Nhà sưu tập Nguyễn Quang Cường: Thương hiệu nhà sưu tập làm tăng giá trị tranh
(Thethaovanhoa.vn) - Sau triển lãm bộ sưu tập Những bức tranh từ châu Âu về với 15/17 bức bị cho là tranh giả khiến dư luận tổn hao giấy mực. Mới đây, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM) tiếp tục triển lãm Giấc mơ xanh với 49 tác phẩm do nhà sưu tập Nguyễn Quang Cường tích lũy trong hơn 10 năm “chơi tranh”.
Ông Nguyễn Quang Cường được biết đến là chủ Gallery Phương Mai từng tọa lạc trên đường Lê Thánh Tôn và Phan Châu Trinh ngay trung tâm TP.HCM. Hiện phòng tranh Phương Mai dời về trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.Nhà sưu tập Nguyễn Quang Cường cho biết lý do ông trưng bày bộ sưu tập của mình vào thời gian “nhạy cảm” này:
- Tôi có ý định trưng bày bộ sưu tập của mình vào trước Tết 2016. Tôi đăng ký với Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và phụ thuộc vào sự xếp lịch của bảo tàng. Lý do tôi muốn bày tranh ở nơi đây vì cơ sở vật chất đầy đủ và tòa nhà của "chú Hỏa" cũ có kiến trúc rất đẹp.
Tuy nhiên, trước khi đến lượt tôi triển lãm, thì diễn ra cuộc trưng bày 17 họa phẩm “trở về từ châu Âu”. Do phòng tranh Phương Mai cũng nằm trong khuôn viên bảo tàng, tôi có qua xem tranh trước đó. Xem xong tôi thấy tranh của các danh họa không như tôi kỳ vọng nên ra về mà không dự khai mạc.
* Ông làm chủ gallery Phương Mai và có hơn 10 năm “chơi tranh”, không lẽ ông chỉ sưu tập có 49 bức tranh cho triển lãm “Giấc mơ xanh”?
- Phương Mai tổ chức rất nhiều cuộc triển lãm cho các họa sĩ trên toàn quốc, thậm chí có cả họa sĩ người nước ngoài tìm đến hợp tác với tôi để trưng bày tranh. Qua các lần triển lãm, tôi giữ lại khoảng 60 tác phẩm của các họa sĩ.
Lý do tôi sưu tầm các tác phẩm này vì thích và vì các bức tranh đó rất khác so với tranh thường thấy của các họa sĩ. Chẳng hạn, họa sĩ Đỗ Duy Tuấn chuyên vẽ thiếu nữ, phong cảnh… nhưng anh Tuấn chỉ có một tranh vẽ phong cảnh ở lăng Gia Long trên sông Hương (Huế). Còn việc chỉ treo 49 bức vì không gian tôi thuê để triển lãm lần này chỉ đủ chỗ cho bao nhiêu tranh đó thôi.
* Trước vấn nạn tranh giả hiện nay, làm cách nào để anh không mua phải tranh giả, tranh kém giá trị nghệ thuật?
- Tôi chỉ sưu tập tranh của những họa sĩ đương đại, tôi quen biết họ và theo dõi quá trình sáng tạo của họ trong một thời gian rồi mới quyết định mua.
Để tôi sưu tập một bức tranh, tôi phải tin tưởng họa sĩ và có đầy đủ thông tin về họa sĩ và tác phẩm. Không tin và không đủ thông tin tôi không mua. Tất cả 49 tác phẩm trưng bày lần này, phía dưới mỗi tác phẩm đều đính kèm câu chuyện về bức tranh từ khi được họa sĩ vẽ cho đến khi về bộ sưu tập của tôi.
Tác phẩm "Nắng Sài Gòn" (sơn dầu 2007) của họa sĩ Lê Thanh (sinh 1942) khiến Nguyễn Quang Cường sưu tập vì gợi đến bài hát "Một thoáng quê hương"
* Vậy theo ông, vấn nạn tranh giả ầm ĩ thời gian qua là từ đâu?
- Theo tôi biết, tranh giả có từ Âu sang Á, bất kỳ đâu cũng có tranh giả hết chứ không riêng gì Việt Nam. Ở ta trong một thời gian dài, các vụ tranh giả thường gắn với tranh của các danh họa học Mỹ thuật Đông Dương. Còn các nhà sưu tập mua phải tranh giả thường là mua ở các tiệm bán đồ cổ hay giả cổ, các tiệm sách cũ; và phần lớn những người mua phải tranh giả này không có hiểu biết về lịch sử mỹ thuật.
Hiện, tranh của các danh họa hay bị làm giả nhất là tranh sơn mài.
* Sưu tập tranh cũng là một “nghề chơi công phu” cần kiến thức chứ không phải chỉ có tiền?
- Tôi đi học các lớp về giám tuyển nghệ thuật và học trong sách báo. Để có một tác phẩm tốt nhất cho bộ sưu tập, cần hiểu 6 nguyên tắc sau đây của “hệ sinh thái nghệ thuật”: chất lượng nghệ thuật; tình trạng tác phẩm; độ hiếm (không lặp lại bút pháp của họa sĩ); nguồn gốc (bức tranh đó đang ở nhà của họa sĩ, ở gallery hay ở nhà sưu tập); hoạt động của họa sĩ (có học chính quy về mỹ thuật hay không, học thầy nào, có bao nhiêu triểu lãm; sự đón nhận của công chúng).
Trong 6 nguyên tắc này, nguồn gốc của bức tranh sẽ làm tăng giá trị của tác phẩm. Ví dụ bức tranh được một nhà sưu tập có thương hiệu cỡ như tỷ phú Donald Trump sở hữu, thì giá trị bức tranh sẽ rất khác với giá khởi điểm từ họa sĩ hay của gallery.
Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa