Nhà khoa học Mỹ cảnh báo phát sinh biến thể Covid-19 mới khi virus lây lan trong động vật
(Thethaovanhoa.vn) - Hồi tháng 4/2020, khi hổ và sư tử tại Vườn thú Bronx ở Mỹ bị phát hiện mắc COVID-19, thông tin này đã trở thành tâm điểm truyền thông. Vài tháng sau đó, các nhà nghiên cứu và bác sĩ thú y đã phát hiện virus SARS-CoV-2 lây nhiễm ở khoảng 10 loài động vật khác, cả ở môi trường nuôi nhốt và thế giới hoang dã.
Vậy, các loài động vật đã nhiễm virus SARS-CoV-2 như thế nào? Và chúng có thể gây nguy cơ gì đối với sức khỏe con người?
Theo các nhà nghiên cứu về dịch bệnh ở động vật, danh sách các loài động vật mắc COVID-19 cho đến nay bao gồm hơn 10 loài.
Tuy nhiên, con số này trên thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều, do mới chỉ có rất ít loài động vật đã được xét nghiệm. Các nhà khoa học cho rằng việc tiến hành nghiên cứu ở động vật có ý nghĩa quan trọng đối với con người, bởi động vật không chỉ có thể làm lây lan các mầm bệnh như virus corona, mà chúng còn có thể là nguồn phát sinh những biến thể mới.
Tính đến tháng 2/2022, các nhà nghiên cứu đã xác định 31 loài động vật mẫn cảm với virus SARS-CoV-2. Ngoài các vật nuôi trong gia đình và động vật ở sở thú, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số động vật linh trưởng (không tính con người), chồn, chuột chân trắng ở Bắc Mỹ và Trung Mỹ, linh cẩu, chuột rừng Bắc Mỹ, chồn lông sọc, cáo đỏ, hươu đuôi trắng... là những loài dễ nhiễm SARS-CoV-2.
Hầu hết các loài động vật nhiễm virus không biểu hiện các triệu chứng lâm sàng như con người. Tuy nhiên, những động vật không có biểu hiện bệnh cũng vẫn có thể truyền virus cho nhau và có khả năng lây nhiễm cho con người.
- Cơ thể có miễn dịch trước dòng phụ BA.2 sau khi nhiễm dòng chính của biến thể Omicron
- SARS-CoV-2 có thể tạo biến thể nhanh hơn nhiều so với các virus khác
Các nhà khoa học đã biết được rằng chồn hương dễ bị nhiễm bệnh kể từ khi Hội chứng hô hấp cấp SARS bùng phát vào năm 2002. Do đó, họ đã tiến hành xét nghiệm những động vật cùng họ chồn, hoặc gần gũi với loài này, sau khi có báo cáo về các trường hợp mắc bệnh tại các trang trại nuôi chồn hương.
Có 3 cách để nghiên cứu các bệnh lây truyền từ động vật: xét nghiệm vật nuôi hoặc các động vật trong vườn thú; xét nghiệm động vật hoang dã để truy vết virus; hoặc cho động vật phơi nhiễm virus trong phòng thí nghiệm.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, khi một số chủ vật nuôi hoặc người chăm sóc vườn thú quan sát thấy động vật có vấn đề về hô hấp hoặc ho, họ đã đưa chúng đi xét nghiệm. Quy trình lấy mẫu và xét nghiệm PCR ở động vật cũng được thực hiện tương tự như với con người, mặc dù thao tác lấy dịch mũi của sư tử - hoặc thậm chí mèo nuôi - đòi hỏi sự khéo léo và thành thục về chuyên môn hơn.
Dựa trên các nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học có thể đưa ra một số phỏng đoán về các loài động vật nhạy cảm với virus SARS-CoV-2 và đã thử nghiệm những giả thuyết này. Mèo, chuột đồng và chồn hương đều bị nhiễm bệnh trong đợt bùng phát dịch SARS đầu tiên vào năm 2002, và các nghiên cứu thực hiện trong phòng thí nghiệm cũng khẳng định rằng chúng dễ lây nhiễm SARS-CoV-2.
Qua các mô hình trên máy tính, các nhà khoa học cũng dự đoán được rằng virus có thể dễ dàng lây nhiễm sang một số loài hươu bằng cách sử dụng các protein quan trọng trên tế bào của chúng. Dựa trên những dự đoán này, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm ở hươu đuôi trắng để tìm virus SARS-CoV-2 và họ đã lần đầu tiên báo cáo kết quả dương tính vào tháng 8/2021.
Gần đây nhất, vào ngày 7/2 vừa qua, các nhà nghiên cứu đã công bố một báo cáo cho thấy những con hươu trên đảo Staten, New York (Mỹ) nhiễm biến thể Omicron. Do đây là biến thể lây nhiễm cho hầu hết người dân New York, điều này cung cấp bằng chứng chắc chắn rằng con người bằng cách nào đó đã truyền virus cho hươu.
Theo các nhà khoa học, khi virus corona lây từ loài này sang loài khác, khả năng xuất hiện một biến thể mới sẽ tăng lên.
Đối với hầu hết các trường hợp, nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 từ động vật sang người thấp hơn nhiều so với việc tiếp xúc giữa người với người. Nhưng nếu virus tồn tại và lây lan giữa các loài động vật và truyền ngược lại cho con người, thì quá trình này - được gọi là lan truyền và phản xạ - gây ra các mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng.
Đầu tiên, sự lây nhiễm ở động vật chỉ đơn giản là làm tăng nồng độ SARS-CoV-2 trong môi trường. Thứ hai, các quần thể động vật lớn duy trì sự lây nhiễm có thể hoạt động như một ổ chứa virus, duy trì virus ngay cả khi số ca mắc bệnh ở người giảm. Điều này đặc biệt liên quan đến những con hươu sống theo những bầy lớn ở các khu vực ngoại ô nước Mỹ và có nguy cơ truyền virus trở lại người.
Cuối cùng, khi SARS-CoV-2 lây lan từ người sang động vật, nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng virus tích lũy rất nhanh các đột biến. Virus đột biến để thích nghi với các điểm đặc trưng - nhiệt độ cơ thể, chế độ ăn uống và thành phần miễn dịch - của bất kỳ loài động vật nào chúng đang ký sinh.
Càng nhiều loài bị nhiễm, đột biến xảy ra càng nhiều. Có thể các biến thể mới xuất hiện ở người lây nhiễm sang các loài động vật mới. Hoặc cũng có thể các biến thể mới ban đầu phát sinh từ động vật và lây nhiễm sang người.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ, cứ 10 bệnh truyền nhiễm ở người thì 6 bệnh là lây nhiễm từ động vật và khoảng 3/4 các bệnh truyền nhiễm mới hoặc đang phát sinh ở người là có nguồn gốc từ động vật.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đầu tư nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm từ động vật có thể giúp giảm đáng kể chi phí ứng phó các đại dịch trong tương lai. Loại hình nghiên cứu phức tạp này trước đây được cấp kinh phí rất ít. Vào năm 2021, CDC Mỹ đã phân bổ 193 triệu USD cho việc nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm từ động vật - chưa đến 1/4 trong tổng ngân sách của cơ quan này.
Theo các nhà khoa học, vẫn còn ẩn số về cách thức virus lây truyền giữa người và động vật, cách chúng ký sinh và đột biến trong quần thể động vật, và những nguy cơ khi virus lan truyền từ loài này sang loài khác. Nếu giới nghiên cứu giải đáp được càng nhiều ẩn số thì các chính phủ càng thuận lợi hơn trong việc chuẩn bị và ngăn chặn đại dịch tiếp theo.
Thanh Phương/TTXVN