Nhà tuyển dụng: Người vay tiền ăn nên làm ra, mua ôtô mới nhưng không chịu trả nợ, bạn sẽ làm gì? Ứng viên trả lời tinh tế, thành công nhận việc ngay
Nhiều người rất lạ, dù ăn nên làm ra, có tiền bạc dư dả nhưng hễ nhắc đến việc trả nợ thì “lặn mất tăm”. Góc nhìn và cách tiếp cận tinh tế của ứng viên đã khiến vấn đề trở nên rõ ràng hơn.
Thông thường, bạn bè là là những người có mối quan hệ tốt với chúng ta. Đây cũng là lý do khiến nhiều người thường ngại ngần khi đòi nợ bạn bè của mình.
Do đó, một công ty đã sử dụng vấn đề “vay mượn” đầy nhạy cảm này làm câu hỏi trong đề bài kiểm tra IQ - EQ của các ứng viên.
Điều kiện tham gia vòng tuyển chọn này được đưa ra rất rõ ràng:
Một, đó là những ứng viên đã thông qua vòng sàng lọc hồ sơ.
Hai, đó là những ứng viên đã thông qua bài kiểm tra kỹ năng.
Ba, đó là những ứng viên sẵn sàng để ký hợp đồng, nhận việc ngay sau khi được tuyển chọn.
Nếu đáp ứng 3 tiêu chí này, ứng viên sẽ nhận được đề bài “hóc búa”, có thời gian suy nghĩ rồi trả lời trước mặt những người chịu trách nhiệm tuyển dụng của công ty.
Đề bài được đưa ra như sau:
“Tôi có một người bạn khá thân, hay ngồi cà phê, tám chuyện trên trời dưới đất rất ‘hợp cạ’. Sau đó, bạn nói gặp chuyện khó khăn, cần mượn một số tiền tiền để trang trải. Thương bạn nên tôi cũng đồng ý cho mượn tiền một vài lần, gom lại cũng gần 70 triệu đồng.
Bẵng đi một thời gian không nói chuyện, đầu năm nay, tình cờ gặp lại bạn, thấy bạn đi một chiếc ô tô mới cáu cạnh, có vẻ làm ăn ổn, tôi hỏi chuyện trả tiền. Bạn hồn nhiên bảo rằng, tiền mượn của tôi khá may mắn, giúp bạn ăn nên làm ra nên cứ tạm thời để đó chứ chưa trả được.
Tôi nên làm thế nào trong tình huống này?”
Khi đề bài đưa ra, nhiều ứng viên đều lo nghĩ đến việc đòi nợ sẽ đánh mất tình cảm của cả hai bên. Nếu chỉ tự đặt ra câu hỏi “Họ sẽ nghĩ như thế nào về mình?” “Họ có cho rằng mình là người ích kỷ hay không?”, họ lại quên mất một thực tế là: Số tiền kia là của bạn, thật ngớ ngẩn khi e ngại đòi lại tiền của chính mình. Việc lo lắng đối phương sẽ nghĩ thế nào nên là việc của người đi vay mà không phải việc của chúng ta.
Do đó, những ứng viên thể hiện ý định né tránh, không đòi lại toàn bộ số tiền đều bị loại. Công ty cho rằng, đến tiền bạc cá nhân do chính mình làm ra mà họ còn buông bỏ được, thì đến khi xảy ra vấn đề liên quan tới lợi ích công ty, họ cũng không thể quyết tâm bảo vệ.
Trái với số đông thích “dĩ hòa vi quý”, Tiểu Bình lại bày tỏ thái độ thẳng thắn khác thường.
Từng “lăn lộn” trong xã hội 4-5 năm, cũng gặp khá nhiều kiểu người khác nhau, Tiểu Bình nhận ra, nếu sự nhún nhường chỉ đổi lại bức xúc cho bản thân thì nên sớm thay đổi điều đó.
Trước mặt các thành viên của ban tuyển dụng, anh trình bày:
“Cá nhân tôi cho rằng, muốn sở hữu một cuộc sống có nguyên tắc, trước hết, mình phải thể hiện bản thân là người nguyên tắc.
Theo đó, trước khi cho vay, tôi sẽ cân nhắc 2 điều: Một là ‘chọn mặt gửi vàng’, không để lòng tốt bị lợi dụng và giúp đỡ nhầm người; Hai là tình hình tài chính cá nhân lúc bấy giờ, nếu thực sự dư dả thì mới nghĩ đến chuyện cho vay. Đừng bao giờ chuyển gánh nặng của người khác sang vai của mình khi bản thân không thể giúp đỡ họ. Ốc không mang nổi mình ốc, lại mang cọc cho rêu thì mệt lắm.
Khi cho vay, tôi cũng cần đảm bảo bằng việc viết giấy ghi nợ, hoặc có người làm chứng, hoặc là cả 2. Không nên sợ mất lòng bạn bè, vì bạn tốt là người sẽ chủ động viết giấy nợ để bạn yên tâm. Nếu họ không làm việc này, bạn có thể chủ động đề xuất với họ. Đồng thời, trong giấy ghi nợ phải luôn đưa ra thời hạn trả nợ.
Việc ‘đáng quan ngại’ nhất đương nhiên là quá trình đòi nợ. Những điều trên chỉ giúp quá trình này bớt khó khăn, chứ không thể thay thế hoàn toàn. Khi trở thành người cho vay, nhiều người ngại giao tiếp với bên vay, hoặc nhắc đến khoản nợ, nhưng tôi thì không.
Tôi cho rằng, sự xao nhãng và mối quan hệ lạnh nhạt mới là nhân tố khiến bạn ngại đòi tiền. Nếu giữ liên lạc thường xuyên với họ, trong bất cứ cuộc trò chuyện nào, khi chủ đề có liên quan, tôi đều có thể nhắc đến khoản vay đó.
Và khi đòi nợ, tôi cũng biết tình trạng cụ thể của họ như thế nào. Chẳng hạn, họ mượn tiền để xây nhà, tôi hỏi han xem nhà cửa xây dựng đến đâu, thế nào, xong xuôi chưa. Nếu họ mượn tiền để khám chữa bệnh, hãy hỏi han, tâm sự về tình hình sức khỏe, giới thiệu cả bác sĩ cho họ nữa.
Khi biết họ vay tiền của bạn để làm gì thì tự nhiên bạn sẽ có cách đòi nợ tế nhị và khéo léo nhất.”
Cách trình bày của Tiểu Bình đã thuyết phục được mọi người. Sau đó, các lãnh đạo có mặt đã trực tiếp trao đổi thêm với anh về kỹ năng, kinh nghiệm, nội dung công việc và văn hóa công ty. Quả nhiên, sau buổi phỏng vấn, Tiểu Bình nhận được email thông báo trúng tuyển và có thể bắt đầu đi làm ngay từ đầu tuần tới.
Có thể thấy rằng, tiền bạc không phải thứ dễ dàng gì kiếm được, tất cả đều là mồ hôi, xương máu của mỗi người đổ ra mới có được. Thế nên, cách bạn ứng xử trước các quyết định cho vay - đi mượn - đòi nợ - trả nợ đều thể hiện phần nào nhân cách và tấm lòng của bạn.
*Theo Sohu