Nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương: Viết về những khát vọng tốt đẹp
(Thethaovanhoa.vn) - Rời ghế Cục trưởng Cục NTBD để làm Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật VN từ cuối năm 2017, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương “lao” vào viết kịch bản sân khấu và cho ra đời tác phẩm Còn mãi với thời gian sau 12 ngày đêm. Tác phẩm vừa được đạo diễn trẻ Kiều Minh Hiếu - Nhà hát kịch Việt Nam khởi dựng, sẽ ra mắt khán giả dịp 30/4 tới.
Còn mãi với thời gian là một tác phẩm chỉ có những nhân vật tử tế, chỉ có người tốt” - nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương chia sẻ với Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN).
Một đề tài thách thức tất cả những người cầm bút
* Lý do gì thôi thúc ông viết một vở kịch chỉ có những người tốt như vậy?
- Đã từ lâu, khi quan sát xã hội để lý giải về cuộc sống đương đại, tôi thấy con người bây giờ cứ quay cuồng trong vòng xoáy của cơ chế thị trường để rồi dần đánh mất đi những bản chất đẹp đẽ vốn có trong mỗi người.
Trong cuộc sống hiện đại, con người, dẫu già hay trẻ, làm việc gì hầu hết người ta đều đặt lợi ích lên trên hết và quên đi các giá trị nhân văn vốn là gốc rễ, là nền tảng của cuộc đời. Vì lợi ích người ta sẵn sàng “giết” nhau không thương xót, đánh mất đi tình nghĩa vợ chồng, cha con, anh em, họ hàng, đồng nghiệp, trên dưới trước sau…Thực tế là vậy, nên rất nhiều người và các phương tiện thông tin đại chúng đều giật mình, xót xa mà thốt lên rằng: Chưa bao giờ đạo đức xã hội lại xuống cấp đến thế!
Hơn nữa, nhiều năm qua nghệ thuật sân khấu không lý giải được mâu thuẫn xung đột của cuộc sống đương đại, rất ít tác phẩm đề cập tới những điều tốt đẹp, biến những điều tốt đẹp thành ánh sao lấp lánh trong tâm hồn mỗi con người để xua đi những gì tăm tối… Chính vì vậy mà tôi đã suy nghĩ rất nhanh và viết ra tác phẩm Còn mãi với thời gian trong 12 ngày đêm với khát vọng về cuộc sống, về một xã hội trong tương lai chỉ có những điều tốt đẹp; mong muốn cho con người hết u mê để thoát ra khỏi cơn lốc của dục vọng thấp hèn.
* Xưa nay, một tác phẩm sân khấu thường có tốt - xấu, thiện - ác đan xen. Một vở kịch chỉ xuất hiện toàn người tốt thì làm gì có mâu thuẫn xung đột, thưa ông?
- Vâng, đây là một dạng kịch bản rất khó! Là thách thức với tất cả những người cầm bút trong cấu trúc cốt truyện kịch, xây dựng tình huống, mâu thuẫn xung đột và hình tượng nhân vật. Mâu thuẫn trong tác phẩm là mâu thuẫn của những người tốt với nhau. Sự xung đột đấu tranh của những người tốt dựa trên nền tảng của đức hy sinh, lòng nhân ái vị tha, sự bao dung tới mức thánh thiện nhưng lại rất chân thực. Bao trùm lên tất cả để tạo nên những hình tượng nhân vật chính là các giá trị nhân văn, cho dù tất cả người tốt trong kịch đều rơi vào những hoàn cảnh hết sức éo le, trớ trêu và bi kịch, nhưng người ta vẫn chấp nhận nó, chấp nhận trong một niềm tin và khát vọng mãnh liệt vươn tới những điều tốt đẹp, để làm những điều tốt đẹp trong cuộc sống… Đó mới chính là những gì còn mãi với thời gian, chứ không phải là quyền lực, danh vọng, tiền bạc, sự ganh đua…như rất nhiều người đang tưởng.
Quên để không lặp lại chính mình
* Cơ duyên nào mà kịch bản của ông lại đến tay NSƯT Kiều Minh Hiếu?
- Khi hoàn thành kịch bản, tôi gửi ngay cho NSND Anh Tú. Ba ngày sau Anh Tú gọi điện cho tôi nói rằng: “Kịch bản hay! Anh sẽ giữ để làm, đừng đưa cho ai nhé!”, nhưng Anh Tú chưa kịp làm thì đã ra đi…
Rồi một ngày gần đây, NSƯT Xuân Bắc, Phó giám đốc Nhà hát Kịch VN gọi điện nói với tôi rằng: “Anh cho Nhà hát em dựng vở Còn mãi với thời gian của anh nhé” và cử NSƯT Kiều Minh Hiếu sang làm việc với tôi trên cương vị đạo diễn.
Sau đó, tôi được nghe kể lại rằng, tác phẩm của tôi được hội đồng nghệ thuật Nhà hát Kịch VN đọc và lựa chọn từ mấy chục kịch bản được rọc phách không đề tên tác giả. Tác phẩm của tôi được tìm trong “kho” kịch bản mà NSND Anh Tú để lại. NSƯT Xuân Bắc cho biết: “Mọi người ở nhà hát đánh giá đây là một kịch bản tuyệt vời…”.
Tôi cũng được biết rằng đây sẽ là tác phẩm đầu tay do Kiều Minh Hiếu làm đạo diễn, nhưng tôi không ngại ngần mà rất tin tưởng ở Hiếu, bởi đạo diễn trẻ luôn có ở trong mình ngọn lửa khát khao sáng tạo, niềm đam mê và sự táo bạo. Ê kíp sáng tạo cùng làm việc với Hiếu đều là những nghệ sĩ trẻ đã thành danh như: họa sĩ NSƯT Doãn Bằng, nhạc sĩ Phùng Tiến Minh…
* Rời ghế Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn chắc hẳn ông có nhiều thời gian cho sáng tác kịch bản sân khấu, công việc ông đam mê và gắn bó gần 30 năm qua…?
- Từ tháng 12/2017, sau khi chuyển sang làm Giám đốc Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tới nay, tôi đã hoàn thành 4 kịch bản, đã và đang dàn dựng ở các loại hình kịch nói, chèo, dân ca kịch bao gồm: Gặp lại người đã chết, Tượng đài, Làm vua và Còn mãi với thời gian.
Nói như vậy có nghĩa là hiện tại tôi có quỹ thời gian hơn để sáng tác. Khi viết xong mỗi tác phẩm, tôi quên luôn cốt truyện kịch, thậm chí quên cả tên kịch bản. Đây cũng là một thói quen phải rèn luyện để mình không lặp lại chính cái bóng của mình. Tôi chỉ viết những gì tôi thích và đã suy nghĩ kỹ, tôi không nhận đặt hàng và chịu áp lực ở bất cứ ai mỗi khi cầm bút.
Vài nét về nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương Trong sự nghiệp cầm bút của mình, Nguyễn Đăng Chương đã có nhiều vở diễn gây tiếng vang như: Chuyện tình người mất tích, Nắng quái chiều hôm, Tội ác quyền lực, Vượt qua tâm bão, Lâu đài cát… Trong đó kịch bản Chuyện tình người mất tích của ông có tới 18 đơn vị nghệ thuật dàn dựng. Ông là tác giả sân khấu Việt Nam duy nhất được Hiệp hội Sân khấu thế giới lựa chọn kịch bản dịch sang tiếng Anh để in và phổ biến trên toàn cầu. Ông cũng đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và có bằng tiến sĩ. |
Hoài An (thực hiện)