Nhà báo Dương Thành Truyền - Một người 'Bơ, Phờ' rất hóm
Tập du ký Trên đường về nhớ đầy của nhà báo Dương Thành Truyền vừa được giới thiệu tới độc giả. Ra đi cũng là để trở về nhưng quan trọng hơn là “nhớ đầy” được những gì sau các chuyến đi? Vì rất nhiều người có thể đi còn nhiều hơn các nhà báo, song họ còn nhớ gì để trao truyền cho người đi sau, nhất là trên trang giấy...
Luôn tự trào
Lý lịch trích ngang của Dương Thành Truyền: sinh 1961, bút danh Duyên Trường (nói lái từ Dương Truyền); 2 năm đi bộ đội; 5 năm dạy văn cấp 3; hơn 12 năm làm báo; hơn 18 năm huấn luyện phát triển cá nhân, quảng cáo, báo chí và tiếng Việt, 25 năm làm công tác Đội và Đoàn.
Hơn 12 năm làm báo của anh được đúc kết ngắn gọn: Viết Câu chuyện văn hóa, Tạp bút, Phiếm đàm, Du ký được in trên báo Tuổi trẻ và Tuổi trẻ Chủ nhật.
Nhà báo Dương Thành Truyền
Như đã nói ở trên, nhiều bài báo của Dương Thanh Truyền có tuổi thọ dài hơn các trang nhật trình. Bằng bút danh Duyên Trường, anh đã in hai đầu sách Ký ức về nước mắt và tiếng cười (tạp bút, NXB Trẻ 1997) và Chuyện gái trai (tạp văn, NXB Trẻ 2000). Và nay thì anh mượn một câu thơ của Hồ Dzếnh “trên đường về nhớ đầy” để in cuốn sách thứ ba của mình.
Thuở Dương Thành Truyền hoạt động Đội, Đoàn hay làm nhà giáo tôi không biết, chỉ biết anh với tư cách nhà báo. Anh viết đủ các thể loại, từ bóng đá đến văn nghệ, từ chính luận đến phiếm đàm. Có một dạo anh làm sếp to ở tờ báo có lượng phát hành lớn nhất nước. Dạo ấy có lẽ, khiến anh nhiều mệt mỏi nhất bởi áp lực công việc và những “tai nạn nghề nghiệp” từ “trên trời rơi xuống”.
Mở đầu Trên đường về nhớ đầy, Dương Thành Truyền ghi: “Riêng tặng Vân cùng Bơ, Phờ – 25 năm qua đã dành cho tôi mọi thứ để có thể lên đường thực hiện những chuyến đi xa”.
Vân, vợ anh, là ngườị chịu hy sinh vì chồng, con trong cuộc sống hàng ngày. Còn Bơ, Phờ là ai? Xin thưa, đó tên gọi hai người con ở nhà mà Dương Thành Truyền đặt. Cũng là “bơ phờ” nhưng rất khác nhau, công việc làm ta bơ phờ mỏi mệt để khi về nhà gặp được “Bơ, Phờ” lại khiến ta vui. Từ bút danh “nói lái” đến cách gọi tên con, có thể nói Dương Thành Truyền là một người rất hóm, biết tự trào.
Lưu ký ức giúp bạn đồng hành
Tháng 5/1993, trong một lần được cử đi học ở Manila (Philippines), Dương Thành Truyền “tranh thủ” viết về chuyến “du học” của mình.
Ở ta hay bất cứ đâu, nhà giáo khi đứng trên bục giảng luôn là người “quyền lực nhất” của lớp học. Nhưng tại lớp học này, nhà giáo cũng phải chịu thua “quyền lực của cái chuông”. Khi nhà giáo bị cuốn theo bài giảng mà quên mất thời gian, ở ta gọi là “cháy giáo án”, thì lập tức được sinh viên nhắc nhở bằng cách rung chuông – loại chuông lắc tay một thời của các ông già bán cà rem leng keng khắp hẻm phố.
Khi thấy bạn học rung chuông nhắc thầy giáo “hết giờ rồi”, Dương Thành Truyền biến sắc vì ông cũng từng làm thầy dạy học. Thế nhưng, người thầy bị nhắc mỉm cười: “Ơi, quyền lực của cái chuông”, rồi thu xếp ngưng ngay bài giảng.
Mỗi câu chuyện của Dương Thành Truyền viết về xứ người nhưng đều liên tưởng, so sánh đến quê nhà. Trong rất nhiều cuộc họp ở xứ ta, nhiều vị sếp nói thao thao bất tuyệt, vòng vo tam quốc quên mất thời gian; đôi khi không để ý đến cử tọa có muốn nghe nữa hay không… Ước gì trong các cuộc họp như thế cũng có một “cái chuông quyền lực” để nhắc nhở nhau biết dừng lại đúng lúc.
Nhà văn Phan Thị Vàng Anh, bạn đồng hành nhiều chuyến đi với Dương Thành Truyền, cho biết: “Tôi biết anh Dương Thành Truyền đến nay có lẽ đã gần 30 năm. Trong các chuyến đi, anh Truyền bao giờ cũng là người đúng giờ, đến đâu cũng thấy anh mở một quyển sổ tay ghi chép. Luć đó tôi chỉ nghĩ, “Ghi mà làm gì! Sau này cái gì còn đọng lại thì đọng lại, khi ấy viết mới hay!”.
Vậy nhưng, Phan Thị Vàng Anh đã bị trí nhớ “phản bội” vì khi cần nhớ thì gần như không nhớ được về những chuyến đi năm nào. Nhà văn tìm lại các ghi chép của Dương Thành Truyền và nhận ra: “Là một người đọc và một người từng đi chung những chuyến đi, tôi tin tưởng hoàn toàn vào ký ức của tác giả, và từ đây gửi đến một lời cảm ơn rất riêng tư: nhờ tác giả, tôi đã “phục hồi” lại những ký ức về các chuyến đi, mà vì sự kiêu căng của kẻ nghĩ mình là “dân sáng tác” đã suýt nữa làm tôi mất sạch”.
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa