Nhà thơ Đỗ Bạch Mai: "Thơ tôi buồn nỗi buồn của người đàn bà"
Nhà thơ Đỗ Bạch Mai dùng chữ nghĩa để nhẹ nhàng trao gửi những tâm tình của mình - một người vợ và người mẹ - nên cứ thong thả viết, chẳng cần tìm cách đột phá thi pháp, cách tân thơ để chứng minh mình có một phong cách riêng. Thơ chị giàu nữ tính và giàu nhạc điệu.
Đọc bài thơ Một mình trong mưa của Đỗ Bạch Maitrong sách Ngữ Văn 7, tập 1, bộ Cánh diều, có thể thấy được một phần giọng thơ của chị. Ngoài Một mình trong mưa, 2 bài thơ khác của chị là Thu về và Chuyện một người mẹ cũng được in trong 2 sách tham khảo Ngữ văn 6 và Ngữ văn 8, bộ Cánh diều.
Thơ đầy nữ tính
* Đỗ Bạch Mai đã nối tiếp bước chân người bạn đời của mình là nhà thơ Bế Kiến Quốc để đi vào sách giáo khoa. Những bài thơ "Một mình trong mưa", "Chuyện mộtngười mẹ", "Thu về" hẳn là có nhiều ý nghĩa với chị?
- Mỗi bài thơ đều có cảm xúc và ý nghĩa riêng đối với tôi. Trong đó, có những bài thơ thực sự là những cảm xúc mãnh liệt ở thời điểm viết chúng, chẳng hạn như bài Một mình trong mưa.
Năm 2002, người bạn đời của tôi qua đời đã để lại trong tôi một khoảng trống lớn. Sinh thời, bao giờ tan làm muộn, anh Quốc cũng từ báo Người Hà Nội về báo Văn nghệ trẻ đón tôi. Hôm ấy, lần đầu tiên tôi phải tự đi về không có ai đón, mà trời lại đổ mưa tầm tã. Tôi lầm lũi chạy xe máy đi trong mưa và bỗng nhiên thoáng nảy ra ý nghĩ mình sẽ viết một tập thơ với tựa đề Một mình trong mưa. Thế là trong 2 năm, tôi dồn những cảm xúc yêu thương, đau đớn vì sự ra đi của anh để viết tập thơ này.
Bản thảo tập thơ đã có, nhưng đọc đi đọc lại tôi vẫn thấy thiếu một điều gì đó, sau đó thì hiểu ra vì chưa có một bài thơ đinh mang hồn cốt của cả tập thơ. Tôi đã vật vã vì nó đến 2 tuần mà không xong. Một đêm thao thức không ngủ được, tôi bỗng nhớ đến hình ảnh những con cò trong ca dao "Con cò đi đón cơn mưa/Tối tăm mù mịt ai đưa cò về", và thấy mình chính là "con cò đi đón cơn mưa". Vần thơ vụt đến như tia chớp: "Từ nay cò ơi /Thân cò lận đận/ Một mình nuôi con...". Tôi vừa viết vừa khóc, cảm xúc cứ ào ra như chính cuộc đời mình vậy và bài thơ được hoàn thành ngay trong đêm hôm đó.
Bài Chuyện một người mẹ là một kỷ niệm khác. Thành ủy Hà Nội phát động phong trào viết về mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi khi ấy là phóng viên của báo Văn nghệ, được phân công viết về người mẹ có người con trai duy nhất hy sinh cho Tổ quốc và bà vẫn không tin là con mình không trở về, bao năm qua, đêm đêm mẹ vẫn chờ con. Tôi đã cùng mẹ thắp hương cho người liệt sĩ, thương mẹ quá nên tôi đã viết được bài thơ này: "Mẹ nâng cái sàng/Mẹ cầm cái nia/Mẹ sàng nỗi nhớ/Gạo tròn lăn đi/Gạo ơi con mẹ/ Ngày mai có về/Tấm ơi con mẹ/Đêm dài có nghe?...".
Còn bài Thu về là cảm xúc của tôi trước mùa Thu, với ngọn gió heo may và lá vàng rơi. Lòng tôi khi ấy cũng thấp thỏm chờ đón mùa Thu như dòng sông, con người đã hòa quyện vào thiên nhiên.
* Phần lớn cảm xúc thơ của chị dành cho phụ nữ. Chị nói gì về điều này?
- Khi anh Bế Kiến Quốc ra đi, tôi phải đương đầu với những khó khăn, vất vả nên càng thấu hiểu sự thiệt thòi của người phụ nữ. Tôi nhớ đến bà ngoại, đến mẹ và những người phụ nữ ở Nghệ An đã nuôi tôi lớn lên bằng những lời ru mà hình ảnh con cò nó cứ ám ảnh trong tâm hồn... Có lẽ bắt đầu từ hoàn cảnh gia đình và từ chính mình nên tôi cảm thông với những người phụ nữ,vì hiểu họ đã hy sinh thầm lặng thế nào. Sau bài Một mình trong mưa, tôi đã viết rất nhiều những bài thơ khác về những người đàn bà, trong đó có tôi.
* Có lẽ vì vậy mà thơ của chị đầy nữ tính và êm đềm như những khúc hát ru?
- Nhiều người khác cũng bảo thơ của tôi đầy nữ tính, có lẽ vì thơ của tôi buồn nỗi buồn của người đàn bà. Thơ của tôi chính là cuộc đời tôi. Nó là sự đau khổ vì chia ly, là sự khao khát tình yêu, lớn hơn nữa là khao khát của người mẹ mong chờ con bình an, lớn hơn tí nữa là khao khát bình yên cho trái đất...
Tôi viết bằng sự giản dị, không đao to búa lớn. Có thể trong tôi đã có sẵn thiên bẩm yêu thương của người đàn bà. Chính bà ngoại và mẹ đã truyền cho tôi sự dịu dàng, yêu thương đó. Các nhạc sĩ cũng đã phổ nhạc cả trăm bài thơ của tôi, có lẽ vì chúng giàu nhạc điệu.
Nợ Bế Kiến Quốc những ân tình
* Nhà thơ Bế Kiến Quốc đã qua đời hơn 20 năm nhưng chị vẫn luôn nhắc anh trong những lần nói chuyện. Sống với một bạn đời cũng là bạn thơ, chị cảm thấy thế nào?
- Với tôi, Bế Kiến Quốc vừa là người bạn, là người tình, là người anh, là người chồng và là một người thầy. Anh đã có tập thơ tình 116 bài viết tặng tôi trước ngày cưới. Tôi nghĩ mình là người đàn bà hạnh phúc. Tôi cũng thấy mình mắc nợ Bế Kiến Quốc những món nợ ân tình mà đi hết cuộc đời này không trả hết. Đến giờ tôi vẫn thấy thương xót và tiếc cho anh, ra đi khi tài năng đang độ chín muồi và còn nhiều việc phải làm.
Bế Kiến Quốc không còn nữa, nhưng chính thơ anh là nguồn năng lượng cho tôi đi tiếp. Thơ của Bế Kiến Quốc đẹp và trong sáng, nâng đỡ tôi dậy, có lẽ đó cũng là những lý do giúp cho mình tồn tại và muốn làm tất cả những gì có thể cho thơ và cho tình yêu. Mỗi khi buồn, tôi lại lần giở Đất hứa - tập thơ tình 116 bài mà anh đã viết tặng tôi trước khi cưới - ra đọc lại.
* Thường thì những cuộc hôn nhân dù đẹp vẫn có những thời điểm đầy sóng gió, chuyện của chị chắc cũng không ngoại lệ? Có bài báo về chị được đặt tựa "Vì ghen mà trở thành nhà thơ", nhưng có lẽ tâm hồn thơ của chị đã được nhen nhóm từ trước đó rất lâu rồi phải không, thưa chị?
- Bạn nói đúng, tôi yêu thơ, có thể nói say mê thơ. Như đã nói ở trên, tâm hồn thơ của tôi đã được nuôi dưỡng từ bà ngoại và mẹ. Những người đàn bà Nghệ An với những lời ru, những câu ca và những điệu hò ví dặm... Mẹ tôi làm thơ và thích hát... tất cả những điều ấy đã thấm đẫm vào tâm hồn tôi. Tôi lại học Khoa Văn của Đại học Sư phạm Hà Nội và cao học chuyên ngành văn học dân gian... nên những chất thơ ngày càng thấm đẫm vào tôi. Năm 15 tuổi, tôi bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên về trường lớp.
"Tôi viết bằng sự giản dị, không đao to búa lớn. Có thể trong tôi đã có sẵn thiên bẩm yêu thương của người đàn bà. Chính bà ngoại và mẹ đã truyền cho tôi sự dịu dàng, yêu thương đó. Các nhạc sĩ cũng đã phổ nhạc cả trăm bài thơ của tôi, có lẽ vì chúng giàu nhạc điệu" - Đỗ Bạch Mai.
Giời bắt làm thơ!
* Chị yêu thơ từ bé, nhưng vì sao phải đến khi gặp một nhà thơ thì mới xuất hiện nhà thơ Đỗ Bạch Mai?
- Vì yêu thơ mà mê thơ và mê Bế Kiến Quốc, nhưng trước một người giỏi như anh, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành nhà thơ. Khi vợ chồng tôi cùng về công tác ở báo Văn nghệ, tôi cũng chỉ nghĩ mình sẽ là một người nghiên cứu để cho Bế Kiến Quốc yên tâm làm thơ.
Nhưng môi trường thơ văn ở báo đã bồi đắp cho tâm hồn thơ của tôi tràn ngập. Và phải có một lý do để thơ trào ra. Năm 1984, Bế Kiến Quốc đi trại sáng tác ở Đồng Tháp đã có một cơn "say nắng" với một bạn trẻ sinh viên của trường cao đẳng sư phạm, dĩ nhiên là trong sáng. Tôi tình cờ phát hiện, thấy sụp đổ, tự hỏi: Phá vỡ hoặc là gìn giữ? Cuối cùng, tôi đã im lặng, nhưng các tứ thơ cứ thế tuôn trào. Nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhà thơ Hồng Phi nói với tôi: "Giời bắt em trở thành nhà thơ rồi". Từ đó, tôi không cưỡng lại được nữa. Tôi làm thơ. Đúng là, giời bắt làm thơ!.
* "Làm tất cả những gì có thể cho thơ và tình yêu", chị từng nói thế. Có thể hiểu là chị vẫn đang có những ấp ủ cho những sáng tác tiếp theo của mình?
- Sau khi in xong tập thơ Một mình trong mưa, tôi đã định dừng bút không viết nữa, vì không muốn thơ mình cứ than khóc. Thực tế, tôi đã dừng lại gần 20 năm, chỉ mải kiếm tiền, kiếm sống. Nhưng rồi dịch Covid-19 ập đến, gia đình tôi khuynh gia bại sản. Tôi đứng giữa cuộc đời với 2 bàn tay trắng. Tồn tại hay không tồn tại? Tôi lại phải bám vào thơ để tồn tại, vừa bươn chải vừa làm thơ. Từ năm 2021 đến nay, tôi đã viết bù cho gần 20 năm im lặng.
Hiện tại, trong tay tôi có 4 tập thơ nhưng chưa in được. Ngoài ra, tôi cũng đang ấp ủ một tập tản văn có tựa là Từ lời ru của bà để dành tặng cho những đứa cháu của mình.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Vài nét về nhà thơ Đỗ Bạch Mai
Sinh năm 1951 tại Nam Định. Hiện chị đã nghỉ hưu và đang sống tại Hà Nội.
Các tập thơ đã xuất bản: Một lời yêu (1992), Năm bông hồng trắng (1997), Một mình trong mưa (2004).
Các giải thưởng: Giải C dành cho tập thơ Năm bông hồng trắng; Giải B cho tập thơ Một mình trong mưa của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.