Nhà thơ Lê Thị Kim: Vẽ tranh - hạnh phúc như sờ thấy được
Nhà thơ Lê Thị Kim đã dành cho TT&VH cuộc trò chuyện về chuyến đi này.
* Chị được mời với tư cách là họa sĩ hay nhà thơ “cầm cọ”, vì trong 10 nữ họa sĩ Việt Nam chỉ có chị nổi danh trong làng văn?
- Cuộc triển lãm và hội thảo với chủ đề Tự họa, sự tương phản về tự luận do Hội Hoạ sĩ nữ Quốc tế tổ chức. Tuy tôi là người của làng văn nhưng triển lãm lần này tôi được mời với tư cách họa sĩ chứ không phải... nhà thơ. Vì thật ra tôi đã là hội viên Hội Mỹ thuật từ năm 1996 và cũng đã có rất nhiều tranh được sưu tập trong nước và nước ngoài.
- Triển lãm lần này tại Mỹ rất có ý nghĩa với tôi vì là lần đầu tiên dự một triển lãm quy mô quốc tế, cùng gặp gỡ các họa sĩ nữ khắp 5 châu, có nước vài ba họa sĩ, có nước trên 10 họa sĩ (Pháp), 20 họa sĩ (Mỹ)... Khác dân tộc, văn hóa, tôn giáo, các họa sĩ hội tụ cùng nhau để hội thảo về nghệ thuật, giao lưu văn hóa, liên kết những kinh nghiệm thực tế, thúc đẩy tính mỹ thuật tiên tiến trong hội họa...
Những người tổ chức và các họa sĩ tham dự muốn cùng nhau đẩy mạnh và phát triển nền mỹ thuật của các họa sĩ nữ lên tới mức độ xúc cảm hơn, vượt qua sức mạnh của bản thân và hội họa. Đồng thời cũng hy vọng nó không lặp lại những lối mòn cũ.
Đoàn các họa sĩ nữ Việt Nam tham dự triển lãm tranh tại Mỹ gồm: Cao Thị Được, Đặng Thị Dương, Nguyễn Thùy Hương, Công Tần Tôn Nữ Ái Lan, Trần Thùy Linh, Nguyễn Thị Tâm, Huỳnh Phương Thị Đài Trang, Lý Chánh Vân, Nguyễn Thị Quang Vinh và Lê Thị Kim. |
- Tôi còn mang theo một số tập thơ, bài thơ mới để tặng bạn bè và còn có một loạt postcard là tranh triển lãm của tôi. Đặc biệt hơn nữa còn có quà tặng và để giao lưu là một số CD gồm những bài thơ của tôi được phổ thành ca khúc bởi các nhạc sĩ như: Hoàng Hiệp, Quốc Bảo, Ngô Tùng Văn, Trương Tuyết Mai, Doãn Bình, Hoàng Cương, Nguyễn Tiến Nghĩa, Khánh Vinh, Giao Tiên... đương nhiên có giọng của nhiều ca sĩ khá nổi tiếng. CD đó do nghệ sĩ Hồng Vân làm cho tôi.
* Làm nhà thơ đồng thời “cầm cọ”, chị thấy vẽ và thơ cái nào “khó” hơn và cái nào giải bày được tâm trạng của mình nhiều nhất?
- Tôi không cho là khó vì giải bày được tâm trạng và giải tỏa được nỗi lòng của mình đã là hạnh phúc rồi. Đã vậy thơ và họa luôn cho mình cảm giác hạnh phúc khi đến gần với nó (tức đọc thơ và thưởng lãm tranh của bạn bè) nói gì mình còn được cầm nắm nó (tức nó là của chính mình) thì còn hạnh phúc biết dường nào. Riêng được vẽ tranh, hạnh phúc như có thể sờ thấy qua màu sắc, đường nét. Mà hạnh phúc thì bao giờ cũng giúp chúng ta quên đi mệt mỏi và khổ đau... Đúng không?
* Xin cảm ơn, chúc chuyến đi của chị thành công!