Nhà báo Lữ Đắc Long: Bật mí bi hài hậu trường phim ảnh Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn sách Hậu trường phim ảnh của nhà báo Lữ Đắc Long và NSƯT - đạo diễn Việt Linh vừa xuất bản đã đề cập nhiều câu chuyện lý thú của phim ảnh Việt Nam. Người giữ nhiều câu chuyện của sách này là Lữ Đắc Long, với hơn 20 năm gắn bó với phim ảnh bằng nghề cascadeur và nghề nhiếp ảnh phim trường.
“Tôi muốn có một kỷ niệm, muốn xâu chuỗi nhiều câu chuyện mà mình cảm được trong suốt hành trình thâm nhập các đoàn làm phim với tư cách là một cascadeur và một phóng viên mê nghề. Từ đó tôi muốn bật mí cho bạn đọc biết về hậu trường phim ở Việt Nam, vốn có rất nhiều câu chuyện bi hài thú vị” - Lữ Đắc Long nói về lý do mình viết sách.Từ chuyện cạo trọc đầu, ăn nhậu…
* Làng phim rộng lớn như vậy, anh chọn các câu chuyện như thế nào?
- Các câu chuyện trong sách được chọn lọc từ bếp núc của quá trình làm phim. Từ chuyện cạo trọc trên phim người ta đã quy ước như thế nào, chuyện ăn nhậu thật giả ra làm sao? Chuyện Tây đóng phim ở ta, rồi chuyện ta đóng phim ở Tây nó có gì hấp dẫn?
Trong các câu chuyện này, tôi đề cập luôn những vất vả của nghề hóa trang, nghề trang phục, nghề làm phó đạo diễn, nghề trợ lý cho đến những diễn viên quần chúng có những khó khăn gì và những câu chuyện bi hài này như thế nào. Tôi cố gắng kể một cách trung thực và dí dỏm để bạn đọc dễ hình dung và thông cảm với nghề làm phim vốn rất nhiều vất vả.
Nhà báo Lữ Đắc Long trong phim ca nhạc "Thần điêu đại hiệp"
* Anh gặp khó khăn và thuận lợi gì khi nói toàn chuyện “khó đỡ” như vậy?
- Cái khó là cố gắng làm sao đừng để đụng chạm đến một ai, nhưng câu chuyện vẫn phải bật lên vấn đề. Cần phải thấy rõ ưu và khuyết ở chỗ nào, cần cách giải quyết ra sao cho thật hợp tình, hợp lý, dù rằng đôi lúc thực tế ở phim trường đã làm cho cả đoàn phim lâm vào hoàn cảnh dở khóc, dở cười.
Thuận lợi là tôi được đi nhiều, tiếp xúc nhiều, nên dễ dàng phát hiện và khai thác những câu chuyện vốn dĩ phúc tạp, luôn chực chờ xảy ra ở hiện trường. Chỉ có tận mắt chứng kiến, tai nghe, thậm chí nó xảy ra với ngay cả chính mình.
Để ra đời quyển sách này, tôi có sự hỗ trợ đặc biệt của NSƯT - đạo diễn Việt Linh, không chỉ là đồng tác giả, mà còn giúp sức cho tôi một cách vô điều kiện. Chính những yếu tố này đã làm nên những câu chuyện mà khi kể ra, lắm lúc khán giả sẽ bất ngờ, nhưng với người trong nghề họ lại bật cười khoan khoái, vì như có người nói đúng tâm trạng của họ trong quá trình làm phim.
… Đến chuyện “có tuổi nhưng không có tên”
* Mấy chục năm trong nghề, hẳn nhiên cho anh cách chọn lựa riêng. Anh từng viết về những nghệ sĩ yêu nghề và chăm chỉ, vậy mà ít tiếng tăm. Anh cắt nghĩa điều này như thế nào?
- Là người trong nghề nên tôi dễ dàng đồng cảm với nhiều nhân vật, nhiều câu chuyện có thật mà cứ tưởng như đùa. Trên thực tế, có rất nhiều diễn viên xuất hiện, ai cũng nhận biết mặt, khán giả sẵn sàng bắt tay tươi cười làm quen, nhưng sau đó họ không thể biết được người diễn viên đó tên gì! Trong nghề chúng tôi thường gọi là nghệ sĩ có tuổi nhưng không có… tên.
Bìa sách “Hậu trường phim ảnh” vừa xuất bản
Tôi thấy đây là điều bất công. Vì thâm niên hoạt động của họ với nghề có khi lên đến gần 30 năm, vậy mà họ vẫn chịu nhiều thua thiệt về danh phận và tên tuổi, thậm chí là thua xa tiền cát-sê ngay cả với những diễn viên mới vào nghề. Điều này không phải ai cũng lý giải được, thậm chí chính họ cũng không để ý vì sao mình không… nổi tiếng. Họ cứ lầm lũi với nghề từ ngày này sang ngày khác.
* Theo anh tại sao lại có tình trạng “có tuổi nhưng không có tên” như anh đề cập?
- Theo tôi, có người do lòng tự trọng cao, họ cảm thấy mình chưa làm được gì xứng đáng nên không dám lên tiếng. Ngại nói, ngại phô trương, ngại ngoại giao… họ chỉ sẵn sàng chờ có vai thì đóng, chứ không hề xin xỏ ai điều gì.
Cũng có người họ chỉ thích âm thầm sống chết với từng vai diễn của mình, họ không muốn ồn ào, không làm màu với công việc của mình, thậm chí rất sợ gặp nhà báo vì không biết phải kể điều gì cho bản thân mình. Theo tôi, đó là những nghệ sĩ rất đáng trân trọng.
Nhưng với quan niệm trên của họ, rất dễ dẫn đến việc sai lầm, bởi không nổi tiếng đồng nghĩa với việc khó có vai diễn nặng ký, hoặc mất vai diễn chính, ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập cũng như ảnh hưởng đến con đường phát triển sự nghiệp của mình. Lại thêm một điều rất thực tế, báo chí chỉ thích đăng những nhân vật tên tuổi, có sự kiện nóng hổi… nên những nghệ sĩ này luôn bị thua thiệt về nhiều phía.
* Viết về hậu trường đôi khi cũng là viết về các tai tiếng (scandal) này kia. Nhiều năm gắn bó với nghề, tai tiếng có giống nhau qua thời gian không?
- Tai tiếng - cụm từ này giờ đã quá quen thuộc với khán giả, và cũng chẳng có tai tiếng nào qua mắt được người đời, nếu nó giả tạo. Người làm nghề chân chính, thường dựa vào chính khả năng của mình, không ai “thèm” dính đến những chiêu trò giả tạo như thế. Nếu vô tình vướng tai tiếng, khán cũng sẽ hiểu và tuy công việc có ảnh hưởng đôi chút, nhưng rồi đâu cũng vào đấy mà thôi.
Nhưng với những việc cố tình tạo tai tiếng, có thể trước mắt họ sẽ được chú ý nhiều hơn, nhưng rồi cái họ nhận được nhiều nhất cũng chính là… tai tiếng! Bi kịch là nhiều người trong cuộc lại ảo tưởng tai tiếng cũng chính là sự nổi tiếng.
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa