Nhà báo Việt Văn, thành viên Hội đồng duyệt phim: Dù quay đẹp, nhưng 'Vị' mang lại giá trị gì?
(Thethaovanhoa.vn) - Quanh việc bộ phim Vị của đạo diễn Lê Bảo không được phổ biến tại Việt Nam, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với nhà báo Việt Văn, thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện (gọi tắt là Hội đồng duyệt phim).
“Thứ nhất, Hội đồng đóng vai trò tư vấn cho Cục trưởng Điện ảnh. Việc quyết định là quyền của Cục trưởng Điện ảnh. Thứ hai, về nguyên tắc bàn bạc thì chỉ có Chủ tịch Hội đồng thẩm định phim trả lời báo chí. Tôi chỉ nói chung về ý kiến cá nhân của tôi với tư cách là một người xem” – nhà báo Việt Văn bắt đầu cuộc trao đổi.
Anh phân tích về bộ phim:
- Về mặt mạnh, Vị có những tìm tòi về mặt nghệ thuật, từ góc máy quay, hình ảnh ẩn dụ, đến chọn ánh sáng, tạo hình và bối cảnh rất kĩ. Một số cảnh phim gây ấn tượng. Tôi nghĩ rằng đây là bộ phim ý niệm và tính thể nghiệm của tác giả rất rõ rệt. Chuyện phim kể về một anh chàng da đen đến Việt Nam sống, với mong muốn có cơ hội đổi đời. Anh ta gặp bốn người phụ nữ và sống với bốn người phụ nữ đó cùng với một chú heo ở trong phim.
Tuy nhiên, trong phim có nhiều hình ảnh các nhân vật khỏa thân hoàn toàn, kéo dài gần 30 phút. Nhân vật chính cùng những người phụ nữ đó khỏa thân cả trong lúc làm việc, trong lúc ngồi nói chuyện, thậm chí cả lúc ngồi xem tivi trên giường... Nó gợi lên một suy nghĩ rằng chúng ta đang xem một bộ phim về hiện thực nào của xã hội? Tất nhiên, đây là phim ý niệm, nhưng điều quan trọng là những hình ảnh làm người ta dễ suy tưởng, liên tưởng đến những vấn đề khác…
Tôi lấy ví dụ như hình ảnh anh chàng đó tắm cho một người đàn bà, ngay cạnh đó là một cô gái đi vệ sinh khiến người ta có cảm giác có một cái gì đó không hay, không sạch. Hay hình ảnh bốn người phụ nữ nằm ở trên giường với góc máy quay ở trên cao xuống, cảm giác rất rõ nét tất cả những bộ phận, thân hình người phụ nữ đó và anh ta đang ngồi sấy tóc trong tư thế khỏa thân cho từng người phụ nữ. Hay cảnh anh ta cân con lợn lên cân, và sau đó những người phụ nữ lên cân đó…
Rất nhiều hình ảnh khiến người ta sẽ phải suy nghĩ rằng là câu chuyện này có đem lại giá trị nhân văn không?
Và, kết thúc bộ phim là khi anh chàng đó hoàn toàn bế tắc. Trong đoạn kết có hình ảnh con chuột lấp ló ở cửa hang đi tìm thức ăn. Cách kết thúc phim đó khiến người ta không cảm nhận được chút gì về tình yêu thương con người hơn cũng như không mang lại giá trị gì đẹp hơn…
* Theo tôi hiểu, dưới góc nhìn của anh, “Vị” không được chiếu tại Việt Nam không chỉ vì thời lượng quá dài của những cảnh khỏa thân?
- Tôi nghĩ rằng bộ phim đó không mang lại giá trị thẩm mỹ đẹp cũng như không mang lại một thông điệp tốt. Một bộ phim có thể mô tả một góc tối của xã hội, có những cảnh trần trụi, nhưng là để từ đó nó vượt lên, mang thông điệp nhân văn, hay cho người ta thấy ánh sáng của tình yêu cuộc sống, chứ không phải là một câu chuyện bế tắc, không có một lối thoát. Một câu hỏi cần đặt ra: Những bộ phim như thế dù quay đẹp, dù hình ảnh tốt, nhưng đem lại giá trị gì cho công chúng?
* Dù sao thì phim “Vị” cũng đạt giải Special Jury Award tại hạng mục Encounters của LHP Berlin 2021. Liệu có độ “chênh” giữa góc nhìn thẩm định của anh với BGK giải thưởng quốc tế?
- Thực ra, phải xác định rõ mỗi giải đều có tiêu chí riêng. Người ta hay nói câu “Ban giám khảo nào thì kết quả đấy”. Mỗi LHP đều có tiêu chí rất riêng. “Vị” là phim đạt giải đặc biệt hạng mục Encounter, (hạng mục nhằm thúc đẩy các nhà làm phim độc lập, hỗ trợ quan điểm mới trong điện ảnh) và không phải giải cao nhất. Lưu ý đây là “đặc biệt” của Ban giám khảo, “đặc biệt” ở đây là giải khuyến khích, có thể khuyến khích vì đây là dòng phim mang tính chất thể nghiệm. Thể nghiệm vì có những góc máy quay sáng tạo, có những câu chuyện hơi lạ đi một tí, nhưng điều đó không có nghĩa rằng Ban giám khảo đánh giá cao tính nhân văn của bộ phim.
Bộ phim này không phải là bộ phim mang giá trị nhân văn, theo quan điểm của tôi. Đó là bộ phim đem lại cảm giác mệt mỏi và ẩn ức cá nhân, không thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”! Thêm nữa, bộ phim được tài trợ của quỹ nước ngoài. Vì thế được giải của nước ngoài cũng chưa phải là lạ, bởi quốc tế có nhiều hình thức giải khác nhau.
* Thực tế, trong dư luận vẫn tồn tại một số ý kiến rằng Hội đồng thẩm định phim khá chặt chẽ khi duyệt, và đôi khi phần nào hạn chế sự phát triển của nền điện ảnh?
- Tôi biết một số ý kiến cho rằng Hội đồng duyệt là bảo thủ, thậm chí là kìm hãm sự phát triển khi mà ngăn phổ biến những phim này. Song, hãy đặt câu hỏi: Nếu như phim này được chiếu rộng rãi, tôi không biết sự chỉ trích Hội đồng sẽ còn nặng nề thế nào? Với quan điểm của tôi, giả dụ phim này được phổ biến rộng rãi chiếu cho công chúng thì chắc chắn Hội đồng sẽ bị phê bình rất nặng nề, thậm chí còn nhận “gạch đá” nhiều hơn so với việc phim không được phổ biến.
* “Vị” cũng không phải là bộ phim duy nhất chọn lối “đi tắt”: tranh giải thế giới trước (khi chưa được cấp phép phổ biến) rồi về... chịu phạt sau. Theo anh, tại sao có tình trạng như vậy?
- Đó là sự lựa chọn của mỗi người. Tôi nghĩ, thực ra khi làm phim họ xác định từ đầu, là những phim này sẽ ít có cơ hội chiếu ở Việt Nam. Quốc tế họ đón nhận tất cả một cách rộng mở, nhưng mỗi nước đều có những quy định riêng về điện ảnh. Ví dụ như tại Singapore, Trung Quốc hay một loạt nước khác, rõ ràng có một số bộ phim không được phép chiếu!
* Xin cảm ơn anh!
Bộ phim Vị của đạo diễn Lê Bảo đã bị Cục Điện ảnh ký quyết định cấm phổ biến vì cảnh nude dài khoảng 30 phút, chiếm một phần ba thời lượng phim, “không phù hợp với văn hóa Việt Nam”. Trước đó, phim bị Thanh tra Bộ VH, TT& DL phạt 35 triệu vì tham dự Liên hoan phim Berlin vào tháng 3/2021 dù chưa xin cấp phép phổ biến. Tại Liên hoan phim này, Vị đoạt Giải Đặc biệt ở hạng mục Encounters. Đây là hạng mục nhằm thúc đẩy các nhà làm phim độc lập, hỗ trợ quan điểm mới trong điện ảnh. |
Ngân Lượng