Nguyễn Ngọc Tư ra mắt tập truyện ngắn: Lột xác cả nội dung và bút pháp
(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 9h15 ngày 24/10/2018 tại Đường sách TP.HCM, để chúc mừng Nguyễn Ngọc Tư được giải thưởng Literaturpreise 2018 và ra mắt tập truyện ngắn Cố định một đám mây (Phanbook & NXB Đà Nẵng), Phanbook tổ chức buổi ký tặng sách dành cho độc giả.
- Nguyễn Ngọc Tư và những chuyện đàn bà
- Nguyễn Ngọc Tư: ‘Chừng mực của nỗi cô đơn’
- Nguyễn Ngọc Tư ra tập thơ đầu tay 'Chấm'
Sách gồm 10 truyện, dày hơn 180 trang, sách đã bán gần 5.000 quyển trong tuần phát hành đầu tiên, chuẩn bị tái bản 10.000 quyển.
Từ một dấu ấn đậm…
Nguyễn Ngọc Tư là một dấu ấn đậm của văn chương Việt đầu thế kỷ 21, bởi lối viết vừa sắc sảo vừa buông lỏng, vừa dửng dưng vừa gần gũi, vừa khái quát vừa địa phương tính. Chất Nam bộ - vừa mang đặc trưng chung của vùng đất, vừa mang dấu ấn cá nhân, khó lặp lại ở các nhà văn Nam bộ khác - là điểm đặc biệt làm nên Nguyễn Ngọc Tư thời nay. Như trước đây đã làm nên Sơn Nam, Trang Thế Hy, Lý Văn Sâm… - những tên tuổi đặc trưng và lạ lẫm của đất Nam bộ.
Điều này vừa được Nguyễn Ngọc Tư thể hiện lại trong diễn từ nhận giải Literaturpreise 2018. Chị viết: “Khi những câu chuyện của tôi đến với bạn đọc Đức, tôi đã nghĩ những người dịch cuốn sách không chỉ có mối đồng cảm lớn, mà còn rất can đảm.
Họ đã làm việc với một bản văn nhiều thổ ngữ, bối cảnh xa lạ, mà cả người ở miền Bắc Việt Nam cũng thấy hoang mang không hình dung được bụi ô rô mọc ven sông, tiếng con chim bìm bịp vào lúc thủy triều lên, và ngọn gió chướng vẫn thường thổi suốt mùa khô đồng bằng hạ lưu sông Mê Kông.
Có thứ quen thuộc nào chăng, thì đó là những con người đi lại, nói cười và đau đớn ở trong những tác phẩm ấy. Và con người thì không xa lạ với nhau”.
Trong tập Cố định một đám mây, những điều xa lạ vẫn là những thổ ngữ, những phương ngữ, những bản sắc, những hoàn cảnh ít gặp ở đâu khác. Nhưng hình tượng người đàn bà vọng phu ngoài bờ biển; những gánh hát ngày ngủ đêm thức; những tình cảnh mong manh, phi lý, bất lực… thì lại không xa lạ. Gần như ở đâu có con người, ở đó sẽ có các tình huống hiện sinh kiểu này.
“Tôi tin người ta luôn có những câu chuyện giống nhau, cùng sở hữu một vốn từ ngữ gần như nhau, nhưng mỗi người sẽ có một cách kể của riêng mình, từ cách chạm vào đời sống, cách người ta đặt tấm gương đón nhận những hình ảnh phản chiếu của đời sống ấy, tái tạo lại với tài năng thiên bẩm, sự trắc ẩn, và tinh tế” - trích diễn từ đã nêu.
Đến có thể không còn là tác giả ăn khách
Văn tài và cái duyên thu hút độc giả của Nguyễn Ngọc Tư là ở khả năng cân bằng giữa lạ và quen, cả về câu chuyện, bút pháp, ngôn từ. Số đông độc giả thường thích những điều quen thuộc, nhưng tự tác giả có thích, có cam phận với điều đó không lại là chuyện khác.
Khi Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đặt câu hỏi: Sau nhiều truyện ngắn thành công, xét về việc viết, chị tự thấy mình viết văn càng ngày càng khó khăn hơn, hoặc dễ dàng hơn? Nguyễn Ngọc Tư trả lời: “Khó hơn chứ. Vượt qua chính mình rất khó. Và còn việc kiếm sống nữa. Viết theo ý mình thì có nghĩa xa rời những độc giả cũ, họ đã dõi theo mình từ xưa tới giờ”.
Thế nhưng, nhiều người nói chị đang lột xác cả về nội dung và bút pháp trong tập truyện ngắn này? “Tôi cũng không chắc vụ lột xác này, cái đó người đọc sẽ cảm nhận chính xác hơn. Có nhiều thứ bản thân người viết không ý thức rõ. Nhưng chắc chắn là tôi không bắt đầu bằng ý nghĩ mình phải lột xác mới được. Mà tôi nghĩ không biết cái thứ mình viết có mới không, có hay không” - Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ.
Chị nói thêm: “Nhưng giờ có vẻ họ sẽ bị mất dấu. Và nếu tôi không còn là một tác giả ăn khách, có nghĩa là việc sống bằng văn chương, điều mà tôi thường tự hào về mình, cũng bị thử thách”.
Với câu kết này, dường như Nguyễn Ngọc Tư đang sửa soạn cho mình một chặng đường mới, có thể giàu sáng tạo hơn nhưng ít độc giả hơn. Bởi suy cho cùng, sứ mệnh của người làm sáng tạo vẫn là đổi mới chính mình, làm khác chính mình.
Văn Bảy