Nhà phê bình văn học Văn Giá: 'Phê bình truyền thông đang thắng phê bình khoa học'
(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn Giáo trình viết phê bình văn học (NXB ĐHQG Hà Nội) của PGS-TS Ngô Văn Giá vừa phát hành và được đánh giá là một bổ khuyết cần thiết cho sinh viên khoa văn và những người viết văn còn trẻ, khi những sách dạng này hơi ít tại Việt Nam.
Để hiểu hơn về quan niệm cấu thành của sách này, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhà phê bình văn học, PGS-TS Ngô Văn Giá.
“Một giáo trình hay nhất là giáo trình như một công trình nghiên cứu độc lập, có tư tưởng khoa học, có phát kiến, do đó có đóng góp lớn cho ngành khoa học nào đó. Nhưng trường hợp này không nhiều, ở Việt Nam thì lại vô cùng hiếm. Còn lại đa số là một công trình có ý nghĩa tổng hợp, vừa có một phần tri thức của mình, vừa là của thiên hạ, tất cả được đưa vào thành một hệ thống khoa học nhất định (tuy nhiên, cái phần riêng của mỗi người lại nhiều ít khác nhau). Cuốn Giáo trình viết phê bình văn học của tôi đi theo cách thứ hai, như một kết quả khiêm tốn của một ông giáo chịu khó làm việc mà thành” - tác giả tự giới thiệu về cuốn sách của mình.
* Xin hỏi ngay, vậy đâu là những rào cản nào khiến anh không thể viết giáo trình này theo hướng thứ nhất?
- Không có một rào cản nảo cả. Chủ yếu là do sức mình có hạn, chưa vươn tới tầm đó thôi. Cái này thường là sản phẩm của những bộ óc lớn, kiểu như Ferdinand de Saussure, tác giả của Cours de linguistique générale (Giáo trình ngôn ngữ học đại cương), xuất bản vào năm 1916. Đây là cuốn giáo trình có đóng góp lớn vào lĩnh vực ngôn ngữ học thế giới thế kỷ 20.
* Vậy thì theo anh, Việt Nam đã có những giáo trình nào đi theo hướng thứ nhất chưa?
- Ở lĩnh vực khác tôi không biết, nhưng riêng lĩnh vực nghiên cứu của tôi (lý luận văn học và văn học Việt Nam hiện đại) thì chưa có cuốn giáo trình nào vươn tới tầm phát kiến lớn như vậy. Mặc dù trong các giáo trình đã xuất bản, nhiều cuốn đã có những đóng góp quan trọng trong hoạt động đào tạo những người làm công việc giảng dạy và nghiên cứu văn học.
* Nói một ngắn gọn nhất, cuốn sách của anh giải quyết hoặc đặt ra những vấn đề căn bản nào về kỹ thuật và quan niệm trong việc viết phê bình văn học?
- Tôi hy vọng truyền đạt cho sinh viên của tôi được một điều: Muốn viết phê bình văn học một cách có chất lượng thì phải có năng lực nghiên cứu khoa học, kết hợp với năng lực nghệ sĩ. Nếu không có phẩm chất khoa học thì chỉ viết ra những bài viết nhân danh phê bình, sa vào “diễn, bình, tán” (như cách nói của nhà nghiên cứu phê bình Hoàng Ngọc Hiến), tức lối viết nặng về cảm tính, phê câu điểm chữ, theo kiểu chuyện phiếm trong lúc trà dư tửu hậu mà thôi. Mà để có được phẩm chất khoa học thì phải học, tự học, rồi đọc nhiều lắm, rất vất vả, chứ không thể tài tử mà được.
* Nếu nhìn rộng ra thì vị trí của phê bình đang ở đâu trong nền văn học và nền đại học của Việt Nam?
- Quan sát đời sống phê bình văn học hiện nay thì mảng phê bình truyền thông (trên báo chí và các phương tiện truyền thông khác) đang thắng thế. Trong khi đó phê bình khoa học (của những người làm nghề chuyên nghiệp) có khá nhiều thành tựu, nhưng có khi ít được biết đến, hoặc đánh giá đúng mức. Bộ phận phê bình văn học này mới có ý nghĩa đại diện cho cả nền phê bình văn học, như là sự tự ý thức của một nền văn học. Nhưng bộ phận phê bình này không dễ đọc, nhiều người trong cộng đồng bạn đọc không thích đọc, có người đọc không hiểu, dễ chán, thế rồi quay sang chê bai, thậm chí phủ nhận…
* Tổ chức và cá nhân thường thích khen hơn là chê, mà phê bình thường bị hiểu lầm là chê. Đây có phải là một trong vài lý do khiến ít người muốn chọn phê bình làm công việc chuyên nghiệp?
- Phê bình là một dạng tiếp nhận văn học đặc biệt. Ở đó, người làm phê bình tiến hành đối thoại với tác giả, tác phẩm và cộng đồng bạn đọc dựa trên các giá trị thẩm mỹ và tư tưởng nghệ thuật. Nếu hiểu như thế, phê bình văn học không chỉ dừng lại ở sự khen chê, mà là hoạt động đối thoại; do đó, đòi hỏi phải có ý thức dân chủ và tư thế văn hóa của chủ thể phê bình.
Phê bình văn học ở nước ta vấp phải nhiều khó khăn: hoạt động phê bình trên truyền thống có nền tảng triết - mỹ thấp; người mình chưa có tinh thần dân chủ và ý thức đối thoại ở tầm cao; vẫn còn bị vướng vào định kiến, thị phi; thích được khẳng định/khen, chứ không thích chỉ ra hạn chế…
- Nhà văn Văn Giá: Không dễ 'thắp lửa' văn chương như xưa
- Nhà phê bình Văn Giá: Từ văn mình nhìn sang văn người
- Nhà văn Văn Giá: Một ngày nát vụn… về thời “nát băm”
Khi biết cuốn sách của tôi mới ra, có một nhà giáo, đồng thời là nhà khoa học có uy tín, nhắn tin cho tôi rằng khá cảm phục, anh làm được việc đáng nể. Tôi hơi nghi ngại, nghĩ bụng hay là anh này nói mỉa mình chăng. Nhưng khi được hỏi lại, anh ấy bảo: “Ông làm cái việc mà bây giờ giáo viên ở các trường đại học chả ai muốn làm nữa!”. Thì ra là vậy.
Chắc người ở ngoài ít biết, chứ quy trình để cho ra một cuốn giáo trình thường rất nhiêu khê, gồm các bước như đăng ký đề tài, lập đề cương bước 1, hội đồng duyệt, chỉnh sửa, phê duyệt thông qua đề cương, viết, hội đồng nghiệm thu, góp ý và chỉnh sửa, cuối cùng mới được xuất bản. Nếu nhà xuất bản có yêu cầu biên tập, chỉnh sửa gì thì cũng phải tuân thủ.
Đây là nhiệm vụ phải làm. Trong khi đó, thù lao cho viết giáo trình rất khiêm tốn. Nếu không có tự trọng nghề nghiệp, quả thực ít ai muốn viết giáo trình lắm. Tuy nhiên, tôi cũng rất mừng vì giáo trình này đã hoàn thành. Hy vọng nó giúp ích cho sinh viên viết văn, rồi có thể giúp phần nào cho những người viết trẻ muốn thử sức con đường phê bình văn học.
* Trân trọng cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này.
Văn Bảy (thực hiện)