Nhà thơ Thu Bồn 'xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh'
Sự kiện có đông đảo bạn văn, bạn thơ yêu và nhớ ông: Trung Trung Đỉnh, Ngô Thảo, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Quang Thiều, Đào Bá Đoàn, họa sĩ Lê Thiết Cương...
Giải thưởng như một sự an ủi xứng đáng
Cuốn Tuyển thơ Thu Bồn dày 327 trang, do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Tuyển tập gồm 90 bài thơ, chia thành 4 phần gồm Tre xanh, Mặt đất không quên, Tôi nhớ mưa nguồn và 100 bài thơ tình nhờ em đặt tên.
Nhà thơ Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng, mất ngày 17/6/2003 ở tuổi 68, cách đây 12 năm. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. Nhiều bạn văn còn cho rằng, Giải thưởng Nhà nước cho Thu Bồn "vẫn là chưa tương xứng" (theo nhà phê bình Ngô Thảo), mà ông "xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh" (theo nhà thơ Anh Ngọc).
"Thu Bồn là một thi sĩ anh hùng, có những câu thơ đầy tính dự báo cho nhân tình thế thái của đất nước" - nhà thơ Nguyễn Hữu Quý có chung ý kiến. Thơ, trường ca, tiểu thuyết của Thu Bồn đều rất dày dặn.
Tại sự kiện, nhà phê bình Ngô Thảo tiêt lộ một thông tin ít người biết: năm 2002, một năm trước khi qua đời, nhà thơ Thu Bồn từng gửi tâm thư đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ giáo dục đương thời để hỏi về việc hai tác phẩm trường ca Bài ca chim Chơ-rao và thơ Gửi lòng con đến cùng cha của ông bị đưa ra khỏi sách giáo khoa phổ thông.
Khi đó, Thu Bồn đang bị tai biến mạch máu não, thời gian sống trên đời không còn bao lâu nữa. Cuối cùng, ông ra đi mà bức tâm thư không nhận được hồi âm.
Nhắc lại sự thiệt thòi của Thu Bồn, Ngô Thảo nói: "Nay, ý kiến về Giải thưởng Hồ Chí Minh hay phong tặng anh hùng cho nhà thơ Thu Bồn là sự an ủi đúng đắn".
Nói với Thể thao & Văn hóa, nhà phê bình Ngô Thảo cho biết việc xét phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho Thu Bồn hoàn toàn khả thi vì sau khi được Giải thưởng Nhà nước, nhà thơ vẫn còn rất nhiều tác phẩm chất lượng và các tác phẩm đó sẽ được thời gian chứng minh.
Đúng như ví von của Trịnh Công Sơn
Tuyển thơ này tập hợp khá đầy đủ những bài thơ lẻ của nhà thơ Thu Bồn. Công đầu thuộc về nhà phê bình Ngô Thảo và nhà thơ Đoàn Ngọc Thu - những người em người bạn thân thiết của nhà thơ Thu Bồn. Đoàn Ngọc Thu cũng là người tài trợ để cuốn sách được ra đời. Đáng tiếc, vì lý do sức khỏe, nữ nhà thơ không có mặt trong ngày ra mắt sách.
Cách đây 2 năm, nhân 10 năm ngày mất Thu Bồn, bạn bè từng góp tiền in cuốn Thu Bồn - Tráng sĩ hề... dâu bể (NXB Hội Nhà văn) để tôn vinh ông. Nay, cuốn sách mới Tuyển thơ Thu Bồn sẽ được bán để gây quỹ học bổng mang tên Thu Bồn dành cho trẻ em nghèo được lập ra cách đây mấy năm.
"Có những người khi ra đi, câu chuyện của họ ta kể mãi không hết" - nhà phê bình Ngô Thảo nói về Thu Bồn. Buổi ra mắt sách là một cuộc đoàn tụ và hồi tưởng của những người bạn đều từng gắn bó với Thu Bồn, mỗi người kể một câu chuyện về ông.
"Thu Bồn bạn bè trăm ngả bốn phương" là lời nhà văn Trung Trung Đỉnh, hay cuộc đời ông là "bản du ca về tình bạn và tình người".
Còn nhà thơ Anh Ngọc nhớ lại: "Thu Bồn sống đúng như Trịnh Công Sơn từng ví: làm sao để khi sống đầy ắp sự có mặt và khi chết đầy ắp sự vắng mặt. Thu Bồn chính là một người như thế. Khi anh còn sống, anh đi đâu mọi người đều biết. Khi anh qua đời, anh để lại một sự trống trải lớn".
Sinh thời, nhà thơ là người có vẻ ngoài phong trần hấp dẫn, được nhiều phụ nữ yêu. Giới văn chương vẫn ghi nhớ câu nói của nhà văn Nguyễn Khải: "Thu Bồn thì đến tôi cũng yêu chứ riêng gì phụ nữ". Thu Bồn làm rất nhiều thơ tình, trong đó có bài Tạm biệt Huế với những câu thơ hay đáng nhớ trong dòng thơ tình của Việt Nam.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa