Nhà trường xây dựng phương án, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau
(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn có diễn biến phức tạp, nguy cơ khó lường, với tinh thần không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, bên cạnh những chỉ đạo sát sao của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã chủ động xây dựng phương án, chuẩn bị trang thiết bị để triển khai các hình thức dạy học kết hợp trực tuyến và trực tiếp.
Tại Trường Trung học Cơ sở Ngọc Lâm (quận Long Biên), trong sáng 8/2 - ngày đầu học sinh trở lại trường sau thời gian học trực tuyến kéo dài, có 30 học sinh không đến trường học trực tiếp vì các lý do liên quan đến yếu tố dịch tễ.
Theo bà Ngô Hồng Giang - Hiệu trưởng nhà trường, để giúp các em tham gia học cùng các bạn, nhà trường đã lắp đặt thiết bị truyền dẫn tại 20 phòng học. Các học sinh này sẽ được học cùng các bạn đang học trực tiếp trên lớp. Nhà trường luôn đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết với mong muốn không em nào vì nhiều lý do không thể đến trường lại bị gián đoạn hoặc học lệch chương trình so với các học sinh đang học trực tiếp tại trường.
Còn tại Trường Trung học Phổ thông Phúc Lợi (quận Long Biên), ông Nguyễn Quý Xuân - Hiệu trưởng nhà trường thông tin, nhà trường đã chuẩn bị 3 phòng học trực tuyến ở mỗi khối lớp. Các học sinh không thể đến trường học trực tiếp sẽ được tập hợp lại theo khối và tham gia học trực tuyến cùng các bạn của một lớp.
- Hình ảnh học sinh từ khối lớp 7 tới 12 ở Hà Nội trở lại trường học trực tiếp
- Hà Nội dự kiến học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở các quận đi học trực tiếp từ 21/2
"Qua thống kê, nhà trường hiện có hơn 40 học sinh học trực tuyến vì những lý do khác nhau. Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các thiết bị cho việc dạy trực tuyến nên các em không bị học chậm lại hay bị mất bài so với các bạn trên lớp. Trường cũng đã có phương án linh hoạt nếu có giáo viên không thể tới trường dạy trực tiếp. Tất cả đều vì chung mục đích không làm gián đoạn việc dạy và học", ông Nguyễn Quý Xuân cho biết thêm.
Việc dạy học kết hợp 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp cũng được nhiều trường của quận Hoàng Mai chủ động triển khai linh hoạt, phù hợp với thực tế. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Mai Động (quận Hoàng Mai), nhà trường đã chuẩn bị 3 phòng học kết hợp 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp tại mỗi khối lớp 6, 7, 8.
Các học sinh không thể đến trường học trực tiếp sẽ học cùng các bạn trên lớp, chỉ khác là các em không ngồi học tại lớp như các bạn. Toàn bộ bài giảng, lời giáo viên giảng bài và phần tương tác giữa giáo viên với học sinh sẽ được truyền qua phần mềm học trực tuyến.
Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, Trường Trung học Cơ sở Yên Sở (quận Hoàng Mai) cũng chuẩn bị riêng 3 phòng trực tuyến để các giáo viên dạy cho học sinh lớp 6; 3 phòng lắp đặt camera và máy tính để dạy cho các học sinh khối 7, 8, 9 không thể đến trường. "Bên cạnh việc chuẩn bị chu đáo trong công tác phòng, chống dịch, nhà trường còn xây dựng các phương án, kế hoạch dạy và học đối với mọi trường hợp phát sinh. Chúng tôi luôn đặt quyền lợi được học tập của học sinh lên trên hết”, bà Đỗ Thu Hà - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Việc đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã được Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) nghiêm túc chuẩn bị. Toàn bộ công tác diễn tập các tình huống phòng, chống dịch đã được nhà trường triển khai trước Tết.
“Để việc dạy và học không bị ảnh hưởng bởi các tình huống phát sinh của dịch, nhà trường đã triển khai lắp camera và máy tính tại tất cả 59 lớp học. Các giáo viên, học sinh không thể đến trường dạy và học trực tiếp do là F0, F1… vẫn tham gia các hoạt động của lớp học bằng hình thức trực tuyến”, ông Hoàng Minh Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân cho biết.
Ngay trong ngày đầu tiên học sinh lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu các trường cần duy trì tốt công tác phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm tổ chức dạy học hiệu quả; sắp xếp chương trình, kế hoạch dạy học theo nội dung điều chỉnh, tinh giản và bảo đảm thích ứng; quan tâm củng cố, bổ sung các nội dung kiến thức các em đã học trực tuyến đồng thời có biện pháp hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng, nỗ lực bằng nhiều giải pháp để mọi học sinh đều được học tập tốt.
Nguyễn Cúc/TTXVN