Nhà điêu khắc Lê Công Thành: 'Mơ ước tác phẩm được phóng to, đặt trong không gian rộng lớn'
(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm 3 . 3 . 3- phóng to 3 tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Công Thành thành 9 “thực thể” khác nhau đang được trưng bày tại Heritage Space (tầng 1 Dolphin Plaza, số 6 - Nguyễn Hoàng, Hà Nội, mở cửa đến 19/8) . Triển lãm “đánh dấu” là triển lãm điêu khắc “cá nhân đầu tiên” của ông trong suốt sự nghiệp sáng tác dài hơn nửa thế kỷ…
1. Theo nhà tổ chức, “mỗi phác thảo là một đại diện có tính khái quát về hình tượng điêu khắc mà Lê Công Thành theo đuổi: cơ thể phụ nữ, vật thể tô-tem, cột vô tận, với đầy đủ tinh thần kỳ bí, khao khát và bề thế trong đặc tính nghệ thuật của ông”.
Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe, nhà điêu khắc Lê Công Thành đã không có mặt tại lễ khai mạc triển lãm cá nhân “đầu tiên” của mình.
Đến thăm ông tại tư gia -tại khu tập thể Vĩnh Hồ, Hà Nội - chúng tôi được lão nghệ sĩ 88 tuổi tiết lộ: “Cả đời tôi luôn mơ ước tác phẩm được phóng to, đặt trong không gian rộng lớn. Dù không đến được triển lãm của mình, nhưng tôi rất vui vì tác phẩm của mình được các bạn trẻ yêu nghệ thuật biết đến và phóng to thể hiện đúng như mong muốn của tôi”.
Nhà điêu khắc Lê Công Thành bộc bạch, điêu khắc kim loại tấm mỏng là một bước chuyển lớn trong tư duy và ngôn ngữ tạo hình của ông giai đoạn gần đây. Ông âm thầm thể nghiệm và nung nấu những cơ hội được biểu đạt chúng trong những không gian lớn. Số tác phẩm này có đến cả 100 tác phẩm, ông rất muốn được mang ra triển lãm hết, bởi nó là phần thú vị nhất, đương thời nhất của người nghệ sĩ đang say mê sáng tạo nhưng ít được biết đến nhất gần đây.
“Tất cả chỉ là những phác thảo nhỏ và vừa được sáng tác trong một không gian khiêm tốn. Nhưng người xem sẽ phải ngạc nhiên khi các tác phẩm này được phóng lớn và đặt trong những không gian kiến trúc phù hợp”- họa sĩ Kim Thái, vợ Lê Công Thành chia sẻ thêm về sáng tác của chồng.
2. Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc nghệ thuật của Heritage Space nhận định, việc phóng to các tác phẩm với kích thước lớn được trưng bày trong triển lãm lần này được giám sát kỹ thuật chặt chẽ bởi nhà điêu khắc Nguyễn Lập Phương tại xưởng cơ khí ở Gia Lâm, Hà Nội.
9 tác được biến thiên từ 3 mẫu phác thảo, sắp đặt trong không gian triển lãm theo cung tròn với trung tâm là tác phẩm cao nhất (4,5m), cao độ lần lượt được giảm xuống 3,6m, 2,7m và 1,8m, nhằm biểu đạt khao khát sự toàn vẹn của người nghệ sĩ cả đời tôn sùng tìm kiếm…sự hoàn hảo.
3. Lê Công Thành (sinh năm 1931 tại Hải Châu, Đà Nẵng) nhưng trải qua phần lớn tuổi thơ tại nhà ngoại ở Quảng Ngãi và thường hay lui tới Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Sau này, điêu khắc Chăm đã có ảnh hưởng sâu sắc tới sáng tác của Lê Công Thành như chính ông thừa nhận: “Tôi trở thành một nhà điêu khắc tất cả vì được bao quanh bởi điêu khắc Chăm”.
Lê Công Thành từng được cử đi học mỹ thuật cùng khóa với Tô Ngọc Vân (1955-1957) và trở thành sinh viên duy nhất trong lớp Điêu khắc Khóa I- Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1962). Sau đó, ông có hơn 10 năm giảng dạy tại trường Mỹ thuật Công nghiệp rồi nghỉ hưu chuyển về sáng tác tự do trong căn nhà nhỏ của ở khu tập thể Vĩnh Hồ, Hà Nội.
Tại đây, Lê Công Thành tập trung chủ yếu vào mô tả vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ và cho ra đời hàng ngàn tác phẩm có kích thước nhỏ và vừa với ngôn ngữ sáng tác khái quát triệt để và có tính ước lệ cao. Điển hình là phác thảo tượng Mẹ Âu Cơ (hay Người đàn bà và bọc trứng) được phóng lớn dựng tại Công viên biển Đông (đường Phạm Văn Đồng, Đà Nẵng).
Lê Công Thành cũng đầu thử nghiệm với điêu khắc tấm mỏng và cho ra hàng trăm phác thảo sử dụng kim loại nhẹ, bìa carton và dây căng, sau này ông sử dụng thêm một số lá kim loại mỏng có thể cắt tay như đồng, nhôm như đã nói ở trên.
Là nghệ sĩ luôn nắm giữ một tinh thần nghệ thuật có tính cộng đồng, sáng tác của Lê Công Thành đều có khả năng thu nhỏ hay phóng lớn để tạo ra một ngôn ngữ sáng tác vô cùng độc đáo, vừa có tính cá thể, lại vừa mang tính quốc tế cao.
Hoài Thương