Nhà thơ Đoàn Vị Thượng: Lao động văn chương như một 'lực điền'
(Thethaovanhoa.vn) - Vì hoàn cảnh riêng, với bệnh hiểm nghèo, tập Đoàn Vị Thượng - thơ có lẽ là tác phẩm cuối cùng của thi sĩ này. Từ 200 bài thu thập được, nhóm làm sách chọn ra 63 bài để in, vì đến Tết Tân Sửu này, Đoàn Vị Thượng bước vào tuổi 63.
Trong lời tựa Cây cỏ hồn nhiên mà Nguyễn Nhật Ánh viết, có đoạn: “Đọc thơ Đoàn Vị Thượng bằng mắt không thích bằng nghe Đoàn Vị Thượng tự đọc thơ mình. Trong các văn hữu cùng thế hệ với tôi, Bùi Chí Vinh và Đoàn Vị Thượng là 2 người thuộc thơ nhiều nhất. Không chỉ thơ mình, cả 2 còn thuộc nhiều bài thơ hay của các thi sĩ khác. Mỗi lần ngồi lai rai và đàm đạo thi ca với Vinh và Thượng, thật thú vị khi nghe cả 2 cao hứng “phun châu nhả ngọc”. Bùi Chí Vinh giọng Nam bộ ngang tàng hào sảng, Đoàn Vị Thượng giọng Quảng Ngãi mộc mạc, chân chất, âm sắc hơi nhừa nhựa nghe rất duyên. Tôi nghĩ, phải yêu thơ cực kỳ mới có thể hứng thú và nhập tâm những bài thơ... không phải của mình đến vậy. Điều đó nói lên thái độ trân trọng với thơ và phải có tấm lòng liên tài đặc biệt, điều hiếm có với giới sáng tác vốn bị đóng khung trong thành kiến “văn mình vợ người”.
Một hứng khởi tự tin với thơ
Đoàn Vị Thượng trọn đời mê đọc và viết nhiều thể loại, nhiều nhất là báo, về mảng văn hóa văn nghệ, giáo dục. Riêng với thơ, anh sáng tác vài trăm bài, nhưng từng bài được trăn trở, trau chuốt cẩn thận.
Anh có cái khùng thật thà kiểu thi sĩ, không biết vòng vo thớ lợ, chỉ thẳng băng một hứng khởi tự tin. Ví dụ như chuyện anh tự tin thi triển lại một thi đề mà đại thi sĩ Tản Đà đã trình làng từ năm 1932 trong bài Nói chuyện với bóng. Cũng đề tài ấy, Đoàn Vị Thượng viết khác hẳn: “Khi anh quay nhìn thì bóng quay đi/ Khi anh quay đi thì bóng quay nhìn/ Bóng là người yêu không có chuyện tình/ Khi mặt trời tắt ai cũng đêm đen/ Anh không thấy anh vẫn nghe hơi bóng/ Bóng là người thù không có oán ghen/ Bóng ở mặt trời bóng ở ngọn đèn/ Ở đâu có sáng thì bóng mới ra/ Bóng mới là người, anh chỉ là ma”.
Không chọn thơ lục bát như bậc thầy Tản Đà, bóng và hình của Đoàn Vị Thượng thật hơn, vì hình bóng bằng nhau trong những cặp câu đăng đối 8/8, chứ không so le trên 6 dưới 8. Bài thơ của Đoàn Vị Thượng vì vậy mà khác và dễ hợp với người đọc thơ thời nay.
Một bài thuộc loại “nổi khùng” khác của anh giáo làng này là Bolero (trang 25): “Bolero của chúng ta/ Đẫm bao máu lệ quê nhà long đong/ Có người nón sắt chết sông/ Có người mũ cối mất trong rừng già/ Bolero đệm đời ta/ Đêm tình yêu với quê nhà mênh mông/ Ô kìa, bạn hát vừa xong/ Mà bao nốt lặng trong lòng còn ngân/ Ta thèm mặc áo bình dân/ Bolero hát chia phần khổ vui”. Thuộc loại “khùng”, vì bài thơ này viết khi thể loại ca khúc bolero chưa mấy "chính danh" tại Việt Nam. Khùng vì thi sĩ chạy hơi nhanh trong cuộc marathon âm nhạc của những người “mặc áo bình dân”. Khùng ấy có một khuôn vần với chữ “dũng”.
Mới đây, khi trò chuyện với nhau về chữ “khùng” này, Đoàn Vị Thượng không nói mà đưa tôi coi lời bạt của tập thơ. Anh viết: “Hồi nhỏ, khoảng lớp 6 lớp 7, có những buổi tối mấy anh em trai nằm chen chúc bên cạnh ba tôi trên một chiếc giường, nghe ông kể những câu chuyện vui buồn về quê xưa người cũ. Thỉnh thoảng ông cất giọng nửa ngâm nửa đọc những bài ca dao, nhưng bài tôi ấn tượng mạnh khi nghe là Thằng Bờm.
- Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: 'Ai cũng cần những quãng lặng cho mình'
- Nhà thơ Trúc Thông: Ở nơi chân trời những cuốn sách
- Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha: Kiến tạo một 'vũ trụ yêu'
Những điệp ngữ “phú ông xin đổi” và “Bờm rằng Bờm chẳng” dẫn dắt liên hồi khiến tôi vô cùng hồi hộp. Đọc xong bài ca dao, ba tôi “liên hệ thực tế”: Trong mấy đứa, ba thấy người giống thằng Bờm nhiều nhất là Đoàn - tức là tôi đó vậy. Thằng Đoàn là người giàu tình cảm, dễ tin, dễ bị phỉnh, nhưng dù ai có phỉnh gì con, cũng khó đoạt được điều gì, vì ba thấy tính con ít ham chuộng vật chất, không thích đấu tranh cho hơn người”.
Cần lao mà lãng tử
Chơi với nhau đã vài mươi năm, nếu ai hỏi, Đoàn Vị Thượng là người thế nào? Xin trả lời ngay: Cần lao, mà lãng tử. Anh lao động văn chương như một lực điền, đọc như cái máy gặt đập liên hợp, viết như cái máy bơm, bơm thứ mực được chưng cất từ đời sống.
Đoàn Vị Thượng từng trải tấm ni-lông xuống lề đường Lê Lợi, Sài Gòn, trước nhà sách Khai Trí, nay là nhà sách FAHASA vào những năm 1980, bày bán sách cũ kiếm tiền. Anh học nghề sư phạm ở một cơ sở mới lập, mở ngay tại trụ sở của Trường Lasan Taberd ngày xưa. Sau đó anh có 11 năm liền gõ đầu trẻ ở các trường tiểu học tại quận 11, trước khi chuyển sang viết báo, sống bằng nghiệp cầm bút.
Đọc như một máy gặp đập liên hợp giúp Đoàn Vị Thương có cái nhìn bao quát và bao dung. Ví dụ khi viết về Trịnh Công Sơn, anh đã lẩy được câu của Nguyễn Quang Sáng: “Lúc sinh thời, Sơn vắng mặt chỗ này chỗ kia, nhưng khi Sơn ra đi, Sơn có mặt khắp mọi nơi”. Đoàn Vị Thượng thường vẽ chân dung văn học dày bối cảnh nền, lại sắc nét chi tiết. Dù viết trên cả chục trang in, viết sau nhiều năm, anh vẫn trung thành với nguyên tắc sắc nét và dày dặn. Anh tra cứu để bắt được các khoảnh khắc sống động, riêng tư về nhân vật.
Nhưng với thơ thì khác, Đoàn Vị Thượng luôn chạy theo cảm xúc tức thời, luôn ghi chép lại, rồi từ từ chắt lọc, chỉnh sửa và xóa. Số lượng còn lại ít cũng vì thói quen xóa bỏ này. Nhiều bạn bè còn nhớ bài thơ mà Đoàn Vị Thượng ứng tác trên sông Tiền, sau đêm thơ Nguyên tiêu do Đại học Đồng Tháp tổ chức nhiều năm trước. Với vài người, ngay ứng tác đó đã hoàn chỉnh, vì nó đầy chất lãng tử, phiêu bồng, nhưng với Đoàn Vị Thượng thì không, anh đã sửa cho “tan nát”, như viết lại một bài khác.
Vài nét về Đoàn Vị Thượng Đoàn Vị Thượng có tên trong giấy tờ là Trần Quang Đoàn, sinh năm 1959 tại Quảng Ngãi, gốc Thừa Thiên - Huế. Các tác phẩm tiêu biểu có Ngôi trường, hoa phượng và tôi (thơ, 1987), Thơ Đoàn Vị Thượng - Phan Thị Nguyệt Hồng - Lê Minh Quốc (in chung, 1988), Chuyện tình chim hót (truyện dài, 1989), Môi thơm (truyện dài, 1990), Tóc em còn thả mùa đi học (truyện dài, 1991)… Từ khi về làm việc tại báo Giáo dục và Thời đại, tác phẩm xuất hiện dày đặc đây đó, nhưng không in tập riêng nào nữa. Bài thơ hay nhất của Đoàn Vị Thương theo Nguyễn Nhật Ánh Cuộc lữ Và tôi nghĩ đến ngày mai Vâng, rằng khi đã lọt lòng Tôi còn hẹn với trời mây… Khi vùi mình xuống đất đen |
Trần Quốc Toàn