Nhà văn Đỗ Kim Cuông: Lấy 'đại nghĩa' để thắng hung tàn
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 14/5, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã chính thức ra tuyên bố phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Trao đổi với nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, ông cho biết: "Quân đội của một đất nước có bề dày truyền thống văn hóa lại có cách hành xử như vậy là không thể chấp nhận được".
Nhà văn Đỗ Kim Cuông chia sẻ:
Nhà văn Đỗ Kim Cuông
Những ngày gần đây gặp bất kỳ văn nghệ sĩ nào ở các cơ sở làm việc, các cuộc hội thảo, từ Nam vào Bắc, trong đó có những người đã đi qua chiến tranh, những người sinh sau 1975, tất cả đều có chung thái độ: phẫn nộ, nhưng không manh động.
* Theo ông, thời điểm hiện tại khi mọi việc trở nên phức tạp hơn, những công dân Việt Nam cần có thái độ và cách ứng xử thế nào cho phù hợp?
- Anh chị em trong giới văn nghệ sĩ rất uất ức trước thái độ và hành động ngang ngược của phía Trung Quốc. Nhưng chúng tôi tự nhủ, hãy làm như cha ông ta đã dạy “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Hãy đoàn kết một lòng, trăm vạn người như một. Chẳng có quân xâm lược nào có thể bẻ gãy được chúng ta. Lịch sử cho thấy, dù Việt Nam đã trải qua cả ngàn năm Bắc thuộc nhưng Đại Việt vẫn còn vì văn hóa Đại Việt có sức mạnh thực sự.
* Khi bước vào thời bình, tình cảm yêu nước không sôi sục như thời chiến. Nhưng khi đất nước nguy biến, tình cảm ấy một lần nữa lại trỗi dậy. Đã bao lâu rồi ông mới được chứng kiến cảnh người Việt Nam đồng lòng đoàn kết, bày tỏ tình yêu nước nồng nhiệt như hiện tại? Nhìn những đoàn người biểu tình hòa bình trên khắp cả nước, trong lòng ông có cảm nghĩ gì?
- Tôi vốn là một người lính tham gia khoảng 10 năm cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ (từ Mậu Thân 1968 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng). Đây là những năm chiến trường Trị Thiên gay go phức tạp vô cùng. Rất nhiều bạn cùng học với tôi ra trận và không bao giờ trở lại. Những năm sau hòa bình tưởng cuộc sống bình yên, nhưng những người lính vẫn phải chiến đấu ở mặt trận Campuchia bảo vệ biên giới Tây Nam chống Pôn Pốt. Một số khác ra biên giới phía Bắc giữ đất vào những năm 1979… Rất nhiều người đã hy sinh. Những năm đi dạy học ở Nha Trang, tôi cùng sinh viên đã từng đi vác đá chuyển ra Trường Sa xây dựng đảo, hằng ngày chứng kiến những người lính giữ đảo Trường Sa trở về đất liền sau bao ngày sóng gió...
Giờ đây chứng kiến cảnh tàu Trung Quốc vào quấy phá biển trời của Tổ quốc ta, thực ra tôi không bất ngờ. Chúng ta đã hiểu quá rõ họ muốn gì. Càng không bất ngờ khi cả triệu người dân Việt từ Nam chí Bắc, người trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc. Chứng kiến điều này, văn nghệ sĩ chúng tôi thực sự xúc động. Tôi nghĩ tình yêu nước vẫn như một ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng dân tộc ta. Khi cần, kể cả phải đổi bằng máu, chúng ta vẫn quyết giữ đất đai, bờ cõi đến cùng.
* Một người đã từng trải qua chiến tranh như ông, hòa bình có giá trị như thế nào?
- Chị có biết những người lính chúng tôi đã làm gì vào ngày 30/4/1975 không? Dạo ấy đơn vị của tôi đang chốt giữ ở Huế. Nghe tin Sài Gòn giải phóng, từ người chỉ huy cho đến anh binh nhì ôm nhau mừng rơi nước mắt. Có người xả những viên đạn cuối cùng trong khẩu súng AK lên trời, báo hiệu chiến tranh đã kết thúc. Chỉ ít ngày trước đấy, chúng tôi còn phải đánh địch chống càn ở Phú Lương B, ở Cao Ban, Hiền Lương, Sơn Tùng… Hàng chục người lính, những người du kích đã ngã xuống để giữ chốt không cho địch vào làng. Không một ai trong số đó biết rằng chỉ một vài ngày sau, Huế và Đà Nẵng giải phóng…
Có lẽ chỉ những người đã từng đi qua chiến tranh mới thấm thía hết hai chữ “hòa bình”, hiểu sâu sắc những gì chúng ta nhận được từ cuộc sống sau gần 30 năm đất nước thanh bình và đổi mới.
* Xin trân trọng cám ơn ông về cuộc trao đổi này!
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa