Nhà thơ Y Phương (bài 2): Ngoài làm thơ tôi từng đi buôn lậu
(TT&VH Online) - Trên TT&VH số ra Chủ Nhật tuần trước (15/6), chúng ta đã cùng gặp gỡ nhà thơ Y Phương, tác giả của bài thơ nổi tiếng “Nói với con” (được đưa vào SGK lớp 9). Ai ngờ ông nhà thơ người Tày này- tác giả của những vần thơ “dạy con” vừa đau đáu vừa đầy niềm kiêu hãnh (“Người đồng mình thô sơ da thịt/ Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con/ Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương...”) lại đồng thời là “gã Đônkihôtê đời mới”, đã qua khá nhiều năm bươn chải trong cuộc đời, đúng như ông nói: “nghề chính của tôi là tạp vụ, có nghề phụ làm thơ.”
* Từng ước ao làm một thầy tào
Nhà thơ Y Phương
Nhà thơ Y Phương là người dân tộc Tày, Cao Bằng. Tuy sống giữa đất Hà Nội nhưng thường ngày ông vẫn “phát sóng bằng tiếng Tày” với vợ con trong nhà. Hỏi vì sao cần phải như thế, ông nói: “Tôi phải giữ gìn bản sắc người Tày của mình. Làm sao có thể quên nguồn cội, quên nơi mình đã sinh ra và lớn lên…” Rồi ông tự bạch: “Tôi sinh 1948, tại Trùng Khánh, xứ sở gốc gác của người Tày. Từ ngày còn nhỏ, tôi từng được theo cha gõ trống, đánh não bạt cho đám ma, và chữa bệnh điên cho nhiều người. Tôi từng ước ao, một ngày nào đó mình sẽ có được những phép thuật của thầy tào, học được những bài thuốc của cha… Nhưng cũng chính cha nói rằng số mạng tôi không hợp với nghề đó. Ông nói tôi là người nóng tính và ham hố nhiều như tóc. Riêng hai điều đó không thể học được để làm thày tào.
Lên tám chín tuổi tôi mới được đi học trường cấp một thị trấn Trùng Khánh, và tập nói tiếng Kinh. Ngày ấy, mỗi sáng sớm đến trường, mẹ thường cho tôi năm xu một hào để mua đồ ăn sáng. Nhưng tôi đã nhịn, dành dụm số tiền ít ỏi chỉ để mua sách. Tôi coi sách như bạn. Vì tôi không có hứng thú ham chơi thả diều, đá bóng như nhiều bạn cùng lứa. Tôi cô đơn và hay buồn, ngay từ khi còn ít tuổi".
* Ngoài làm thơ tôi từng đi buôn lậu
Sau cuộc tổng tấn công Mậu thân năm 68 ở miền Nam, tôi quyết định tình nguyện vào bộ đội. Rất tình cờ, năm 1972, đơn vị mở cuộc thi báo tường. Tôi cũng viết mấy bài gửi tham gia chỉ với mục đích cho nó có không khí cùng đồng đội. Thế nhưng thật bất ngờ, nhóm cán bộ phòng Văn nghệ Quân đội trong một chuyến về đơn vị công tác, đã “tuyển chọn” những bài khá nhất về để in báo. Và cùng với Lâm Thị Hồng Tú, Hải Kỳ. “Bếp nhà trời”, “Dáng một con sông” của tôi đã được in vào số 6 năm 1973. Cái cảm giác ban đầu có thơ đăng báo, lại thấy cảnh đồng đội chuyền tay nhau đọc, làm tôi xúc động và tự phục… mình quá!
Sau ngày đất nước thống nhất, tôi thực hiện giấc mơ văn chương của mình bằng việc nhất định sẽ thi vào học trường Viết văn Nguyễn Du. Tôi học khóa II. Niên khoá 1983-1985 cùng với Pờ Sảo Mìn, Phạm Ngọc Chiểu, Đức Ban, Trần Quốc Thực, Phùng Khắc Bắc, Đặng Ái, Thanh Kim, Hà Đình Cẩn, Nguyễn Trác, Phạm Đức , Phạm Thị Minh Thư, Phạm Sông Hồng…
Tốt nghiệp ra trường, tôi trở về Cao Bằng làm việc. Đó là thời kỳ khó khăn thiếu thốn nhất. Gia tài chỉ có một cái hòm đạn B40 và một chiếc bàn ăn ba chân. Sở dĩ bàn chỉ có ba chân, là vì một mảnh đại bác hồi chiến tranh đã vặt mất một chân rồi.
Đồng lương thời đó vô cùng ít ỏi đã đành, lại còn bị trả chậm. Thế là buộc lòng tôi phải bươn trải, kiếm tiền nuôi vợ và hai con nhỏ.
Nhiều chuyện bây giờ mới kể. Kể xong cười ra nước mắt. Tôi cũng xông vào thương trường như một gã “Đônkihôtê đời mới”. Nhưng nhờ vào cái mẽ đứng đắn bên ngoài, ra dáng cán bộ , nên nhiều chuyến hàng buôn “tâm lý” vượt mặt Công an Phòng thuế. Hồi đó gọi buôn lậu là hàng “tâm lý”. Vài viên đá lửa, ba cái đèn pin, vài tá khăn mùi soa, mấy lọ nước hoa hiệu con đầm xòe…mang sang từ bên kia biên giới. Vậy thôi. Nhưng khi đem bán ở chợ đen, mua một lãi mười.
Có một lần, tôi buộc tắc kè giấu vào nách. Mang sang chợ Trung Quốc để bán lấy tiền mua hàng . Khi đến trạm kiểm soát, xe dừng. Hành khách xuống xe cho Công an phòng thuế kiểm tra. Bỗng có tiếng ắc è! ắc è! vang lên. Tất cả mọi người đứng gần đó đều bật cười. Còn tôi thì chết đứng như…Từ Hải! Trong đó mấy vị Công an Phòng thuế là cười to nhất. Nhà thơ đành ngoan ngoãn bước chân vào trạm, và tự nguyện nộp phạt.
Cảnh hát then cấp sắc – một nghi lễ trong văn hóa các dân tộc Tày – Nùng- Thái. |
Còn bây giờ, tôi đã chuyển công tác về Hà Nội. Khi đến cơ quan làm việc, bạn bè thân tặng cho tôi câu thơ vui: “Nghề chính tạp vụ/ Nghề phụ làm thơ”. Cũng chỉ bởi cái tính cứ hễ thấy mọi thứ bừa bộn bẩn bẩn một chút là lao vào dọn dẹp lau chùi. Trong những lúc như thế tôi thường nghĩ. Muốn cho mọi sự được sạch sẽ, giẻ lau cần phải đặc biệt sạch trước nhất.
* Giữa nhà văn, nhà thơ với độc giả chỉ là những người bạn
Để có tác phẩm hay, đòi hỏi nhiều yếu tố. Nhưng trước hết, nhà văn phải nói thật, viết thật lòng với những gì mà mình trông thấy, cảm nhận được. Viết mà như đang tâm sự với bạn đọc. Và người đọc đừng nên xem nhà văn là người đang đi rao giảng đạo lý hay như một nhà hiền triết. Nhà văn với độc giả chỉ như những người bạn, thông tin với nhau về tâm hồn, thông qua hình tượng nghê thuật. Từ ông vua đến những kẻ ăn mày, từ người già tóc bạc đến những đứa trẻ con, nhà văn và bạn đọc không hề có khoảng cách. Dù là bạn đọc thuộc nhiều thế hệ đi chăng nữa thì cũng chỉ nên xem nhau như bạn. Khi coi họ là những người bạn thì mới có thể bộc bạch hết lòng mình. Ngày nay, trình độ độc giả ngày càng phát triển cao. Nếu nhà văn, nhà thơ không trau dồi kiến thức thường xuyên, làm sao có thể theo kịp được độc giả. Nhà văn nào có ý định răn dạy người đời là một sai lầm lớn.