Nhà văn Lê Văn Nghĩa 'giật mình' gặp lại David Dao sau nửa thế kỷ
(Thethaovanhoa.vn) - Hình ảnh một đàn ông người Mỹ gốc Việt tên Đào Duy Anh (David Dao) bị cảnh sát Mỹ lôi thô bạo khỏi máy bay của hãng United Airlines (UA) đến chảy máu mặt khiến dư luận phẫn nộ trong mấy ngày qua. Thật bất ngờ, nhờ việc này nhà văn Lê Văn Nghĩa đã gặp lại nhân vật của mình sau hơn nửa thế kỷ bặt tin nhau.
- Ký ức Sài Gòn của Lê Văn Nghĩa qua ngôn ngữ Sài Gòn xưa
- Nhà văn Lê Văn Nghĩa tiếp tục dòng ký ức về Sài Gòn – Chợ Lớn
- Nhà văn Lê Văn Nghĩa: Sài Gòn trong tôi như một mạch sống ngầm
Thật bất ngờ, khi ông Đào Duy Anh ở Mỹ đang hành nghề bác sĩ – một trong những nghề có vị trí xã hội cao trong xã hội Mỹ. Bất ngờ hơn, ông Đào Duy Anh còn là nhạc sĩ với ca khúc nổi tiếng Tát nuớc đầu đình. Bác sĩ Đào Duy Anh năm nay 69 tuổi, hiện sống tại Kentucky. Ông có 5 người con thì đến 4 người là bác sĩ và vợ của ông cũng là bác sĩ.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa cho biết: “Anh Đào Duy Anh còn là nhân vật trong truyện dài Mùa Hè năm Petrus của tôi”.
Truyện dài Mùa Hè năm Petrus đã tái bản nhiều lần, có sự xuất hiện của bác sĩ, nhạc sĩ Đào Duy Anh
Lật Mùa Hè năm Petrus đến trang 289 và trang 455, sẽ bắt gặp nhân vật có tên Duy Anh đang chơi trong ban nhạc học đường. Trong sách, nhà văn Lê Văn Nghĩa viết về ban nhạc này ở trang 455: “Họ là bốn chàng trai trẻ, ở lứa tuổi 18 – là học sinh Petrus Ký. Cùng học quốc nhạc do thầy Nguyễn Hữu Ba dạy từ truờng Petrus Ký và sau đó là truờng Quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ. Đó là Phuớc Kiệt – thổi sáo và chơi sanh tiền, Duy Anh chơi đàn bầu và bộ trống, Trang thủ cây đàn nhị, và Chuơng nguời trẻ nhất ngồi bắt chéo chân để đặt cây đàn tranh”.
Trang 289 có miêu tả cảnh ban nhạc học đuờng của bác sĩ Đào Duy Anh mặc áo dài, khăn đóng từ những năm 1960
Trang 455 miêu tả bác sĩ Duy Anh chơi nhạc cụ dân tộc là đàn bầu và bộ trống
Còn trang 289, nhà văn miêu tả ban nhạc này, như sau: "Tất cả các anh trong ban nhạc đều trong trang phục khăn đóng, áo dài đã tạo nên một nét khác lạ trong trang phục sân khấu của học sinh các truờng khác".
Như vậy, nhân vật Duy Anh trong Mùa Hè năm Petrus chơi trong nhạc cụ dân tộc trong một nhóm nhạc từ thời học phổ thông. Nhà văn Lê Văn Nghĩa, khẳng định: “Bác sĩ Đào Duy Anh là học sinh truờng Petrus Ký, ông là học trò của nhạc sư Nguyên Hữu Ba. Ông là một trong những thành viên của ban nhạc Bách Việt mà tôi đã viết trong quyển Mùa Hè năm Petrus. Nhờ chuyện anh bị đối xử thô bạo trên máy bay ở Mỹ tôi mới gặp lại anh, cũng phải hơn nửa thế kỷ rồi chúng tôi bặt tin nhau”.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa (đứng bên phải) trong một lần về thăm lại trường Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong)
Truyện dài Mùa Hè năm Petrus lấy bối cảnh, con nguời và sinh hoạt những năm 60 thế kỷ truớc khi nhà văn Lê Văn Nghĩa đi học tại ngôi trường mang tên nhà bác học Petrus Truơng Vĩnh Ký. Truờng Petrus Ký khi xưa hay truờng chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) hiện nay thường xuyên sản sinh ra nhiều người tài giỏi góp phần xây dựng xã hội ở nhiều lĩnh vực khác nhau.