Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về dạy sử: Mọi thay đổi đều cần nền tảng đủ
Thông tin về việc từ năm 2022, lịch sử trở thành môn tự chọn trong chương trình giáo dục THPT đang gây sự chú ý đặc biệt với dư luận. Về vấn đề này, Thể thao và Văn hóa đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Mở đầu cuộc trò chuyện, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết:
- Vấn đề này được bàn tới từ khá lâu - mà cột mốc đáng nhớ là việc được đem ra thảo luận trong kỳ họp Quốc hội vào 11/2015. Theo trí nhớ của tôi, trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, đó cũng là lần đầu tiên một môn học lại được mang ra nghị trường như thế.
Thực tế, trong suốt những năm ấy và cho cả tới bây giờ, tôi nghĩ không ai - kể cả những anh em làm trong ngành giáo dục - coi thường môn sử. Người Việt Nam luôn có ý thức rất đặc biệt về môn sử học, khi đó không chỉ là câu chuyện của kiến thức mà còn gắn với tính cách, bản lĩnh và những giá trị truyền thống của dân tộc. Nhưng, bài toán khó đang đặt ra với chúng ta là việc tìm hướng phát huy môn lịch sử trên ghế nhà trường.
Về thay đổi được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, nhìn công bằng thì mọi thứ gắn với một thực tế: Nền giáo dục Việt Nam đang có một hạn chế rất lớn, thậm chí là bước lùi, là không sớm phân ngành. Việc phân ngành để lựa chọn ngành nghề, để đào tạo chuyên biệt một cách có hệ thống, bài bản sẽ có tác động rất quan trọng tới nguồn nhân lực trong xã hội, đặc biệt là với đòi hỏi ngày càng cao như hiện tại.
Tôi rất thông cảm với việc những người trong ngành giáo dục trong cả chục năm qua vẫn muốn cùng làm được 2 việc: Vừa tạo điều kiện phân ngành, vừa giữ sự tôn trọng cần thiết với môn lịch sử. Nhưng, giải được bài toán ấy, thì vấn đề phải là công thức đưa ra.
* Ông có thể nói cụ thể hơn?
- Những gì được áp dụng trong chương trình mới tưởng như rất hợp lý, thậm chí giống với xu thế giáo dục của thế giới. Theo đó, lịch sử trong 9 năm đầu được học như một môn bắt buộc và trong 3 năm sau là môn tự chọn. Chưa kể, sử học được tích hợp vào những môn khác, để trở thành một môn khoa học xã hội chung. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế.
Hãy trở lại thời điểm năm 2015, khi ý tưởng này vấp phải sự phản ứng quyết liệt của xã hội. Thẳng thắn, những phản ứng ấy rất thuyết phục, khi tất cả đều lo lắng về vấn đề dạy sử trong nhà trường - kể từ kiến thức, chương trình, cách giảng dạy cho đến sự nhập cuộc từ phía thầy, phía trò và cả phía những người nghiên cứu sử học như chúng tôi. 8 năm đã trôi qua kể từ thời điểm ấy. Và lẽ ra, nếu ngành giáo dục nhận thức được điều này và vẫn muốn kiến trì tiến tới việc phân ngành, việc tích hợp lựa chọn thì việc đầu tư khắc phục những hạn chế của việc dạy lịch sử cần được khẩn trương tiến hành ngay. Chúng ta cần những bộ sách giáo khoa tốt hơn, cần những phương pháp tiên tiến hơn, và cuối cùng, cần đảm bảo mục tiêu về tính hấp dẫn của môn sử học.
Nhưng rõ ràng trong quãng thời gian đó, ngành giáo dục dường như vẫn chỉ triển khai một chiều dự án ban đầu mà chưa biết điều chỉnh, chưa biết đầu tư vào những gì cần đầu tư. Tôi hỏi anh em trong nghề về môn sử, họ trả lời rằng mọi thứ vẫn vậy, có chút thay đổi nhưng không đáng kể. Vấn đề nằm ở chỗ đó.
“Thời của tôi, cách dậy môn sử có những đặc thù riêng trong giai đoạn đang có chiến tranh. Cách dạy ấy có phần cổ điển, lạc hậu, nhưng phù hợp với việc định hướng về tư duy của mọi người trong giai đoạn này. Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ. Và nếu ta coi đó là chuẩn mực, chân lý, thì sẽ đồng nghĩa với việc nhân lên mọi sai lầm của chúng ta về sau” (Nhận định của nhà sử học Dương Trung Quốc). |
* Trong trường hợp sự thay đổi này vẫn được áp dụng, ông nghĩ nó sẽ mang tới những hiệu ứng gì trong việc học sử tại 3 năm cuối cấp?
- Một bộ phận dư luận cho rằng sự lựa chọn này đồng nghĩa với xóa sổ môn lịch học. Ít nhiều, họ có lý - khi mà môn học ấy vẫn chưa thay đổi gì nhiều.
Trên lý thuyết, trong 9 năm đầu, học sinh đã được cung cấp một lượng kiến thức về lịch sử. Điều này là quan trọng, nhưng chúng ta hiện vẫn chỉ dạy các em cách dùng trí nhớ trong môn học đó thôi.
Tôi cho đó là một sai lầm về phương pháp, khi biến môn lịch sử thành một thứ khổ sai về trí nhớ. Mà, nhớ trong sử học không phải là điều quan trọng - nhất là ở bối cảnh mọi dữ liệu có thể tra cứu một cách dễ dàng như hiện nay.
Tiếp đó, các các em bước sang giai đoạn trưởng thành nhất về con người, tư duy, ý thức... trong 3 năm cuối cùng trên ghế nhà trường. Đây là 3 năm vô cùng quan trọng của quá trình học tập, như các nhà sư phạm đã chứng minh. Và nếu được khơi gợi về ý thức công dân, lòng tự hào dân tộc, phẩm giá truyền thống... cộng cùng những phương pháp tiếp cận hợp lý, học sinh có thể hấp thụ tốt những kiến thức về lịch sử. Nhưng, thực tế, chúng ta chưa chuẩn bị một nền tảng đủ tốt để các em bị hấp dẫn. Và trong bối cảnh mới, các em có quyền bỏ qua môn học này. Để rồi, có thể dẫn tới tình trạng ở cấp 3 (THPT), ngày càng ít học sinh chọn học sử, giáo viên môn sử cũng loay hoay tìm người để dạy, còn môn học ấy ngày một teo tóp đi.
* Ở góc độ một nhà sử học, ông có thể đưa ra những tư vấn cá nhân cho ngành giáo dục trong vấn đề này?
- Tôi sợ rằng dư luận xã hội sẽ còn rất mạnh, dù những người có điều kiện hiểu biết sẽ rất chia sẻ và thông cảm với ngành giáo dục. Chúng ta cần ủng hộ việc tiếp cận với những quy trình giáo dục hiện đại, trong đó có việc phân ngành, nhưng khó ủng hộ một thực tế dễ xảy ra: Môn sử có thể bị teo tóp đi.
Cải cách, đặc biệt là trong giáo dục, luôn phải diễn ra đồng bộ, phải thay đổi dựa trên các điều kiện mới chứ không thể như cũ. Và, khi các điều kiện chưa đáp ứng được, tôi đề nghị ngành giáo dục cần đầu tư nhiều hơn. Đó không chỉ là sự đầu tư về tiền bạc, mà phải là sự đầu tư về phương pháp dạy và tư duy tiếp cận lịch sử. Cần nhớ, lịch sử là môn học để nhận thức về quá khứ và rút ra những quy luật cho hiện tại, chứ không phải là môn học để nhớ về quá khứ.
- Chi tiết môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới
- Giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản
Bởi thế, song song với việc tiếp tục kiên nhận để lắng nghe, đồng thời giải thích cho dư luận, tôi nghĩ ngành giáo dục nên đề ra và thuyết phục dư luận chấp nhận một giai đoạn quá độ. Việc có áp dụng hình thức thay đổi này hay tạm hoãn lại, đều cần một giai đoạn quá độ như thế.
Chẳng hạn, trong trường hợp áp dụng, các giải pháp cấp bách để tăng cường chất lượng chất lượng môn lịch sử trong nhà trường sẽ được triển khai như thế nào, theo chuẩn nào và bao giờ thì chấm dứt quá trình chuyển đổi? Hoặc, nếu tạm lùi, chúng ta sẽ có một thời gian chuẩn bị là bao lâu để đủ nền tảng cho sự phân ngành tất yếu trong giáo dục?
Kiến thức lịch sử đòi hỏi cao, dạy cấp 3 phải khác nhồi kiến thức thuần túy. Và nếu ta phát huy được sự phản biện, tính dân chủ trong môn sử thì đó lại là hình thức học sử tốt nhất, để các cháu được quyền tư duy về những di sản của ông cha chứ phải mô tả di sản ông cha theo một công thức chung.
* Xin cám ơn ông!
Bộ GD&ĐT giải thích về thay đổi trong dạy sử Trước những băn khoăn từ dư luận, vào đầu tuần qua, Bộ GD&ĐT đã có thông cáo về việc giảng dạy môn sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, ở chương trình này, giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn từ lớp 1 tới lớp 9. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp tiểu học và THCS, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Học sinh bắt buộc phải học năm môn học lựa chọn trong ba nhóm môn học là nhóm khoa học tự nhiên, nhóm công nghệ và nghệ thuật và nhóm khoa học xã hội (nhóm này gồm ba môn học: lịch sử, địa lý, kinh tế và pháp luật). Trong đó mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn học. Cũng theo Bộ GD&ĐT, chương trình môn lịch sử cấp THPT có tổng thời lượng 315 tiết (so với 140 tiết trong chương trình cũ) hệ thống hóa, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, ở cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục lịch sử cũng được đưa vào nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 10 đến lớp 12. Đồng thời, môn giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học, trong đó giáo dục cho học sinh về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam. PV |
Cúc Đường (thực hiện)