Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: Ngày lính và đời thơ
(Thethaovanhoa.vn) - “Bạn về quần cột ngang lưng/ Ba lô sờn quai lép xẹp/ Bạn về tặng mình đôi dép/ Xem như kỷ niệm chiến trường” là những dòng trong bài Chia tay cửa rừng cũng là tên tập thơ của Phạm Sỹ Sáu vừa được NXB Trẻ ấn hành.
Nếu không có lần tái bản này, thì Chia tay cửa rừng in năm 2002, vừa đúng một con giáp, sẽ không có nhiều người nhớ. Bởi như số phận nhiều tập thơ khác của Phạm Sỹ Sáu, anh chỉ viết toàn một dòng về thời lính tráng của mình, trong khi hình như người đọc thời bình thường giờ đây chuộng thơ tình hơn…
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu
Lính trận thế hệ thứ ba
Nhà phê bình văn học, nhà thơ Hoài Anh đã quá cố, từng nhận định: “Phạm Sỹ Sáu là thế hệ thứ ba những nhà thơ mặc áo lính”. Theo phân tích của nhà thơ Hoài Anh, có thể tạm chia ra các nhà thơ mặc áo lính theo từng thời đoạn: kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới.
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, cán bộ của NXB Trẻ thuộc Thành Đoàn TP.HCM. Nhưng ít độc giả nhớ rằng, trước khi trở về cuộc sống dân sự, Phạm Sỹ Sáu là một người lính với 11 năm trong quân ngũ. Anh nhập ngũ tháng 7/1977 và chuyển ngành năm 1988. Thời gian khoát áo lính lâu nhất của Phạm Sỹ Sáu ở chiến trường Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Đây chính là giai đoạn ám ảnh không nguôi trong thơ Phạm Sỹ Sáu.
Trước khi ra trận làm nghĩa vụ công dân với Tổ quốc, Phạm Sỹ Sáu là một thanh niên trí thức. Anh từng học tại ĐH Khoa học Sài Gòn trước khi khoác áo quân nhân. Người trí thức cầm súng hẳn nhiên đã trang bị đầy đủ sự hiểu biết cho con đường phía trước mình sẽ dấn thân. Nhưng lưu luyến thị thành nơi Phạm Sỹ Sáu trưởng thành vẫn còn mãi, như nhiều thanh niên ở các miền quê khác luyến lưu lũy tre làng vậy.
Trong tâm thức của người Việt, khi nhớ về quê hương, người ta thường nhớ về lũy tre. Với một thanh niên trưởng thành ở đô thị như Phạm Sỹ Sáu, anh sinh ra và học chữ ở Đà Nẵng, lớn lên một chút học ở Sài Gòn; thì nơi Phạm Sỹ Sáu nhớ nhất và cũng là nơi anh mong muốn tin cậy gửi trao nghĩa tình, như thơ anh viết: "Hòm thư chúng tôi: Thành phố Hồ Chí Minh: Địa chỉ chúng tôi Thành phố Hồ Chí Minh/ và chúng tôi cứ ở Thành phố Hồ Chí Minh/ thì cũng chẳng có gì để nói/ Địa chỉ chúng tôi là một hòm thư...". Dù ở bất cứ đâu bên ngoài đất mẹ, với Phạm Sỹ Sáu và đồng đội, hòm thư chung để gửi nhớ thương về có tên: Thành phố Hồ Chí Minh. Bài thơ Hòm thư chúng tôi: Thành phố Hồ Chí Minh được anh viết tại Sisophon vào tháng 11/1980 và hoàn thành vào tháng 11/1990 tại TP.HCM.
Bìa tập thơ Chia tay cửa rừng
Một đời thơ lính
Trong lời tự bạch in ở Tổng tập nhà văn quân đội (NXB Quân đội Nhân dân 2000), Phạm Sỹ Sáu viết: "Tôi là đứa con của quê hương có đủ núi, sông, biển, đồng, sớm xa nhà từ nhỏ, sống giữa muôn người, làm văn nghệ để ăn học. Hai mươi mốt tuổi vào lính để tự cải tạo mình. Mười một năm sau giã từ áo lính mang theo món nợ máu xương đồng đội chẳng bao giờ trả hết. Trở về đời sống dân sự, hình ảnh những đồng đội trẻ không còn kịp trở lại quê nhà cứ thôi thúc tôi cầm bút. Dường như tôi chưa nói được gì nhiều về những người lính cùng thế hệ - những người đi giữ nước mà mang trong lòng nỗi niềm nhớ nước".
Đi làm nghĩa vụ quốc tế nhưng "trong lòng nhớ nước" để rồi nhắn gửi bạn bè hoàn thành nghĩa vụ: "Mai mày về đi dưới phố cây xanh/ Nếu gặp nắng đừng đưa tay che vội/ Hãy nhớ tụi tao trầm mình trong nắng đội/ Khát dòng sông như khát thuở thanh bình...".
Với Phạm Sỹ Sáu, cho dù một ngày anh làm lính, (chứ không phải 11 năm khoác áo quân nhân), thì một đời thơ của anh vẫn viết về lính chiến. Bởi trong lý lịch sáng tác của Phạm Sỹ Sáu, ghi rõ: tập thơ đầu tay của anh viết thời học sinh Hãy mở lòng ra mùa Thu tới. Những tập còn lại đều viết về lính trận, như: Khúc ca vào chiến dịch (1981), Điểm danh đồng đội (1988), Ra đi từ thành phố (1994), Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ (2004), Khúc ca đồng đội (2009)...
Thơ Phạm Sỹ Sáu viết về những người lính đã hy sinh một phần hay hoàn toàn xương thịt của mình vì đất nước, trong đó có nhiều người vô danh khi làm nghĩa vụ với đất mẹ hiền lành, nhưng nhờ thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung, họ còn sống mãi với dân tộc.
HOÀNG NHÂN
Thể thao & Văn hóa