuốn sách vẫn chưa nhận ra sự khác biệt tôi nào với tôi nào. Cộng vào đó, Linh Lê dường như không có ý - hoặc là quên - tạo sự khác biệt văn phong và văn ngôn cho hai cái tôi đó. Cái tôi kỹ nữ cũng ăn nói văn vẻ, bài bản, triết lý y như cái tôi nhà báo.
Nếu trong ba tiểu thuyết trước của Linh Lê thì dấu vết “tự truyện”, “nhật ký” khá là nhiều, thì trong Đào chỉ còn là sự mô tả lững thững, hơi bàng quan. Với tiểu thuyết dù còn non tay như Không khóc ở Kuala Lumpur, độc giả vẫn tìm thấy nhiều điểm như là tự truyện, nhiều trang viết đầy bản năng, xứng đáng để tò mò, theo đuổi. Đọc Đào chẳng có những “phút thú nhận” như thế, cũng chẳng có cảnh nóng, phát ngôn gây sốc để theo đuổi, mà chỉ là một sự chiêm nghiệm đời qua các lớp màng lọc, nên mọi thứ còn lại loáng thoáng, nhiều khi “chỗ không thấy” còn quan trọng, đậm nét hơn “chỗ thấy”.
Trong một cuộc trò chuyện, Linh Lê cho biết: “Với riêng Đào, quá trình viết khá vất vả bởi tôi làm mất bản thảo khi viết gần xong vì cái tính chủ quan và đãng trí của mình, và phải viết lại từ đầu.
Trong thời gian viết lại, tôi trải qua những cảm giác khó chịu và dễ chịu với bản thảo này, đặc biệt tôi cũng có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khác với văn chương cũng như đời sống riêng. Những trải nghiệm này đã không xuất hiện trong thời gian tôi thai nghén bản thảo đã mất. Càng về sau, càng viết tôi càng thấm, càng viết tôi càng nhận ra vẻ đẹp của câu chuyện, và Đào trở thành tác phẩm tôi yêu thích nhất của mình từ trước đến nay. Có lẽ, tôi nên cảm ơn sự việc hy hữu và có phần duyên phận này”.
Và Linh Lê cũng chia sẻ: “Đào có rất nhiều chất liệu của hiện thực và qua đó, tôi xây dựng câu chuyện của riêng mình. Tôi thích một câu nói của John Lennon: Hiện thực để lại nhiều điều cho tưởng tượng. Tôi cho rằng một cuốn tiểu thuyết hay không thể thiếu hai yếu tố này. Cuộc sống và văn chương của tôi, không phân định thế nào là hiện thực, thế nào là tưởng tượng, tôi chỉ biết rõ những thứ tôi tin tưởng và như thế tôi viết”.
Một bước tiến về nghề nghiệp
Về mặt thủ pháp nghệ thuật và tầm vóc câu chuyện, có thể nói Đào là một bước tiến về mặt nghề nghiệp của Linh Lê. Quãng ngơi gần 7 năm và 1 tập thơ đã cho Đào thêm cơ hội để sâu lắng, chững chạc, nhiều gửi gắm hơn.
Nếu hỏi Đào có phải là tiểu thuyết hấp dẫn không? Thì câu trả lời có lẽ là không. Vì những lý do như đã nói ở trên, cùng với cấu trúc hơi nặng về tính thể nghiệm, gần với dân “chuyên văn” hơn là các độc giả phổ thông. Cái kết buồn, để ngỏ, nhiều chất phi lý… cũng làm giảm đi động lực tạo “tin đồn”, sự lan tỏa tự nhiên từ độc giả cho cuốn sách. Nhiều độc giả thích cảnh nóng, thích sự phiêu lưu của tuổi thanh xuân thường thấy trong các tiểu thuyết của Linh Lê sẽ có phần hụt hẫng trong tác phẩm này.
Theo một nghiên cứu khoa học tái công bố năm 2012 của Đại học Quốc gia TP.HCM, độc giả và khán giả Việt Nam đầu thế kỷ 21 thường cảm thấy dễ gần hơn với các tựa đề sách/phim/kịch có 4 - 5 tiếng, kiểu như Người tình Sài Gòn. Những tựa đề 1-2 tiếng như Đào thường được xem là có tính “bất thường”, “thể nghiệm”, “nhiều thách thức”, “khó gần”. Nếu trong tiểu thuyết mới này, Đào là Cát hoặc là Quyên thì sẽ thú vị hơn khá nhiều, vì tên tác phẩm vừa là tên người, vừa là tên của công việc. Đặt tên là Đào, độc giả dễ tưởng đây là một cô tên Đào nào đó, đọc rồi mới biết đây là cách gọi các kỹ nữ, các cô đào, các “gái ngành”…
“Bị lừa dối, tức bị coi là công cụ, vì vậy, luôn là một cảm giác hãi hùng. Dối trá và công cụ hóa con người là một chủ đề xuyên suốt trong Đào. Tất cả những sự xa hoa, sang trọng, những kiến thức văn hóa, nghệ thuật, đều trở nên vô nghĩa, vô giá trị, khi được đắp lên những con người, mà trong trường hợp này là những người đàn bà, để biến họ thành công cụ, thành những mặt hàng có giá trị thương mại cao hơn” - nhà nghiên cứu Trịnh Hữu Tuệ nhận định.
Chính những nhận định như vừa nêu càng cho thấy sự tiến bộ về tầm vóc và nghề nghiệp của Linh Lê, nhưng chưa chắc đã là một bảo chứng với độc giả phổ thông. Nếu khó như vậy mà Đào vẫn bán chạy, vẫn được chào đón nồng nhiệt, thì đáng mừng cho tác giả và độc giả. Còn nếu sau chút dư âm ồn ào có thể do hiệu ứng còn lại từ các tiểu thuyết cũ, Đào rơi vào sự ơ hờ, thì cũng có thể hiểu được, vì mở một lối đi khác chẳng dễ dàng gì!
Văn Bảy