Nha Trang hoàn toàn có thể trở thành 'con rồng mới' Châu Á
(Thethaovanhoa.vn) - Khánh Hòa có thế mạnh và tiềm năng rất lớn về du lịch cũng như tốc độ phát triển kinh tế nhanh. Ngoài những yếu tố sẵn có về cảnh quan, vị trí địa lý, thiên nhiên tươi đẹp… thì yếu tố về chính sách và định hướng phát triển là vô cùng quan trọng. Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về những yếu tố đặc biệt trong chiến lược phát triển của tỉnh Khánh Hòa.
* Trước hết, TT&VH- TTXVN xin gửi lời cảm ơn sâu sắc cá nhân ông cũng như lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, một số cơ quan chức năng đã ủng hộ hết mình việc Báo TT&VH mở điểm in tại Khánh Hòa.
- Các ấn phẩm của TTXVN, trong đó có Báo TT&VH luôn có mặt ở phòng làm việc của lãnh đạo tỉnh. Cho nên, việc chúng tôi ủng hộ TT&VH là điều tất yếu thôi.
* Trong Đề án phát triển Khánh Hòa đến năm 2020 mà tỉnh đã trình lên Chính phủ có một mục tiêu rất quan trọng là đến năm 2020, phấn đấu đưa Khánh Hòa thành một TP trực thuộc Trung ương. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, đề án này đang được thực hiện thần tốc với sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa. Vậy Khánh Hòa đã có sự chuẩn bị nền tảng như thế nào để có thể thực hiện được mục tiêu vĩ mô như vậy?
- Chúng tôi đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề và được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) thông qua tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 03/7/2013; theo đó các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể đã tổ chức nghiên cứu, phổ biến quán triệt nội dung Nghị quyết và triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Cụ thể:
Xây dựng quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ hạ tầng đô thị thiết yếu; tập trung đầu tư các dự án quan trọng, then chốt.
Đẩy nhanh tiến độ để cụ thể hóa Đề án tổng thể Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong.
Xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện đảo Trường Sa.
Nhìn chung, trong thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã có sự chuẩn bị, tổ chức thực hiện hầu hết các nhiệm vụ theo Kết luận của Bộ Chính trị đề ra phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, địa phương; mặc dù còn nhiều khó khăn phía trước nhưng cơ bản đã tạo được nền tảng nhằm đạt được mục tiêu trong thời gian tới.
* Qua chia sẻ của ông, phải chăng mục tiêu lớn nhất của lãnh đạo và nhân dân Khánh Hòa không chỉ là đưa Khánh Hòa là TP trực thuộc Trung ương, mà có thể là một mục tiêu cực kỳ vĩ mô như “tương lai Nha Trang còn hơn Hong Kong” như một phát biểu của ông trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đầu tháng 4 năm nay. Ông có thể chia sẻ gì về điều này?
- Xét về vị trí địa lý, Hong Kong có nhiều nét tương đồng với thành phố Nha Trang với bờ biển dài, có nhiều đảo, địa hình chủ yếu là đồi núi. Về kinh tế, Hong Kong và Nha Trang nằm trên cùng tuyến giao thương hàng hải quan trọng của thế giới nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương nên cả hai thành phố đều xác định dịch vụ - du lịch là ngành phát triển kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, do xuất phát điểm khác nhau nên Hong Kong có hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hơn, tạo đà phát triển vượt bậc cho nền kinh tế.
Theo Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 12/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng Duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2025 và Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVI đã xác định: thành phố Nha Trang là đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân, thúc đẩy quá trình đô thị hóa toàn tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại.
Nhằm thực hiện mục tiêu trên, trong thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung huy động nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước để xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố Nha Trang, từng bước đưa Nha Trang trở thành một đô thị trung tâm, văn minh, hiện đại, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Nhiều công trình trọng điểm lớn của tỉnh đầu tư từ ngân sách nhà nước được hoàn thành và đi vào sử dụng. Nhiều công trình dịch vụ - du lịch đưa vào hoạt động như tuyến cáp treo vượt biển dài nhất thế giới và các khu du lịch đang hoạt động có phong cách hiện đại theo chuẩn quốc tế như khu du lịch Six Senses Hideway, khu du lịch Hòn Ngọc Việt (Vinpearl), khu du lịch tắm khoáng nóng I-resort…đã thu hút lượng khách du lịch nghỉ dưỡng cao cấp khá lớn, bên cạnh các khách sạn cao cấp như Sheraton, Sunrise, Novotel…đáp ứng nhu cầu khách tham quan du lịch trong và ngoài nước, đồng thời phát triển loại hình khách du lịch tàu biển từ các nước trên thế giới tham quan, mua sắm đã làm phong phú tiềm năng du lịch của thành phố cũng như của tỉnh.
Trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Khánh Hòa là tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị thành phố Nha Trang được đồng bộ, hiện đại theo hướng mở rộng thành phố về phía Tây, phía Nam theo quy hoạch đã được phê duyệt, hình thành các khu đô thị mới đa chức năng phù hợp với yêu cầu phát triển thành phố Nha Trang trong tương lai.
Từ những sự chuẩn bị và kết quả trên, có thể thấy Nha Trang hoàn toàn có thể đuổi kịp hoặc thậm chí vượt lên trên Hong Kong để trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ và du lịch của khu vực, trở thành "con rồng mới" ở Châu Á. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng với sự đồng lòng, nhất trí của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố, tôi tin rằng điều này sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai không xa.
* Khánh Hòa là một tỉnh có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển biển của đất nước. Huyện đảo Trường Sa của tỉnh luôn trong tâm khảm của tất cả con dân nước Việt. Khánh Hòa cũng đã tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, hướng đến chủ quyền biển đảo, đó sẽ là những mô hình tuyên truyền chủ quyền mà các tỉnh khác có thể tham khảo. Vậy thông điệp về chủ quyền biển đảo quê hương mà Đảng bộ, lãnh đạo và nhân dân Khánh Hòa muốn gửi đến nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế là gì?
- Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng to lớn của biển đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bám sát tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh, trong những năm qua công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo ở Khánh Hòa đã được triển khai một cách chủ động, tích cực và toàn diện. Công tác tuyên truyền biển đảo được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện với nội dung phù hợp, hình thức đa dạng, phong phú, sâu rộng.
Ví dụ, một số doanh nghiệp của tỉnh đã tích cực tham gia phát triển kinh tế biển đảo gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa với đặc thù quản lý các vùng biển, đảo yến, đã thành lập lực lượng tự vệ biển. Cán bộ, chiến sĩ tự vệ được huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ an ninh tuyến biển đảo. Ngoài nhiệm vụ tham gia sản xuất, đã thường xuyên phố hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an thành phố Nha Trang, dân quân các phường, xã ven biển trong toàn tỉnh tuần tra, kiểm soát vùng biển đảo… Ngoài ra, Công ty còn kết hợp nuôi trồng thủy sản hành lang ven biển tại các đảo yến với các loại hải sản cao cấp, góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương và thực hiện công tác tuyên truyền biển đảo ở các địa bàn nơi Công ty đóng chân.
Như vậy: “Hoạt động tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài, nhằm nâng cao ý thức vươn ra biển, làm giàu từ biển; Góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; khẳng định việc thực hiện chủ quyền biển, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên các vùng biển, hải đảo” là thông điệp về chủ quyền biển đảo quê hương mà Đảng bộ, lãnh đạo và nhân dân Khánh Hòa muốn gửi đến nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
* Cảm ơn ông, chúc ông sức khỏe và chúc cho tỉnh Khánh Hòa phát triển nhanh, bền vững trên mọi mặt.
Khánh Hòa được coi là địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch và kinh tế biển. Doanh thu du lịch năm 2013 đạt 3.349 tỷ đồng tăng hơn 30% so với năm 2012; khách lưu trú đạt trên 3 triệu lượt tăng gần 31%, trong đó khách quốc tế đạt hơn 633 nghìn lượt tăng 19%; ngày khách lưu trú đạt 6,72 triệu tăng 28,5%, trong đó ngày khách quốc tế đạt 1,920 triệu tăng gần 30% so với năm 2012; xuất khẩu tàu biển đạt 339,4 triệu USD. Để tiếp tục phát triển các ngành có tiềm năng trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (đường băng số 2 và nhà ga), chuyển đổi công năng của Cảng Nha Trang thành cảng hành khách và tổ hợp dịch vụ để phát triển dịch vụ du lịch, nâng cấp hạ tầng đô thị, cải thiện vệ sinh môi trường. |
Tiên Minh - Thanh Hiếu (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa