Nhà báo Trương Anh Ngọc: Không nên bi kịch hóa chuyện Trần Lập!
(Thethaovanhoa.vn) - “Khi Trần Lập đã công khai tuyên bố bị ung thư, anh ấy đã thể hiện sự dũng cảm và bản lĩnh của mình. Không mấy khi chúng ta thấy một ai đó ở mình công khai bệnh tật vì nhiều lí do khác nhau”.
Đó là quan điểm của nhà báo Trương Anh Ngọc, người bạn thân của rocker Trần Lập về việc thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường công bố bệnh ung thư trên mạng xã hội.
- Rocker Hồ Quang Hưng: 'Trần Lập và Bức Tường có ảnh hưởng lớn tới rock Việt'
- Guitar Tuấn Hùng nói về Trần Lập: “Người anh cả của chúng ta rất mạnh mẽ và kiên cường”
- Trần Lập: 'Một ngọn nến thắp lên vẫn cháy trong giông bão'
- Tản mạn về hình tượng Trần Lập và lịch sử rock Việt
Nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN): Tôi nghĩ, chuyện dư luận sốc là đúng. Nhưng, có mấy điều cần nói:
1. Thứ nhất, chúng ta không nên bi kịch hóa vấn đề. Khi Trần Lập đã công khai tuyên bố bị ung thư, anh ấy đã thể hiện sự dũng cảm và bản lĩnh của mình. Không mấy khi chúng ta thấy một ai đó ở mình công khai bệnh tật vì nhiều lí do khác nhau.
Đối với ung thư, tinh thần có ý nghĩa rất quan trọng. Thế nên, chuyện bi kịch hóa vấn đề từ báo chí là rất không tâm lí. Báo chí không nên viết điếu văn cho người còn đang sống.
Thứ hai, ca sĩ Trần Lập có không gian tự do cá nhân riêng. Điều ấy chúng ta phải tôn trọng. Chúng ta không nên làm gì đó ảnh hưởng đến không gian ấy trong thời gian Trần Lập điều trị bệnh.
Nhạc sĩ ca sĩ Trần Lập và nhà báo Trương Anh Ngọc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
2. Tuy nhiên, đây cũng nên là cơ hội tốt để mọi người có ý thức về ung thư. Ung thư có thể xảy ra với bất cứ ai trong số những người ta yêu mến, trong gia đình ta, và có thể xảy ra với cả chính ta.
Phát hiện sớm luôn có ý nghĩa cực kì quan trọng. Thế nên, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến sức khỏe của mình. Tôi thấy người Việt mình rất ít quan tâm đến chăm sóc sức khỏe, thường để đến khi có bệnh thì mới đi khám. Nếu khám định kì được thì là tốt nhất.
Chúng ta chia sẻ cùng anh Lâp, động viên anh ấy trong hành trình chống chọi với ung thư, nhưng cũng cần quan tâm đến chính mình hơn nữa. Không ai yêu mình và có thể hiểu mình hơn chính mình. Nghe có vẻ ích kỷ nhưng nếu mình không có sức khỏe và đam mê, nhiệt huyết, liệu mình có thể yêu ai?
Trong câu chuyện Trần Lập, tôi thấy sự tương đồng với thông điệp của ca khúc Greatest Love of All. Linda Creed viết lời của bài hát trong thời điểm đang chống chọi với bệnh ung thư vú. Lời ca của Greatest Love of All thể hiện cảm xúc của cô khi đang chống chọi với những thử thách lớn lao cô đang phải trải qua, phải luôn mạnh mẽ dù thành công hay thất bại và truyền sức mạnh ấy cho trẻ em khi chúng lớn lên.
Và thông điệp của Linda Creed hay Trần Lập đều là: "Greatest love of all is to love yourself”- Tình yêu lớn nhất của tất cả chúng ta là hãy yêu bản thân mình.
Mỹ Mỹ (ghi)