Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: Giới trẻ giờ rất tự tin, đang tiệm cận với thế giới
"Trong 5 năm trở lại đây, thị trường nhạc Việt để lại nhiều dấu ấn đáng chú ý. Có thể kể đến là rap như một đồ thị hình sin với sự trỗi dậy, bùng nổ và rồi dần dịu trở lại; là sự thống trị của những bản ballad Việt theo mô-típ Hàn, âm nhạc điện tử - EDM; là sự xuất hiện của âm nhạc mà tôi tự tạm gọi là tối giản theo cách làm của người trẻ hiện nay".
Sự biến chuyển và vận động đầy thú vị đó được đánh giá và nhìn nhận từ nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long - chủ mục Nhạc Việt ngày nay cùng ê-kíp của mình trên báo Thể thao và Văn hóa số thứ Ba hằng tuần, kể từ 6/4/2021.
Trong năm 2022 vừa qua, chuyên mục Nhạc Việt ngày nay cũng tiếp tục đưa đến khán giả những nhận định đa chiều về thị trường âm nhạc đầy sôi động từ các sản phẩm âm nhạc được công chúng đón nhận.
Những "điểm cộng" và "điểm trừ" của nhạc Việt
* Vì sao anh nhận lời cho chuyên mục "Nhạc Việt ngày nay" của "Thể thao và Văn hóa"? Mong muốn của anh khi thực hiện chuyên mục này?
- Tôi bất ngờ! Nhưng đây là thử thách thú vị. Lúc đầu, tôi do dự vì bận rộn. Mặt khác, những sản phẩm của chuyên mục này sẽ không phải là những bài báo thông thường.
Hiện nay, âm nhạc của giới trẻ phát triển rất khác, rất đa dạng, là nhạc của thời đại ghi dấu ấn bởi điện tử, nghệ thuật âm thanh, của thời đại công nghệ số... Nên muốn đảm bảo chất lượng cho chuyên mục, đồng nghĩa bản thân tôi phải tìm hiểu, từ nhiều nguồn thông tin, phải xây cho mình team chuyên môn gồm những nhạc sĩ, rapper, chuyên gia studio và cả người thạo về vận hành nền tảng số...
Team tham gia cùng tôi cũng đều là những người trẻ tuổi và sẵn sàng đồng hành, trao đổi, tư vấn và cả phản biện. Qua đây cũng xin được cảm ơn team tư vấn. Tôi coi đây như một lần học hỏi, tiếp nạp kiến thức mới.
Khi thực hiện chuyên mục này, tôi muốn biết sâu hơn về âm nhạc của giới trẻ và đồng thời cũng muốn góp thêm một tiếng nói, để các bạn trẻ thấy những người đi trước nhìn nhận mình bình đẳng như những người đồng nghiệp và nói về chuyên môn một cách khách quan.
* Trong các bài đánh giá của anh, tôi thấy không bài nào giống bài nào từ các góc nhìn. Vậy đâu là tiêu chí đánh giá chung để đưa ra thang điểm cho mỗi sản phẩm?
- Bởi vì tôi tiếp cận và cảm nhận mỗi tác phẩm bằng một cách khác nhau. Như bạn thấy đấy, các bài trong chuyên mục phải đạt được chất lượng nghệ thuật tối thiểu trở lên, có tác phẩm tốt, có khá và có trung bình. Và tôi được phép chủ động đánh giá theo quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, dù thế nào thì một ca khúc bao giờ cũng phải chú ý đến giai điệu, lời ca, dòng nhạc, chất liệu âm nhạc, từ đó nhìn nhận nó như thế nào, có cái gì mới không, khai thác cái cũ theo cách nào...
Thang điểm có thể chỉ là chủ quan của một cá nhân, nhưng theo tiêu chí thì phải đủ. Và dù tiêu chí nào thì cũng dựa trên quan điểm khách quan, hướng tới sự khích lệ giới trẻ phát triển, thêm hăng say sáng tạo và cống hiến. Có những chi tiết tốt, mình nhắc đến. Có những chi tiết mình thấy chưa ổn, cần khắc phục mình chỉ ra một cách khéo léo, chứ không theo kiểu "hắt nước đổ đi".
* Trong những điểm cộng, sản phẩm nào anh thấy "đắt giá" nhất và ở yếu tố nào? Cũng với điểm trừ, có nỗi buồn nào đến với anh không?
- Cho tôi không nhắc tới sản phẩm "đắt giá" nhất nhưng điểm cộng chung thì nhiều đấy. Giới trẻ giờ rất tự tin và đang tiệm cận với khu vực và thế giới. Thậm chí có những tác phẩm trở thành trend, thành phổ biến trong giới trẻ nước khác, vui quá ấy chứ.
Như trường hợp bài hát Dễ đến dễ đi của Quang Hùng MasterD mà chuyên mục đã nhắc tới năm 2021 đình đám ở Thái Lan, phổ biến ở Trung Quốc. Hứa Kim Tuyền, Hoàng Thùy Linh, rapper Đen... cũng góp nên những nốt nhạc vui.
Nói ra có thể nhiều người sẽ giật mình, nhưng tôi rất ấn tượng với Nal trong sản phẩm Rồi tới luôn. Đa phần mọi người sẽ nghĩ ngay đây là sản phẩm kiểu nhạc đám cưới miền Tây tầm phào. Nhưng với tôi, nó mở ra một xu hướng cho một nhánh ca khúc phù hợp với không khí vui tươi dân dã. Cái hay là nó vừa khai thác chất liệu âm nhạc nước ngoài và nhạc điện tử kết hợp với chất của miền Tây và đặc biệt còn chứa đựng màu sắc dân gian Khmer. Những điều này tôi đã đề cập tới trong chuyên mục.
MV "Rồi tới luôn"
Điểm trừ cũng có. Chúng ta đang quá nệ vào mô-típ Hàn Quốc thành ra bị một màu. Có một manh nha màu sắc Trung Quốc đang len lỏi trở lại trong các sáng tác của nhạc sĩ trẻ.
Có những bài khá nổi nhưng đoạn điệp khúc giai điệu giống đến 98% một ca khúc rất nổi tiếng của thế hệ trước. Có không ít bài ca từ quá dễ dãi thậm chí lảm nhảm. Đôi khi xuất hiện cách thể hiện ngôn ngữ hình ảnh trong MV hết sức phản cảm.
Ngày Xuân hạn chế nói chuyện không vui nhưng rõ ràng người sáng tạo âm nhạc trẻ hiện nay rất cần biết đến và cảnh giác với những điều này để nhạc Việt đại chúng của chúng ta thực sự có chất lượng, góp phần làm cho cuộc sống đẹp hơn và ngẩng cao đầu khi giao lưu với khu vực và thế giới.
"Xu hướng âm nhạc "mộc" theo đúng nghĩa cả về âm thanh, âm nhạc và giọng hát có thể sẽ trở thành nhu cầu mạnh mẽ hơn trong năm 2023…" - nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long.
Hình thành diện mạo âm nhạc đại chúng
* Xưa và nay trong mọi lĩnh vực đều thể hiện sự khác biệt về quan điểm. Tuy là tất yếu trong dòng chảy thời gian nhưng cả hai vẫn có sự kết nối mang tính nền tảng theo kiểu có xưa thì mới có nay. Âm nhạc cũng vậy. Và tôi muốn hỏi, từ góc nhìn của mình trong chuyên mục này, anh thấy tính kết nối diễn ra như thế nào trong năm qua? Có hay không, nhiều hay ít và giá trị của việc tiếp nối này đem lại hiệu quả như thế nào cho những sản phẩm âm nhạc của hiện tại?
- Chúng ta thấy một rapper đình đám như Đen Vâu ra sản phẩm chung với bậc tiền bối Trần Tiến và thậm chí chung với nhà soạn nhạc, chỉ huy dàn nhạc và dàn nhạc giao hưởng uy tín bậc nhất đất nước.
Chúng ta thấy những gương mặt trẻ nổi như cồn với những sản phẩm cho giới trẻ nhưng cũng ra những sản phẩm thể hiện trách nhiệm với xã hội, với thế hệ đi trước như Hứa Kim Tuyền kết hợp với danh ca Cẩm Vân trong sản phẩm Một ngày tôi quên hết chia sẻ với những người mắc căn bệnh của tuổi già - Alzheimer; hay Hoàng Dũng kết hợp với NSND Bạch Tuyết - "Cải lương chi bảo" - ra mắt sản phẩm Về nghe mẹ ru... Nhiều sản phẩm khai thác chất liệu dân gian tạo thành một xu hướng trong giới trẻ...
Đó là sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa những giá trị âm nhạc thế giới với Việt Nam. Chính những sản phẩm này góp phần tạo nên diện mạo âm nhạc đại chúng của chúng ta, có sự khám phá, có sự giao thoa và có những nét riêng.
* Cũng trong chuyên mục này, anh quan tâm thế nào trước dư luận đối với những sản phẩm mà mình chấm điểm?
- Tôi khá bất ngờ khi chuyên mục đã vận hành được gần 2 năm, không ai nói với tôi điều gì và tôi cũng coi nó là một trong những công việc gắn liền với âm nhạc đi theo tôi hơn hai chục năm qua.
Một ngày gần đây tôi nhận được cuộc điện thoại từ đạo diễn Cao Trung Hiếu (TP.HCM) bảo vẫn đọc thường xuyên bài viết trong chuyên mục. Một dịp khác, thượng tá Nguyễn Tiến Long - bạn tôi, cũng nói anh đặt mua báo và tuần nào cũng đọc bài của tôi cùng các bài về thể thao. Khắc Anh (tác giả của tác giả nhiều ca khúc được giới trẻ đón nhận như Có anh ở đây rồi, Rung động, Vô tư...) cũng nói rằng mong muốn được tôi viết về tác phẩm của mình nhưng chưa bao giờ dám nói ra. Ca sĩ Tùng Dương thì cứ gặp lần nào cũng nói đây là người viết review sản phẩm âm nhạc còn sót lại và có tâm nhất hiện nay...
Tất nhiên chỉ là câu nói vui nhưng tôi vui khi đón nhận những điều này.
* Người ta hay đem âm nhạc ví như một bức tranh. Còn tôi muốn hỏi anh, nếu "Nhạc Việt ngày nay" là một ca khúc của năm 2022 - sẽ có những âm hưởng gì vang lên ở đây ? Những nốt nhạc nào sẽ xuất hiện trong ca khúc này? Đâu là thang âm trầm và đâu là thang âm bổng cho hành trình của một năm nhạc Việt ở chuyên mục này ?
- Khó đấy, nhưng nếu bắt buộc thì bức tranh chung của ca khúc nằm trong khuôn khổ nhạc Việt đại chúng năm nay vẫn phải là một bản ballad kiểu Hàn Quốc, có khởi đầu từ tiếng đàn piano, tiếng đàn dây rồi trong cách hòa âm sẽ có đoạn điệp khúc bùng nổ. Nó là sự pha trộn với cả những âm nhạc điện tử, âm thanh đã có can thiệp và xử lý giọng hát trước khi phát hành...
* Anh có dự báo nào cho nhạc Việt trong năm 2023?
- Những thứ được coi là âm nhạc thời thượng năm nay đã xuất hiện từ những năm trước, đang quen thuộc và dần trở thành một con đường mòn với những mô-típ lặp lại.
Xu hướng âm nhạc "mộc" theo đúng nghĩa cả về âm thanh, âm nhạc và giọng hát có thể sẽ trở thành nhu cầu mạnh mẽ hơn nhưng nó không thay thế mà tồn tại song song cùng nhạc của giới trẻ hiện nay.
Chính vì vậy, thời gian tới đây nhạc Việt đại chúng rất cần và sẽ xuất hiện một xu hướng mới đủ mạnh để đứng ở vị trí thống trị. Tuy nhiên, có thể nó chưa diễn ra trong năm 2023 và năm nay chỉ là bước đệm cho sự bùng nổ đó.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
"Nhạc Việt ngày nay" - chuyên mục "chấm điểm" âm nhạc
Kể từ 6/4/2021, báo Thể thao và Văn hóa ra mắt chuyên mục Nhạc Việt ngày nay trên số báo thứ Ba hằng tuần. Đây là chuyên mục hằng tuần do cây bút phê bình am tường về âm nhạc đảm nhận, nhằm đánh giá dưới góc độ chuyên môn sâu các tác phẩm, chương trình nhạc Việt đang được dư luận quan tâm. Chúng tôi để một thang điểm trên 10 ở cuối trang báo, để các cây viết có thể mạnh dạn "chấm điểm" các tác phẩm mà mình vừa mổ xẻ. Đó cũng là một cách để "lượng hoá" các đánh giá trong toàn bài phê bình như cách mà báo chí phương Tây vẫn làm khi phê bình âm nhạc.