Nhà hát Lớn Hà Nội: Không thể mở cửa là...xong
(Thethaovanhoa.vn) - Tour tham quan Nhà hát Lớn đang được nghiên cứu để có thể đi vào hoạt động từ tháng 6 tới. Nhìn vào quá trình chuẩn bị, ý tưởng khai thác "điểm đến văn hóa" này còn thiếu những gì để trở nên hoàn hảo?
- Tranh cãi xung quanh việc sơn lại Nhà hát Lớn Hà Nội
- Sơn lại Nhà hát Lớn Hà Nội: Đây chưa phải màu sơn cuối cùng!
1. Nếu đến Paris, bạn được khuyên không nên bỏ qua tour khám phá Palais Garnier, còn được gọi là Paris Opera, nhà hát opera 2.200 chỗ ngồi được xây dựng từ giữa thế kỷ 18. Nếu bạn tới Milan mà không dành một buổi tới La Scala, nhà hát Opera cổ xưa nhất và tốt nhất châu Âu thì xem như chuyến đi chưa hoàn hảo. Hay ghé Budapest, trung tâm quyền lực chính trị và văn hóa của “đế chế Áo-Hung”, nay là thủ đô Hungary, nhất định bạn phải tới Budapest Opera House, một trong 3 thánh đường âm nhạc thính phòng tốt nhất châu Âu…
Trong một tương lai gần, liệu Nhà hát Lớn Hà Nội có làm được điều tương tự, nếu tour tham quan Nhà hát được vận hành từ tháng 6 tới đây?
Câu hỏi ấy đã làm quá khó cho Nhà hát Lớn trong một tương quan so sánh về tầm vóc công trình, đỉnh cao kiến trúc, bề dày lịch sử, giá trị văn hóa… với ba nhà hát Opera hàng đầu châu Âu, cũng là ba nhà hát nổi tiếng với những tour tham quan đắt giá theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Giá tham quan La Scala là 7 Euro, ở Palais Garnier cũng từ 7 euro, còn ở Budapest Opera House là 2,900 HUB (tiền Hung)- chưa tính vé xem mini show. Trong khi đó, mức giá tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội dự kiến là 120 ngàn đồng, tương đương 5 euro, chỉ rẻ hơn chút ít.
Nhưng băn khoăn lớn nhất không hoàn toàn nằm ở chuyện giá vé, mà ở chuyện khách tham quan sẽ được xem gì và có xứng đáng với khoản tiền họ bỏ ra hay không?
Phải nói ngay, cả ba nhà hát opera nói trên không chỉ là những nhà hát, mà còn là những bảo tàng opera đặc sắc. Palais Garnier và La Scala thậm chí còn kết hợp trong nó không gian nhà hát và bảo tàng nghệ thuật với các bộ sưu tập thay đổi theo chủ đề như những bảo tàng nghệ thuật chuyên nghiệp.
Tất nhiên đi cùng với không gian bảo tàng này là các Gift Shop bán đồ lưu niệm, là quán cà phê, là nhà hàng nằm ngay trong khuôn viên nhà hát- tất cả chúng đều mang thương hiệu của nhà hát. Và kết thúc các tour tham quan, sẽ là những mini show, mini concert được bán vé riêng theo nhu cầu. Nó làm hoàn chỉnh một bảo-tàng-nhà-hát-sống. Và đó là những show, những concert được rút gọn từ chính chương trình biểu diễn của các nhà hát opera này.
Cái khó của Nhà hát Lớn Hà Nội nằm ở đây. “Lịch sử để lại” khiến một thính phòng được sử dụng cho đủ mọi chức năng, từ biểu diễn giao hưởng tới pop rock rồi cả bolero, từ diễn tuồng, chèo, cải lương, kịch nói đến cả hội nghị hội thảo sự kiện…Bởi vậy, cũng dễ hiểu khi mini show ở Nhà hát Lớn là một nồi "lẩu thập cẩm" tuồng, muá, sáo trúc, diễn xướng chầu văn lẫn đàn T’ưng Tây Nguyên…Những show loại này đã thất bại từ nhiều năm trước cả trong Nam lẫn ngoài Bắc dù trước đó nó cũng được vẽ nên đầy hứng khởi “thu hút du khách quốc tế bằng văn hóa truyền thống”. Và rồi nếu có một Gilf Shop, nó sẽ bán gì đây ngoài những món thủ công mỹ nghệ cấp thấp đi kèm vòng, đá phong thủy có xuất xứ từ Trung Quốc?
2. Thực tế, công tác trưng bày thuyết ở các điểm di tích lịch sử của ta cực kỳ kém, sơ sài, lạc hậu. Mới đây tôi có dịp đưa khách phương xa tới thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hàng chục năm mới trở lại, vẫn thấy thông tin chủ yếu trông vào mấy tấm bảng in chữ, trong khi ở nhiều quốc gia trên thế giới người ta đã dùng các phương tiện nghe nhìn như tivi, phòng chiếu, màn hình một chạm để chuyển tải phong phú hơn, tiện ích hơn và cũng hấp dẫn hơn (nhất là đối với giới trẻ, đối tượng cần thu hút nhất ở những nơi này) các thông tin về di tích.
Ở đây cũng nói thêm một chút về các nhà hát opera phương Đông (khác với các nhà hát opera phương Tây kể trên), như nhà hát kịch Noh, Kabuki ở Nhật Bản. Các nhà hát này đều mở cửa miễn phí cho khách tham quan phần tiền sảnh và bảo tàng- (nhấn mạnh lần nữa là nhà hát nào họ cũng có bảo tàng về nhà hát và về loại hình nghệ thuật biểu diễn của nhà hát, dù có thể rất nhỏ). Tuy nhiên họ lại không mở cửa cho tham quan nhà hát chính. Du khách phải đợi lịch diễn để mua vé vào nhà hát. Song, với những vở kịch Noh dài mấy tiếng đồng hồ với mức vé cũng khá đắt, khách du lịch có thể mua loại vé đứng vào thưởng thức cho biết, rẻ hơn nhiều. Cái quan trọng với người Nhật có lẽ không phải là thu tiền của du khách mà là truyền bá văn hóa truyền thống Nhật Bản (người giàu có khác!).
Để chuyến tham quan thật sự trở nên thú vị và hiệu quả thì rõ ràng, câu chuyện không đơn giản chỉ là… mở cửa Nhà hát !
Cần sớm "nâng cấp" phần thuyết minh Tại cuộc tọa đàm góp ý về tour tham quan Nhà hát Lớn tuần trước, nhiều chuyên gia đã đề nghị phía tổ chức cần đầu tư thêm cho phần thuyết minh, trưng bày. Cụ thể, một số chi tiết, hạng mục nổi bật cần được làm hình ảnh 3D với phụ đề bằng nhiều thứ tiếng để phục vụ khách quốc tế, đồng thời phòng trưng bày (dự kiến đặt tại tầng 3) cũng cần sớm triển khai. Ngoài ra, để tạo thương hiệu, nhiều ý kiến cũng đề nghị miễn phí tour tham quan Nhà hát (không xem biểu diễn) trong thời gian đầu. |
Thủy Phạm
Thể thao & Văn hóa