Nhà văn 'Áo trắng' Đoàn Thạch Biền: Từ 'cầu thủ' đến 'huấn luyện viên'…
(Thethaovanhoa.vn) - Những năm 1990, Đoàn Thạch Biền được NXB Trẻ giao cho tổ chức thực hiện tuyển tập văn chương Áo trắng - tạo đầu ra cho các sáng tác của học sinh, sinh viên. Từ lò Áo trắng, rất nhiều tác phẩm đầu tay của các cây bút trẻ được “mắt xanh” của ông Biền chú ý.
Còn việc sáng tác của ông thì sao? Nhân dịp tái bản 3 tập sách của ông, chúng ta hãy cùng nhìn lại.
“39 năm đối với một tác phẩm có thể đã là quá dài cũng có thể là quá ngắn để đánh giá. Nhưng riêng với người viết, hẳn thật sự bồi hồi xúc động. Như người cha gặp lại đứa con đầu lòng, sau nhiều năm thất lạc, xuất hiện trước ngưỡng cửa nhà mình trong một đêm mưa” - nhà văn Đoàn Thạch Biền nói về tập truyện đầu tay Ví dụ ta yêu nhau của ông vừa được NXB Phụ nữ và Phương Nam book tái bản.
Ví dụ ta yêu nhau do NXB Bạn Ngọc in lần đầu vào tháng 9/1974 tại Sài Gòn và từ năm 1989 đến nay được tái bản 6 lần. Trong dịp này, hai tập truyện Tôi thương mà em đâu có hay và Tình nhỏ làm sao quên của Đoàn Thạch Biền viết sau 1975 cũng được tái bản. Cả ba tập truyện đều có bổ sung bằng những nhận xét mới hoặc truyện mới.
Đoạt giải thưởng từ năm 26 tuổi
Nhưng Đoàn Thạch Biền được người đọc biết đến lần đầu không phải ở truyện ngắn, truyện dài và khi ấy ông chưa ký tên... Đoàn Thạch Biền.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền tên thật Phạm Đức Thịnh, sinh năm 1947 tại Nam Định, học trung học ở Đà Nẵng, học ĐH ở Sài Gòn và từng dạy học ở Phan Rí (Bình Thuận). Trước 1975, Đoàn Thạch Biền ký bút danh Nguyễn Thanh Trịnh. Bút danh của ông đều dính đến phụ nữ do ông thích hai người đẹp tên Trịnh và tên Biền.
Khi ký tên Nguyễn Thanh Trịnh, ông viết kịch và từng nhận giải thưởng uy tín về biên kịch vào năm 1973 của chính quyền Sài Gòn cũ cùng với nhiều văn nghệ sĩ khác, trong đó có nhà thơ Phạm Thiên Thư đoạt giải với tác phẩm “hậu Kiều” Đoạn trường vô thanh.
Nói thế để thấy, Đoàn Thạch Biền hay Nguyễn Thanh Trịnh đã khẳng định năng lực cầm bút của ông khi còn khá trẻ - vào năm 26 tuổi. Ông đến với kịch khi theo học nhà biên kịch Vũ Khắc Khoan - tác giả các vở kịch nổi tiếng một thời: Thành Cát Tư Hãn, Những người không chịu chết, Ngộ nhận... Và cũng để làm rõ tên gọi một giải thưởng trong “văn học sử” Việt Nam.
Về tập truyện đầu tay Ví dụ ta yêu nhau in năm 1974 của Nguyễn Thanh Trịnh, nhà văn Duyên Anh chuyên viết cho tuổi mới lớn rất thành công và nổi tiếng lúc bấy giờ, nhận xét: “Văn của Trịnh không cầu kỳ bay bướm, chải chuốt nhưng nó đong đầy ý tưởng. Nó tựa như hạt thóc, no đầy, hứa hẹn cho đốm mạ xanh, cho mùa gặt thơm ngời lúa. Nó là ngày mai rực rỡ khi hôm nay đã vàng vọt ở trà đình, tửu điếm, trên gác xép, gần ven đô, trong khảo cổ, ngoài luận bàn của tất cả những nhà văn cỡ lớn của chúng ta. Những nhà văn trẻ đang làm một bình minh văn chương, trong khi, những nhà văn lớn thì đang đi vào hoàng hôn văn chương buồn bã. Đó là một điều mừng cho độc giả. Nguyễn Thanh Trịnh đang bước tới. Trịnh bước tới và bắt đầu cuộc chơi và chứng tỏ một tay biết chơi đùa cùng văn chương. Ở bất cứ một cuộc chơi nào, ai biết chơi, người ấy sẽ thành công”.
Cuộc “lột xác” thành “ông Biền”
Đúng như nhận xét của nhà văn tài danh Duyên Anh, Đoàn Thạch Biền là người “biết chơi”. Sau năm 1975, nhiều nhà văn cùng thế hệ với ông đều đổi bút danh trong xã hội mới. Khi ấy ông đang làm công nhân xí nghiệp dệt tại TP.HCM đổi tên thành Đoàn Thạch Biền. Bút danh này thể hiện sự hóm hỉnh vì nhà văn thấy cô Đoàn Thị Biền bán cơm trước cổng xí nghiệp đắt như tôm tươi, ông lấy họ tên cô làm bút danh hầu mong sách của mình cũng đắt hàng như vậy.
Các tác phẩm của Đoàn Thạch Biền đều viết về tình yêu của tuổi mới lớn, tất cả các nhân vật đều nhìn đời một cách trong veo. Nhân vật chủ yếu trong truyện của Đoàn Thạch Biền là “ông” và “em” với lời thoại hóm hỉnh khiến người đọc nhớ mãi. Cách đặt tên truyện của “ông Biền” cũng rất hóm, ví dụ về tập truyện đã có Tôi thương mà em đâu có hay lại có Tôi hay mà em đâu có thương. Đoàn Thạch Biền mượn câu thơ của Quang Dũng: “Hồn lính vương qua vài sợi tóc/ Tôi thương em mà em đâu có hay”; hoặc truyện Tình em bán rắn “nhại” từ bài vọng cổ Tình anh bán chiếu...
Đúng như nhận định của nhiều người: “Tác phẩm làm nên tên tuổi của nhà văn”. Chính những cuốn sách Ví dụ ta yêu nhau, Những ngày tươi đẹp, Bất ngờ phía trái tim, Tình nhỏ làm sao quên, Mùa Hè khắc nghiệt... đã xây dựng nên nhà văn Đoàn Thạch Biền.
Những năm gần đây, nhiều nhà văn xuất hiện trước 1975 sau một thời gian đổi bút danh đã dùng lại bút danh cũ. Hỏi nhà văn Đoàn Thạch Biền sao không dùng lại tên Nguyễn Thanh Trịnh? Ông cho rằng: “Cái tên không có gì quan trọng, với nhà văn, quan trọng là tác phẩm. Nếu người đọc hiện nay biết đến Đoàn Thạch Biền và những tác phẩm của y, thì việc gì phải nhắc đến một cái tên đã thuộc về quá khứ?”.
3 tác phẩm vừa tái bản có bổ sung của Đoàn Thạch Biền |
Những năm 1990, Đoàn Thạch Biền được NXB Trẻ giao cho tổ chức thực hiện tuyển tập văn chương Áo trắng - tạo đầu ra cho các sáng tác của học sinh, sinh viên. Từ lò Áo trắng, rất nhiều tác phẩm đầu tay của các cây bút trẻ được “mắt xanh” của ông Biền chú ý. Ông còn hoặc bỏ tiền túi hoặc tìm “đầu nậu” in những cuốn sách đầu tay của nhiều nhà văn trẻ, rất nhiều người bây giờ nổi tiếng. Không những thế, ông Biền còn đi khắp các địa phương thành lập “Gia đình Áo trắng” nhằm tạo sân chơi, không khí sinh hoạt văn chương cho nhiều bạn trẻ. Có thể nói, hiếm có nhà văn nào ở ta lại có nhiều “gia đình” như ông Biền và khi ông đến một địa phương nào đó đều được họ đón tiếp như người thân.
Nhiều năm nay, Đoàn Thạch Biền không in tác phẩm mới, bạn văn trêu do bút ông... hết mực. Ông Biền nói nửa đùa nửa thật: “Ai cũng có một thời. Khi viết được tôi như cầu thủ trên sân. Khi viết hết được nhưng nhờ có kinh nghiệm tôi làm huấn huyện viên. Bây giờ nếu không làm gì cả, tôi xin làm cổ động viên cho các bạn viết trẻ”.
Tình nhỏ làm sao quên đưa Mỹ Duyên thành sao |
Thể thao & Văn hóa