Nhà báo Nguyễn Lưu: 'Thể thao Việt Nam cần gấp một hội nghị Diên Hồng'
Đã từng "nằm gai nếm mật" cùng thể thao nước nhà suốt mấy chục năm qua, nhà báo Nguyễn Lưu có được sự am hiểu tường tận, góc nhìn sắc sảo. Ông cho rằng thể thao Việt Nam (TTVN) cần có cuộc "cánh mạng" cả tư duy lẫn hành động trong thời gian đến.
"Chào tạm biệt" chiến dịch "đi tắt đón đầu"
* Thể thao & Văn hóa: Thưa nhà báo Nguyễn Lưu, tại ASIAD 19 Hàng Châu, TTVNchỉ giành được 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ, đứng thứ 21 trên bảng tổng sắp huy chương, bị đẩy xuống vị trí thứ 6 Đông Nam Á. Vậy góc nhìn của ông về thực trạng nền thể thao nước nhà hiện nay?
-Nhà báo Nguyễn Lưu: Trước hết phải nói với nhau như thế này: Chúng ta bằng lòng với sự tiến bộ nhưng chúng ta không thể bằng lòng với "tốc độ" tiến bộ của TTVN khi tốc độ đó thua xa với tốc độ của khu vực, châu lục. Với tôi, khi nhìn lại thành tích từ những kỳ SEA Games, ASIAD cho đến Olympic gần đây, tôi cho rằng đã đến lúc TTVN nói lời "chào tạm biệt" với tư duy, chiến lược "đi tắt đón đầu" trước đây. Lúc này, ngành thể thao chắc đang thấm thía lời ví của dư luận sẵn sàng đánh đổi hàng trăm huy chương SEA Games để lấy vài HCV ASIAD hay Olympic.
Tôi ghi nhận, đánh giá cao tất cả những nỗ lực, cống hiến hết mình, ý chí phi thường cùng thành tích của các VĐV để mang về thành tích cho TTVN. Nhiều năm liền, chúng ta thắng lợi ở các kỳ SEA Games nhưng điều đó cũng chưa nói lên được điều gì về tầm vóc của một nền thể thao mạnh. Để thắng được ở ASIAD, Olympic rất khó. TTVN có tiến bộ nhưng so với châu Á còn khoảng cách rất xa. Nhìn thành tích cụ thể của nhà vô địch châu Á ở từng nội dung so với VĐV cao nhất của Việt Nam sẽ thấy.
Sau ASIAD 19, rất nhiều người tâm huyết mong mỏi rằng chúng ta cần gấp một "Hội nghị Diên Hồng" nhằm tìm ra giải pháp và định hướng đúng cho TTVN hướng ra các đấu trường lớn, cụ thể là ASIAD và Olympic. Tóm lại, TTVN cần một cuộc "cách mạng" cả tư duy lẫn hành động trong thời gian sắpđến.
* Vậy theo ông, đâu là căn nguyên cho câu chuyện TTVN thắng ở SEA Games nhưng luôn "đuối" khi ra đấu trường ASIAD hay Olympic?
- TTVN gặp khó khăn do không xác định mục tiêu cụ thể để tập trung đầu tư mà thay vào đó là sự dàn trải. Hơn 20 năm qua, nhất là sau SEA Games 22 - 2003 giành vị trí thứ nhất toàn đoàn, cá nhân tôi đã đề nghị TTVN trên cơ sở của SEA Games phải tập trung phát triển những môn thể thao trong chương trình Olympic. Phải nâng cao trình độ của các môn thể thao này để tiến dần lên châu lục và cố gắng phấn đấu một số nội dung ở đấu trường Olympic.
Muốn làm được như thế thì không nên phụ thuộc vào chỉ tiêu phải nhất, nhì ở SEA Games gì cả. SEA Games luôn có "mặt trái"nên cứ phấn đấu nhất, nhì nghĩa là phải tham gia thi nhiều môn, thi nhiều nội dung. Có những môn, những nội dung chỉ tổ chức ở một kỳ đại hội thôi, các kỳ sau không có, do đó nó phân tán lực lượng của chúng ta. TTVN cần phải tập trung vào các môn thể thao Olympic và nâng cao trình độ cho các VĐV lên đấu trường châu lục và thế giới, ít nhất là ở một số nội dung cơ bản.
TTVN phải kiên trì về chủ trương, được đầu tư nhất quán, đúng hướng. Chúng ta phải chấp nhận có thể ít HCV ở SEA Games để sớm cải thiện thành tích ở ASIAD, Olympic. Nếu như chúng ta không lệ thuộc vào chuyện đứng nhất, nhì, ba mà chúng ta chiến thắng ở các môn thể thao Olympic sẽ rất quan trọng, cần thiết cho TTVN. Những câu chuyện trên đây đang góp phần lý giải nguyên nhân vì sao nền thể thao chúng ta luôn giậm chân tại chỗ, thậm chí đang thụt lùi.
Tạo những "quả đấm thép" từ các môn Olympic
* Quan sát thời gian gần đây, đã thấy TTVN đã bắt đầu có sự "dịch chuyển" trong đầu tư thay vì lấy SEA Games làm trọng tâm đã hướng đến ASIAD, Olympic, vậy theo ông, sự dịch chuyển đó phải được cụ thể hóa như thế nào?
- Lâu nay, những nhà quản lý TTVN rất quyết tâm, có nhiều khát vọng để nâng tầm thể thao nước nhà. Chúng ta luôn lấy SEA Games làm "bàn đạp" để nâng tầm, tiệm cận, tiến xa lên đấu trường ASIAD, Olympic.Tuy vậy, điều cốt lõi nhất, quan trọng nhất là ý thức, tư duy vượt tầm khu vực.
Rõ ràng qua phân tích, tổng hợp cả một quá trình dài mới thấy chiến lược phát triển TTVN rất có vấn đề. Mục tiêu số 1 phải luôn luôn giữ vững Top 3 SEA Games, rồi sau đó mới nói đến lựa chọn một số môn tham gia vào ASIAD và Olympic. Trong thời gian dài như thế, chúng ta chỉ chú trọng đấu trường khu vực trong khi ASIAD chưa được đầu tư đúng mức.
Một khi đã xác định chiến lược như thế tất yếu dẫn đến việc đầu tư từ tiền bạc, công sức, mua sắm trang thiết bị, dinh dưỡng, tập huấn, đào đạo… dồn hầu hết cho SEA Games, không còn đủ sự đầu tư cho ASIAD.
Chúng ta phải coi ASIAD cũng chính là "tiểu Olympic". Điều này quan trọng vô cùng. Ở đấu trường này có sự tham gia của nhiều nền thể thao mạnh, đặc biệt là Trung Quốc, rồi cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Đài Loan (Trung Quốc) đều rất giỏi. Phải xem ASIAD như một "quả núi" để có thể tranh chấp huy chương với bạn bè. Ý thức này không chỉ ở những nhà lãnh đạo, quản lý, còn phải được truyền đến các HLV, VĐV.
TTVN cần hoạch định một chiến lược mang tính đột phá
* Vậy theo ông, chúng ta phải có tầm nhìn thế nào, đầu tư ra sao để TTVN cất cánh?
- Có rất nhiều vấn đề cần phải được giải quyết như là tổ chức bộ máy của ngành; như là xã hội hóa thể thao thành tích cao; hiện đại hóa các phương tiện tập luyện và chăm sóc VĐV ở các trung tâm thể thao cấp cao nước nhà; vấn đề y học thể thao, chăm sóc, chữa trị chấn thương cho VĐV; chống sử dụng thuốc kích thích trong thể thao…
Rõ ràng trong chiến lược phát triển cần xác định lại mục tiêu của TTVN là đặt vào đâu, chỗ nào? Đó là câu chuyện tồn tại suốt 15 - 20 năm qua. Phải xác định lại mục tiêu là cố gắng tập trung phát triển, nâng cao trình độ cho các môn thể thao trong chương trình Olympic.
Tất nhiên không phải tất cả 28 - 30 môn Olympic mà chúng ta sẽ phải lựa chọn một số môn truyền thống, cơ bản để đầu tư trọng điểm, kiên trì, tập trung cao độ. Nếu còn tiếp tục do dự trong quan điểm phát triển hoặc lấn cấn các chỉ tiêu SEA Games thì TTVN sẽ chậm phát triển.
Cùng với đó, kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào thể thao. Thực tế cho thấy bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào có được sự góp sức đầu tư của nguồn lực xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đều mang lại kết quả xứng tầm. Thể thao cũng vậy thôi, nhất thiết phải xã hội hóa sâu rộng theo đúng xu thế quốc tế hiện nay.
Đã qua rồi thời cả nước thực hiện phương châm: "hy sinh quyền lợi cá nhân vì màu cờ sắc áo", "nhà nghèo vượt khó", "đi tắt đón đầu"... Thể thao hiện đại đòi hỏi phải có sự đầu tư trọng điểm và xứng đáng, từ chế độ lương thưởng cho vận động viên, cơ sở vật chất tập luyện, thi đấu; ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Đã đến lúc cần tinh chọn những VĐV ưu tú nhất, đầu tư trọng điểm với kinh phí dồi dào thì mới hy vọng nền TTVN đi lên bền vững. Đầu tư dàn trải như bao năm qua rất tốn tiền nhưng đẳng cấp nền thể thao luôn dậm chân tại chỗ.
Về dài lâu, để hội nhập, tiếp cận, thu hẹp trình độ, đủ sức cạnh tranh với thể thao châu lục thì TTVN buộc phải thay đổi tư duy, không phải cứ mãi tư duy theo cái cách đưa ra mục tiêu thấp để rồi hoàn thành hay vượt chỉ tiêu là hài lòng.
Để vươn tầm cao mới đòi hỏi các nhà quản lý thể thao phải có tư tưởng lớn, hành động quyết liệt để đáp ứng yêu cầu phát triển.
* Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
"Thời gian qua, chúng ta đầu tư dàn trải, không bài bản, thiếu tầm nhìn dài hạn và chỉ theo đuổi mục tiêu trước mắt. Trong khi đó, thế giới đang bước vào thời đại mới, rất nhiều quốc gia dùng thể thao để nâng cao tầm ảnh hưởng quốc tế, gây dựng nền ngoại giao thể thao, biến thể thao thành một thứ quyền lực mềm. Vậy mà chúng ta không bắt kịp, thậm chí đi ngược xu thế.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn về thực trạng nền TTVN, tập hợp những người tâm huyết để cùng xốc lại bộ máy, đưa ra các giải pháp thiết thực để thể thao phát triển".