Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Tôi chưa muốn nói “Thân ái chào các bạn”
(TT&VH) - Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vừa xuất bản cùng lúc hai cuốn sách về nghề báo. Trong lúc cuộc tranh luận về cách đưa tin giật gân, câu khách và chính thống vẫn chưa có hồi kết, việc cùng lúc in hai cuốn sách của Huỳnh Dũng Nhân chứng tỏ những bài báo hay, được thực hiện công phu luôn có sức sống trong lòng bạn đọc qua hàng chục năm.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân từng là cây bút phóng sự “vơ-đét” một thời, ông có 30 năm làm báo với cả ngàn bài viết và 15 năm giảng dạy báo chí. Hiện ông làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM kiêm TBT tạp chí Nghề báo. Đọc phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân, độc giả không chỉ có thông tin mà còn cảm được chất văn qua từng bài viết - đây là yếu tố khiến phóng sự của ông sống… dai. TT&VH có cuộc trò chuyện thú vị với nhà báo, nhà văn Huỳnh Dũng Nhân.
Còn bán xôi thì còn báo giấy
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đang ký tặng sách cho bạn bè, đồng nghiệp |
- Hai cuốn sách có hơi hướm tổng kết sự nghiệp viết của tôi. Theo nghĩa nào đó, tôi muốn nhìn lại, đánh giá, suy ngẫm, trình bày lại cuộc đời viết lách của mình một cách có lớp lang để còn tính chuyện đi tiếp chứ không phải tổng kết rồi “thân ái chào các bạn” đâu.
Cuốn Để viết phóng sự thành công đúc kết 15 năm giảng dạy báo chí, từ việc giảng bài ngẫu hứng cho tới giảng bài theo giáo trình và cuối cùng là nâng cấp theo xu hướng hiện đại là làm giáo trình điện tử… Tôi coi như mình tạm yên tâm về khía cạnh sư phạm, nhưng hằng ngày vẫn cập nhật nhiều tư liệu với tham vọng tạo ra một giáo trình tốt nhất về phóng sự hiện nay. Còn cuốn Kính thưa ô-sin!, thì chọn ra 30 phóng sự tôi ưng ý nhất, có dấu ấn với bạn đọc và khắc họa được công việc cũng như tính cách của mình qua những bước đi quan trọng nhất của hành trình 30 năm làm báo.
* Thường thì một bài báo dù khai thác vấn đề thời sự nhanh nhạy, góc cạnh đến đâu cũng chỉ sáng đọc… chiều gói xôi. Từ đâu anh tự tin in thành tuyển tập phóng sự Kính thưa ô-sin! trong đó có nhiều bài viết đề cập các vấn đề từ hàng chục năm trước?
- Tôi thuộc số ít người không tin rằng báo chí chỉ in để đọc và sau đó để… gói xôi, dù rất tin rằng chừng nào còn xôi thì vẫn còn báo giấy. Đối với tôi, phóng sự luôn là những tác phẩm chứ không đơn thuần là bài báo của một tờ nhật trình nào đó. Tôi cũng như những người viết phóng sự khác đều đánh đổi cả cuộc đời, tham vọng, uy tín, và mồ hôi để có những bài phóng sự - nếu không phải xuất sắc lắm thì cũng cho ra hồn là một bài phóng sự.
Người viết phóng sự luôn đối đầu với ba thứ tốn kém: đó là tiền bạc, thời gian và sức khỏe. Thêm nữa, phóng sự là thể loại có chất văn học, có hoàn cảnh số phận con người, phản ảnh một phần thời cuộc mà tác giả đã sống và chứng kiến, nó có giá trị của lịch sử chứ không chỉ là thông tin nhất thời của những người thư ký ngồi văn phòng ghi chép lại.
Hai tác phẩm mới xuất bản của Huỳnh Dũng Nhân.
Nhà báo từng học múa
* Được biết số tiền đầu tiên anh kiếm được trong đời là từ nhuận bút vẽ tranh in trên báo, sao anh không tiếp tục với nghề cầm cọ thay vì cầm bút, có phải anh muốn dùng chữ để vẽ những góc khuất của cuộc sống mà sắc màu không thể diễn đạt được?
- Tôi từng học hội họa chuyên nghiệp trước khi học văn rồi học báo. Cũng như tôi từng ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá và lái xe trước khi trở thành nhà báo, nhà văn. Tôi chỉ học mỹ thuật để thỏa mãn đam mê thời nhỏ. Sau khi nhận ra rằng con đường hội họa không sáng lạn lắm thì tôi ngả theo viết văn và rồi sau này nghiêng hẳn về báo chí.
Nhưng hội họa và bất cứ những gì tôi học được trước đây, như học múa chẳng hạn, đều có ích cho nghề báo, ít nhất là cho khả năng cảm nhận và cảm thông được những gì thầm kín trong nội tâm con người trong cuộc sống còn vô vàn điều để nói này.
* Như anh nói “Cây bút để kiếm sống. Để nói lên thế sự”. Nhưng anh cũng nói anh “rất dốt kiếm tiền”. Vậy khi đứng trước sinh viên ngành báo chí, nếu có sinh viên hỏi: “Thầy ơi, viết phóng sự không kiếm đủ tiền để sống” thì anh trả lời ra sao?
- Tôi sẽ nói với các em sinh viên báo chí rằng: Có lẽ bên cạnh việc chuyên canh phóng sự thì ai cũng cố gắng cày bừa trên vài địa hạt nữa để lấy ngắn nuôi dài. Cây bút để kiếm sống, dù không đem lại giàu có cũng cố gắng đủ để sống và hít thở đàng hoàng, để nói những chuyện thế sự một cách đàng hoàng. Viết phóng sự mà không đủ tiền để sống thì chắc cũng tùy người, còn như tôi và nhiều cây bút phóng sự khác dù không giỏi kiếm tiền thì vẫn viết phóng sự và vẫn sống lù lù đấy thôi.