Nhà quay phim 'Bản tango cuối cùng ở Paris': 'Chẳng có ai cưỡng dâm ai cả'
(Thethaovanhoa.vn) - Trước những "ồn ào" hiện nay về cảnh cưỡng dâm giữa hai nhân vật do huyền thoại điện ảnh Marlon Brando và nữ diễn viên Pháp Maria Schneider thủ diễn trong phim Bản tango cuối cùng ở Paris (1972) của đạo diễn Bernardo Bertolucci, nhà quay phim Vittorio Storaro đã lên tiếng.
- Cưỡng hiếp trong 'Bản tango cuối cùng ở Paris': Nữ chính đã bị 'gài bẫy' thế nào?
- Sự thật về cảnh cưỡng hiếp trong 'Last Tango in Paris'
Hai năm sau đó, Storaro hợp tác với Bertolucci làm phim Bản tango cuối cùng ở Paris. Storaro không theo sát tranh cãi mới về cảnh cưỡng dâm trong phim mà một người bạn đã kể cho ông nghe về cuộc phỏng vấn đạo diễn Bertolucci cách đây 3 năm mới được đưa lên YouTube để rồi những lời nói của đạo diễn trong đó đã biến thành một bê bối "nực cười".
Nói chuyện với THR về cuộc tranh cãi mới, Storaro khẳng định không hề có chuyện như mọi người nghĩ tại trường quay phim và tuyên bố việc bất ngờ sử dụng bơ làm "đạo cụ" thay thế kem bôi trơn chẳng qua chỉ là một phần hết sức đơn giản trong quá trình làm phim đầy sáng tạo của Bertolucci.
Dưới đây là cuộc chuyện trò của Storaro với THR:
Nhà quay phim Vittorio Storaro (phải) và đạo diễn Bernardo Bertolucci
* Phản ứng của ông như thế nào trước những sự "sôi sục" của giới truyền thông và công chúng về cuộc phỏng vấn Bertolucci mới được đăng tải trên YouTube?
- Tôi có thể nói rằng một số nhà báo đã hợp sức lại để làm việc này. Tôi thực sự thấy phẫn nộ với những gì họ viết ra bởi nó không đúng sự thực một chút nào. Các nhà báo đã làm to chuyện một vấn đề mà nó thực sự không phải là vấn đề. Họ viết rằng Schneider đã bị đối xử thô bạo nhưng điều đó hoàn toàn không đúng. Thật kinh khủng. Chúng tôi làm phim chứ không quay cảnh thực. Tôi đã ở đó với hai máy quay và chẳng có gì xảy ra hết... Chẳng có ai cưỡng dâm ai cả. Chuyện này hoàn toàn do báo chí dựng lên.
Đừng làm to chuyện việc này vì nó hết sức nực cười. Vấn đề ở đây là ai đó đã cố tình giật tít để tạo scandal. Tôi vẫn còn nhớ cuộc phỏng vấn đó, có thể Bernardo cảm thấy có lỗi khi ông không nói rõ với Maria ngay từ đầu về những gì ông đã bàn với Brando, chứ chẳng có gì xảy ra trong quá trình quay phim.
* Có bình thường không khi các chi tiết trong câu chuyện được thay đổi trên trường quay vào phút cuối?
- Sáng nào chúng tôi cũng tới phòng của Bernardo và cùng với Brando bàn bạc cách diễn cảnh đó như thế nào. Có lẽ Bernardo không đề cập đến chi tiết cụ thể với Schneider, chứ thực ra cô ấy biết rõ những gì xảy ra trong cảnh quay đó. Schneider là một diễn viên nên chẳng có vấn đề gì với chuyện đó cả. Đây là một công việc diễn xuất, vậy thôi.
Marlon Brando và Maria Schneider trong cảnh cưỡng dâm phim “Bản tango cuối cùng ở Paris”
* Chuyện gì xảy ra trên trường quay vào ngày ông quay cảnh "bơ"?
- Tôi chỉ biết rằng Maria cũng có mặt ở đó giống như bất cứ cảnh quay bình thường nào khác và chúng tôi biết mình đang quay một cảnh yêu đương tình tự bất thường bởi mọi chuyện đều được mô tả kỹ trong kịch bản phim. Tuy nhiên, sáng nào Bernardo cũng thích bổ sung điều gì đó trước mỗi cảnh quay và điều này hoàn toàn bình thường.
* Ông có còn nhớ bầu không khí lúc đó ở trường quay?
- Đó là thời điểm cực kỳ tuyệt vời, ngay từ ngày đầu tiên. Brando là người rất thông minh nên ông hiểu rất rõ cách mà tôi và Bernardo thể hiện câu chuyện này. Bầu không khí thì thật tuyệt diệu. Brando cũng là người rất phóng khoáng và tốt bụng. Ê-kíp làm phim không nhiều người nhưng chúng tôi đã có một thời gian tuyệt vời khi làm phim cùng nhau.
Còn ngay từ đầu Schneider đã tỏ ra là người có tính trưởng giả đặc trưng của Pháp. Schneider luôn tỏ ra như là cô không quan tâm tới Brando, một ngôi sao điện ảnh Mỹ, và Bertolucci, một nhà làm phim Italy nổi tiếng. Nhưng khi đóng máy quay, Scheider đã khóc và nói rằng cô thấy thật tiếc khi trải nghiệm làm phim tuyệt vời đã nhanh chóng kết thúc. Đây là điều tôi nhớ rất rõ.
* Ông có ngạc nhiên với phản ứng của giới phê bình cũng như công chúng dành cho bộ phim thời điểm ra mắt?
- Thời điểm đó, phim bị tấn công rất mạnh, đặc biệt là ở Italy, phim bị cấm chiếu. Giới chức đã ra lệnh tiêu hủy phim. Thực tế mà nói thời điểm đó người ta còn làm nhiều bộ phim mang tính khiêu dâm và bạo lực hơn Bản tango cuối cùng ở Paris, nhưng phim đã động đến một số nguyên tắc liên quan đến một nhân vật bị coi là gây rối loạn cấu trúc gia đình, cấu trúc chính phủ và đất nước.
Không chỉ mang yếu tố khiêu dâm, phim còn mô tả thời kỳ khó khăn mà một con người phải trải qua. Nhân vật Paul của Brando là một người đàn ông trung niên Mỹ đặt cuộc sống riêng của mình vào thế giới xung quanh, bắt đầu từ người vợ đã phản bội anh, rồi đến những vấn đề đạo đức của thế giới... Những điều này được nêu ngay từ phần đầu trong kịch bản. Đó chính là lý do tại sao Brando thích đóng bộ phim này bởi anh muốn được đặt mình trong kiểu vai diễn đó.
Việt Lâm (theo Hollywood Reporter)
Thể thao & Văn hóa