Nhà văn Lê Phương Liên với 'Nữ sĩ thời gió bụi': 'Tiểu thuyết lịch sử vẫn có thể đầy lãng mạn'
(Thethaovanhoa.vn) - Liệu một tiểu thuyết lịch sử có cần sự bay bổng, mộng mơ như những sáng tác cho thiếu nhi? Trả lời băn khoăn này, nhà văn Lê Phương Liên khẳng định: "Trước hết tôi nghĩ rằng chúng ta không nên tách rời tiểu thuyết lịch sử ra khỏi văn học thiếu nhi".
Dường như Nữ sĩ thời gió bụi đã minh chứng cho quan điểm đó của bà, cũng minh chứng cho một phong cách viết tiểu thuyết dã sử.
Cánh diều lớn muốn bay cao phải có dây vững chắc
* Viết tiểu thuyết khó 1 thì viết tiểu thuyết mang yếu tố lịch sử khó 10, khó trăm. Bởi lẽ vậy mà không phải nhà văn nào cũng dám lựa chọn thể loại này. Liệu bà có đặt mình vào thế khó khi thực hiện “Nữ sĩ thời gió bụi”?
- Trước hết, tôi là người có tính cách “thích việc khó”. Thuở nhỏ đi học tôi không chịu bó tay trước các bài toán khó, khi tìm ra được cách giải toán khó tôi rất thích thú. Sau này tôi được học rồi dạy toán, lý và luôn được bạn bè, thầy giáo, đồng nghiệp… đánh giá cao nhưng tôi đã không theo nghề toán, lý. Tôi lựa chọn con đường khó khăn khác là văn học thiếu nhi.
Với công việc đọc và viết truyện danh nhân lịch sử tôi không phải là người xa lạ. Tôi đã từng làm biên tập truyện lịch sử cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng với những Trăng nước Chương Dương của Hà Ân hay Sừng rượu thề của Nghiêm Đa Văn.
Hơn 20 năm qua, tôi là 1 trong những người viết lời cho Bộ tranh truyện lịch sử Việt Nam. Những cuốn Đinh Bộ Lĩnh, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Bùi Thị Xuân, Quang Trung… là những cuốn sách không chỉ xuất bản 1 lần mà thường xuyên được tái bản, liên tục hàng năm.
Tuy vậy để thực hiện được cuốn tiểu thuyết Nữ sĩ thời gió bụi lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Đó là một việc khó nhất trong đời viết văn của tôi, lại bắt đầu thực hiện ở thời điểm tôi đã gần 70 tuổi. Tôi đã dành thời gian 3 năm để viết và sửa đi sửa lại bản thảo. Có những đoạn tôi viết đi viết lại 5 lần mới cảm thấy ưng ý.
* Có ý kiến cho rằng người viết truyện dã sử chỉ lấy nhân vật, sự kiện trong lịch sử làm cái cớ để phát triển những nội dung hư cấu trong sáng tác của mình. Điều này có xảy ra khi nhà văn viết “Nữ sĩ thời gió bụi”?
- Có một nhà văn viết truyện lịch sử đã nói đại ý: “Lịch sử chỉ là cái đinh để nhà văn treo bức tranh sáng tạo của mình”. Nếu hiểu sáng tạo tiểu thuyết lịch sử như vậy cũng là một cách nói thú vị. Để viết tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi tôi phải tìm ra một hướng sáng tạo.
Trước hết bà Đoàn Thị Điểm là nhân vật có thật, tư liệu về bà để lại khá đầy đủ phong phú được sưu tầm dịch thuật chu đáo đã được giới nghiên cứu công nhận chính thức. Trong quá trình xây dựng cốt truyện tiểu thuyết Nữ sĩ thời gió bụi tôi đã bám sát cuốn Một điểm tinh hoa (của PGS-TS Trần Thị Băng Thanh).
Ví dụ, trong tư liệu ghi “Thay anh kính mừng quan Hiệp trấn”. Đọc dòng tư liệu đó, tôi tưởng tượng ra một tình huống, một cảnh ngộ sống động để làm nổi bật sự kiện bà Điểm làm câu đối mừng quan Hiệp trấn thay anh trai. Tôi tự đặt ra các câu hỏi: Tại sao bà Điểm lại phải thay anh viết câu đối mừng quan Hiện trấn? Ông Đoàn Doãn Luân bị ốm ư? Ốm rất nặng? Tại sao trong xã hội phong kiến phụ nữ bị coi khinh, không được đi học, đi thi… nhưng quan lại đồng ý cho một phụ nữ thay anh viết câu đối mừng quan Hiệp trấn? Khi đã trả lời được những câu hỏi đó, tôi tưởng tượng để viết ra những trang văn miêu tả một cảnh ngộ rất đặc biệt gay cấn dẫn đến cái chết của Đoàn Doãn Luân trong phần thứ ba của chương II (Tùng tàn, trúc gãy, chỉ còn mai xanh).
Tôi đã gọi tiểu thuyết Nữ sĩ thời gió bụi là tiểu thuyết dã sử bởi đó không phải là chính sử, đó cũng không phải là văn bản minh họa tiểu sử bà Đoàn Thị Điểm. Đó là sản phẩm tưởng tượng của tác giả. Tác giả không chỉ dựng ra cốt truyện mà còn phải tạo ra một hệ thống nhân vật có tên tuổi trong lịch sử và cả những nhân vật vô danh. Việc tưởng tượng này có sở cứ, không vu vơ. Giống như, một cánh diều lớn muốn bay cao phải có dây vững chắc.
"Trước sau như một tôi vẫn là người viết cho thiếu nhi"
* Những năm trước đây, tiểu thuyết lịch sử hay những sáng tác mang tính sử thường vắng bóng trên văn đàn. Song một vài năm trở lại đây, những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử lại trở lại rầm rộ và tạo được tiếng vang, tiêu biểu như “Từ Dụ thái hậu” của Trần Thùy Mai. Liệu các nhà văn có nên quan tâm nhiều hơn đến những mảng sáng tác mang tính sử?
- “Tính sử" trong các tác phẩm văn học, dù là văn, thơ, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, tản văn… nếu được nhà văn sử dụng “đắc địa” đều sẽ làm cho tác phẩm có chiều sâu văn hóa tăng thêm bản sắc của tác phẩm. Tuy vậy viết tác phẩm có “tính sử” hay viết tiểu thuyết lịch sử đều là việc khó, đòi hỏi người viết rất cao.
* Để so sánh, công việc viết cho thiếu nhi suốt 50 năm qua của bà với việc sáng tác một tiểu thuyết dã sử đầu tay dài hơi trong suốt 3 năm, có gì khác? Liệu một tiểu thuyết lịch sử có cần sự bay bổng, mộng mơ như những sáng tác cho thiếu nhi?
- Trước hết tôi nghĩ rằng chúng ta không nên tách rời tiểu thuyết lịch sử ra khỏi văn học thiếu nhi. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng, 1 trong những nhà văn đặt nền móng cho văn học thiếu nhi Việt Nam là tác giả các tiểu thuyết lịch sử xuất sắc Đêm hội Long Trì, kịch lịch sử Vũ Như Tô, các truyện lịch sử cho thiếu nhi An Dương Vương xây Thành Ốc, Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Nhà văn Tô Hoài, tác giả Dế mèn phiêu lưu ký đã có bộ 3 tiểu thuyết lịch sử Chuyện nỏ thần, Đảo hoang, Nhà Chử. Hay tác phẩm Búp sen xanh tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng được coi là một dấu ấn trong quá trình đổi mới văn học thiếu nhi Việt Nam. Nếu đọc các tác phẩm An Dương Vương xây Thành Ốc (Nguyễn Huy Tưởng) hay Đảo hoang (Tô Hoài) thì dễ thấy rằng các tiểu thuyết lịch sử này rất bay bổng, mơ mộng hoàn toàn không nghiêm cẩn, khô khan.
Với Nữ sĩ thời gió bụi, nếu không phải là người chuyên viết cho thiếu nhi thì tôi đã không thể viết được cuốn tiểu thuyết dã sử như NXB Phụ nữ đã nhận xét tác giả đã có “cách tiếp cận dân dã”. Tôi cho rằng tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi có thể cho các em học sinh trung học phổ thông, lứa tuổi 14 -17 đọc rất tốt.
Nếu người viết tiểu thuyết lịch sử mà nghiêm cẩn khô khan thì bạn đọc người lớn cũng không thích đọc. Trong tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi có những trang hoàn toàn là văn học thiếu nhi như những đoạn tả cậu bé Lê Hữu Trác chơi đùa cùng 2 cháu Lệnh Khương, Doãn Y (con của ông Doãn Luân). Như vậy không nên quá cứng nhắc phân biệt thuật ngữ tiểu thuyết lịch sử và thuật ngữ văn học thiếu nhi, mà nên căn cứ vào tác giả và tác phẩm cụ thể. Có những tiểu thuyết lịch sử rất lãng mạn bay bổng và cũng có những cuốn sách gọi là văn học thiếu nhi mà nghiêm cẩn, khô khan, cứng nhắc.
- Nhà văn Lê Phương Liên với 'Nữ sĩ thời gió bụi': Chân dung một Hồng Hà nữ sĩ toàn bích
- Nhà văn Lê Phương Liên với 'Nữ sĩ thời gió bụi': Như có 'Thiên mệnh' để viết về Đoàn Thị Điểm
* Tiểu thuyết "Nữ sĩ thời gió bụi" liệu có phải một dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Lê Phương Liên? Trong tương lai, bà có dự định tiếp tục với những sáng tác tương tự như “Nữ sĩ thời gió bụi”?
- Đối với tôi việc viết tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi là một duyên phận mà tôi muốn thực hiện trọn vẹn với anh linh nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Tôi không thể tự đánh giả sự nghiệp văn học của mình nên không biết có nên coi đây là dấu ấn hay không?
Năm nay tôi đã ở tuổi 70, việc sẽ sáng tác tiếp tục như thế nào còn phải tùy tình hình sức khỏe của tôi. Thật khó có thể dự đoán được. Chỉ có một điều chắc chắn rằng trước sau như một tôi vẫn là người viết cho thiếu nhi. Nếu có một nhà phê bình nào đó cho rằng: “Cuốn tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi là cuốn sách viết cho thiếu nhi” thì nhận xét đó cũng là đúng!
* Cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện!
“Chỉ có một điều chắc chắn rằng trước sau như một tôi vẫn là người viết cho thiếu nhi. Nếu có một nhà phê bình nào đó cho rằng: “Cuốn tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi là cuốn sách viết cho thiếu nhi” thì nhận xét đó cũng là đúng”! (Nhà văn Lê Phương Liên). |
Công Bắc