Nhà văn Đinh Hằng: Đến Mỹ để thấy 'quá trẻ để chết'
(Thethaovanhoa.vn) - Gọi Đinh Hằng là nhà văn thì hơi quá, vì những gì cô viết trong Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ (NXB Hội Nhà văn - Nhã Nam, 4/2015) chỉ là những trải nghiệm cá nhân trên đường đi bụi, nó không rõ thể loại văn chương; hoặc cùng lắm chỉ cận văn chương (paraliterature), nếu xét về thể loại.
Thế nhưng, trong từng ý, từng bài, với những nhạy cảm mà Đinh Hằng nắm bắt được, rồi cách triển khai nó thành những câu chuyện dành cho suy ngẫm, cách hành văn cuốn hút, thì tinh thần của nó lại thấm đẫm văn chương.
Đi và đi
Tự giới thiệu về mình, Đinh Hằng viết: “Sinh tháng 9/1987. Khi đi làm thì là phóng viên hay chuyên viên truyền thông. Khi du lịch bụi thì là ta ba-lô, travel blogger, người chụp ảnh, kẻ lang thang, thích chuyện trò với người lạ và tò mò ngắm nhìn thế giới. Tự do như gió, đam mê những con đường như tình nhân và khao khát xê dịch như lẽ sống cuộc đời”. Đúng như câu khẩu hiệu cô để trên trang cá nhân của mình: “Life is a journey” (“Đời là một chuyến đi”, hoặc theo nghĩa bụi bặm hơn: “Lê la khắp chốn”).
Hẳn Đinh Hằng đã rất yêu thích tác phẩm Trên đường của Jack Kerouac, khi cô viết trên trang cá nhân của mình: “Những kẻ khát thèm được sống đến tận cùng như Sal, Dean, như đám bạn của họ ném tất cả sự cuồng nhiệt, phóng khoáng, bất cần, không sợ hãi, ném tất cả những tháng năm tuổi trẻ và tình yêu xê dịch của mình vào những chuyến đi, và trải tháng năm thanh xuân của mình lên những con đường”.
Nhà văn Đinh Hằng
Đinh Hằng cũng đi liên tục, điều này có thể nhận ra chỉ riêng trong hành trình nước Mỹ, nơi tác giả đã thực sự lăn lộn với từng cảm xúc của mình.
“Tôi nghĩ đến Mỹ mà chưa một lần đi road trip, ngắm nhìn những hẻm núi kỳ vĩ ở tiểu bang Utah, những thác nước hùng vĩ đổ xuống ầm ào từ độ cao trăm mét ở tiểu bang California, hay đi bộ đường rừng men theo những con đường mòn giữa một vùng thiên nhiên quạnh quẽ, thì quả là điều đáng tiếc. Vì kho báu của đất nước này nằm chính ở nơi đây: những dải đồng xanh bất tận, những mặt hồ trong veo và những rặng núi đá cả triệu năm tuổi, chứ không phải trong những ánh đèn rực rỡ vẫn thắp sáng các đô thị hoa lệ khắp nơi trên nước Mỹ” (trích “Kinh ngạc nước Mỹ”).
Thế nhưng, đi với Đinh Hằng không phải đi chỉ để biết cảnh lạ xứ lạ, đi cho có đi, mà dường như đó là để giải phóng nỗi băn khoăn của đời người: Sao chẳng có ai giống ta trên đời? Dù cuộc đời này đông đúc và phong phú xiết bao. Có lẽ nhờ băn khoăn này mà những trang viết của Đinh Hằng tách các ghi chép thời sự hay tự kể lể theo kiểu “tự sướng” để đến được những chiêm nghiệm sống.
Cô đơn để trưởng thành
Trong Quá trẻ để chết, Đinh Hằng chia sẻ: “Cô đơn thực ra đôi khi không phải là vì bạn không có người bạn nào, mà là vì ở giữa một đám đông nhưng bạn vẫn thấy xa lạ. Cô đơn cũng không phải vì không ai ở bên bạn, mà là vì không ai đủ cảm thông và thấu hiểu bạn”. Trong bài viết này Đinh Hằng còn nhiều lần nói đến cái chết, việc tự tử của giới trẻ ở Mỹ, với thông điệp gần như chắc nịch rằng: Việc tự vẫn sẽ đến với bất kì ai, ở bất kì đâu, nếu tư tưởng người ấy không thông về đời mình.
Bìa sách Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ
Thế nhưng, con người khác loài vật chính ở khả năng biết chấp nhận cô đơn, chỉ khi ấy mới tách khỏi bầy đàn. Chính những chuyến đi, những chiêm nghiệm đã giúp tác giả nhận ra: “Không, tôi không cô đơn, thực sự là vậy. Vì ngay cả khi không có ai bên cạnh, tôi vẫn biết là có ai đó ngoài kia quan tâm đến mình. Ngoài ra, tôi còn có một người bạn rất tốt khác là chính bản thân mình nữa. Mà con nhỏ bạn đó, nó còn trẻ kinh khủng và ham sống kinh khủng và thương tôi kinh khủng”.
Nhưng cũng chính niềm cô đơn đã giúp loài người trưởng thành, để biết giá trị của hạnh phúc, để biết áp lực của đám đông, và hiểu lẽ vô thường. Vậy thì, khi cuộc sách du ký - dù bình thường về bút pháp - chạm đến những suy nghĩ như vừa nêu, không gọi nó là văn chương, biết gọi là gì.
Văn Bảy
Thể thao &Văn hóa